221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1240335
Mở rộng dân chủ bầu cử trong Đảng
1
Article
null
Mở rộng dân chủ bầu cử trong Đảng
,

 - Việc thí điểm bầu bí thư cấp huyện, tỉnh phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp, góp phần làm công tác cán bộ không còn "nằm trong tay một nhóm người", làm giảm bớt việc chạy chọt.

Đòi hỏi khách quan

Điều lệ Đảng quy định: Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra. Như vậy dân chủ bầu cử không phải là một thứ dân chủ hình thức của chế độ dân chủ tư sản như có người quan niệm, mà là một nguyên tắc tổ chức của Đảng Cộng sản. Vấn đề là thực hiện nguyên tắc này như thế nào.

Trong điều kiện chiến tranh, theo cách hiểu và cách làm trước đây, tuy vẫn thực hiện đại hội bầu cấp ủy, cấp ủy bầu bí thư (và một số chức danh khác) nhưng những quy định và hướng dẫn kèm theo đã khiến việc bầu cử chủ yếu trở thành có tính thủ tục. 

Trọng tâm quyết định không ở trong việc bầu cử mà ở việc giới thiệu của cấp ủy cũ và chuẩn thuận trước của cấp trên. Trách nhiệm chuẩn y của cấp trên biến thành quyền chuẩn thuận trước, nếu không có sự chuẩn thuận đó thì cấp dưới không được bầu, nhất là đối với chức danh bí thư và phó bí thư. Có khi ép cấp dưới bầu theo ý chỉ đạo của cấp trên. 

Mô tả ảnh.
Đại biểu cần được thông tin đầy đủ, chính xác về các ứng cử viên, hình thành chủ kiến của mình để bỏ phiếu. Ảnh minh họa

Đổi mới việc bầu cử trong Đảng là một đòi hỏi khách quan, không chỉ có ý nghĩa trực tiếp đối với công tác cán bộ, mà còn tác động sâu sắc đến mở rộng và thực hành dân chủ trong Đảng, thực hành đúng đắn và đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. 

Những năm gần đây, qua mỗi kỳ Đại hội đã có những điểm quy định mới theo hướng mở rộng dân chủ bầu cử. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm, còn rụt rè chủ yếu là cấp trên còn muốn bao biện, thiếu tin tưởng ở đảng viên, cán bộ và cấp dưới, muốn nắm giữ đặc quyền về cán bộ để chi phối cấp dưới. 

Bộ Chính trị chủ trương trong đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thực hiện thí điểm đại hội bầu bí thư cấp ủy cả ở các cấp cơ sở, huyện và tỉnh. Đó là một quyết định mạnh dạn và đúng đắn. Theo chủ trương này, tại đại hội đảng các cấp sắp tới, sẽ có hàng ngàn đại hội cơ sở, hàng trăm đại hội huyện, hàng chục đại hội tỉnh trực tiếp bầu bí thư cấp ủy. Rõ ràng, với quy mô như vậy, thí điểm đã có tính phổ biến, đủ để rút kinh nghiệm và nhân rộng thành quy định chung.

Cần phê phán những nhận thức và hành vi kỳ thị người ra ứng cử; chống mọi biểu hiện thiếu thiện chí (của người đã được chuẩn bị đề cử) với các ứng cử viên khác.
Một cách trực giác, có thể thấy thí điểm này phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp. Nó góp phần làm cho công tác cán bộ không còn "nằm trong tay một nhóm người" (như có người đã nhận xét), làm giảm bớt việc chạy chọt để có "một chân trong cấp ủy" để được giữ vị trí lãnh đạo một ngành, một địa phương, nó cũng làm giảm bớt nguy cơ việc bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị các kênh ngầm chi phối.

Đây là việc mới, muốn làm có kết quả cần kết hợp với việc đổi mới một số mặt khác trong sinh hoạt đảng, cần chuẩn bị và chỉ đạo thực hiện tốt.

Bỏ hạn chế ứng cử, đề cử

Trước hết, cần đổi mới một số nội dung quy chế bầu cử và quy chế đại hội. Đại hội cần được dành nhiều thời gian cho bầu cử. Không mất thời gian vào việc nghe những tham luận dông dài nhằm báo cáo thành tích, xuất hiện trên diễn đàn để tranh thủ phiếu bầu.

