- Lý giải nguyên nhân chi tiêu ngân sách chưa mấy hiệu quả khiến bội chi vẫn "đội lên", chiều 2/10, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách ban hành còn trùng lắp về đối tượng nên "mạnh ai nấy chi".
Chi tiền phải ra tấm, ra món
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Văn Thuận gọi kiểu quyết ngân sách này là "đánh cờ nước một", vừa lãng phí công tổ chức, vừa phân tán nguồn lực.
ĐBQH đề xuất xem lại chuẩn nghèo. Ảnh: LN
Trong khi nhiều chương trình giải ngân không hết, thì nhiều chủ trương, quyết sách của Chính phủ lại không thực hiện được chỉ vì... thiếu tiền.
"Một số quyết sách có vẻ duy ý chí, mới xuất phát từ tình cảm chứ không phải từ khả năng tài chính của đất nước", ông Thuận nhận định.
Theo thông tin Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đưa ra, chỉ tính riêng ở Thanh Hóa, vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm chỉ có khoảng 400 tỷ đồng nhưng tiền rót cho các chương trình mục tiêu quốc gia thì nhiều gấp ba lần.
Mỗi chương trình mục tiêu quốc gia bao giờ cũng có hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, khiến cho vô hình chung, vốn bị chia cắt.
Hơn ai hết, các đại biểu QH ở địa phương biết rõ việc nhiều tuyến đường cao tốc, nhiều cầu vượt được đầu tư công phu nhưng chẳng mấy khi có người vãng lai.
Chương trình xoá đói giảm nghèo và quyết định hỗ trợ cho 62 huyện nghèo là một trong các dẫn chứng cho việc chính sách bị trùng lắp.
Ông Hiền đề nghị các bộ phải ngồi lại với nhau, thống nhất các chương trình mục tiêu quốc gia để làm gì phải "ra tấm, ra món".
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích, các công trình dự án trọng điểm quốc gia mà vẫn chưa phát huy được hết hiệu quả. Chính phủ chú trọng đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhưng thực tế, nơi làm xong đường thì thiếu cầu hoặc ngược lại.
"Vốn thì ít mà lại không tập trung đồng bộ nên không phát huy được hết", ông Lưu chốt lại.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chỉ rõ, "tiêu cực ở đây, mà xin - cho cũng ở đây".
Tiếp thu tất cả các góp ý này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, sẽ cùng ngồi lại với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát và kiến nghị Chính phủ thống nhất lại đầu mối phân bổ tài chính cho các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ trưởng chỉ mong bội chi thấp
Dự kiến các chỉ tiêu năm 2010, Chính phủ đề nghị mức bội chi ngân sách Nhà nước là 6,5% GDP. Nhưng đa số ý kiến của cả Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế QH đều đề nghị không quá 6%.
Vì, năm 2010, nền kinh tế hồi phục, không thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, do vậy, thu ngân sách dự kiến tăng cao hơn 2009.
Bên cạnh đó, dư nợ Chính phủ hiện đang ở mức cao (khoảng 44,6% GDP) chưa bao gồm các khoản vay của địa phương và khoản tạm ứng ngân sách luân chuyển qua các năm.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách lo ngại nếu tiếp tục để bội chi ngân sách Nhà nước ở mức cao, có thể tạo ra nguy cơ rủi ro an ninh tài chính quốc gia.
Đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, về số tuyệt đối thì bội chi tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng là mức tăng khá lớn. Hơn nữa, mức bội chi 6,5% dự kiến năm 2010 vẫn vượt xa so với giới hạn cho phép là 5%.
Ủy ban này đề nghị Chính phủ cần kế hoạch cụ thể để giảm bội chi ngân sách Nhà nước dưới 5% trong các năm sau.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phân bua: "Tôi là Bộ trưởng Tài chính nên chỉ mong bội chi thấp. Vì áp lực nợ và trả nợ rất lớn".
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển: "Tiếp tục theo dõi sức khỏe nền kinh tế" Khám "sức khỏe" nền kinh tế có nhiều cái đáng lo. Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng nhưng công nghệp là xương sống lại tăng thấp. Thứ hai, nền kinh tế nước ta hướng ngoại nhưng năm qua xuất khẩu lại âm 9,9%. Thứ ba, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, mọi năm đều thặng dư, nhưng năm nay thâm hụt 1,9 tỷ đôla. Lạm phát dù ở mức 7%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội cho phép nhưng vẫn cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hệ số ICOR 8, gần như tăng gấp đôi năm ngoái. Nền kinh tế dù có tăng trưởng không âm nhưng sức khỏe cần được đánh giá và tiếp tục theo dõi. |
-
Lê Nhung