Một số quyền của đoàn chủ tịch đại hội cần được đưa về cho đại hội. Tăng cường các phiên họp toàn thể, giảm bớt các phiên họp theo đoàn. Trong quy chế bầu cử, cần bỏ những quy định hạn chế ứng cử, đề cử; cần thực hiện việc các ứng cử viên nêu ý tưởng và chương trình thực hiện nghị quyết đại hội; cần thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn công khai tại đại hội. Cần phê phán những nhận thức và hành vi kỳ thị người ra ứng cử; chống mọi biểu hiện thiếu thiện chí (của người đã được chuẩn bị đề cử) với các ứng cử viên khác.

Đại biểu đại hội trở thành nhân vật trung tâm trong bầu cử cơ quan lãnh đạo. Một mặt, mỗi đại biểu cần thực sự đề cao trách nhiệm, mặt khác đại biểu cần được thông tin đầy đủ, chính xác về các ứng cử viên, hình thành chủ kiến của mình để bỏ phiếu. 

Bí thư có trách nhiệm chính trị lớn, có thực quyền lớn, nhưng quy phạm chính thức không đầy đủ, chế độ trách nhiệm cá nhân trước cấp ủy (trước nhân dân, nhà nước. luật pháp…) không rõ. Đây chính là một nguyên nhân của tình trạng cấp ủy bao biện làm thay hoặc buông lỏng, không quy được trách nhiệm pháp lý.
Để có được thông tin, họ cần được cung cấp các tư liệu cần thiết từ cấp ủy cũ, từ đoàn chủ tịch đại hội. Họ cũng cần chủ động tìm hiểu về phẩm chất, năng lực các ứng cử viên được giới thiệu (và cả ứng cử viên tiềm năng), qua hiệu quả công việc, qua dư luận nhân dân, cán bộ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông qua sinh hoạt đại hội (nghe thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn công khai). 

Đại biểu đến đại hội là để làm chức năng cơ quan lãnh đạo của đảng bộ chứ không phải đến hội, không nên mất thời gian vào các việc giao lưu, chụp ảnh kỷ niệm, không bỏ phiếu theo cảm tính, theo đuôi người khác hoặc theo gợi ý khéo của trưởng đoàn...

Bầu Tổng Bí thư sẽ là điều rất tốt

Cần đổi mới quy chế công tác của các cấp ủy. Bí thư cấp ủy là vị trí chính trị quan trọng nhất trên thực tế ở mỗi địa phương. Trong điều kiện nhà nước pháp quyền, Đảng lãnh đạo hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cần thể chế hoá chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của bí thư trong hệ thống chính trị nói chung, trong cấp ủy và đảng bộ nói riêng. 

Hiện nay, vị trí đứng đầu của bí thư ngay trong cấp ủy cũng có điểm chưa rõ. Ví dụ theo quy định hiện hành, bí thư cũng chỉ có một phiếu như các thành viên khác khi ra quyết định, thì đâu có phải là người đứng đầu. 

Bí thư có trách nhiệm chính trị lớn, có thực quyền lớn, nhưng quy phạm chính thức không đầy đủ, chế độ trách nhiệm cá nhân trước cấp ủy (trước nhân dân, nhà nước. luật pháp…) không rõ. Đây chính là một nguyên nhân của tình trạng cấp ủy bao biện làm thay hoặc buông lỏng, không quy được trách nhiệm pháp lý. 

Việc đại hội bầu bí thư tạo ra những tiền đề và căn cứ để tiếp tục xác lập, cụ thể hoá, quy chế hóa chức trách, quyền hạn bí thư, đổi mới việc thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Đây là việc mới, từ bỏ nếp cũ, nên lúc đầu có thể phát sinh khó khăn, trục trặc. Các đại hội đảng, các cấp ủy và bí thư cấp ủy, các cơ quan tham mưu cần chủ động, sáng tạo quyết tâm thực hiện, chắc chắn sẽ có kết quả và hiệu quả cuối cùng tích cực. Từ thí điểm có thể tiến tới thực hiện phổ biến trong toàn Đảng trong nhiệm kỳ sau.

Những kết quả tích cực của việc thí điểm đại hội các cấp bầu bí thư sẽ là một căn cứ thực tế quan trọng, góp phần để đại biểu Đại hội toàn quốc lần thứ XI xem xét. 

Nếu Đại hội quyết định sửa đổi Điều lệ, đi tới thực hiện việc đại biểu Đại hội XI bầu Tổng Bí thư của Đảng sẽ là một điều rất tốt.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,