- "Những trường không đảm bảo chất lượng vừa qua cũng là do Thủ tướng phê duyệt. Thủ tướng có quyền quyết định nhưng rồi vẫn là Bộ phải chuẩn bị hồ sơ trình lên. Mở trường ĐH ồ ạt vừa qua là do ta quản lý, giám sát chưa chặt chẽ", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền nêu ý kiến xung quanh việc phân cấp cho Bộ trưởng được quyền quyết định thành lập trường ĐH.
Đây vẫn là câu chuyện "nóng" ở các đoàn ĐBQH trong phiên thảo luận tại tổ về Luật giáo dục sửa đổi sáng nay (24/10).
Đa số đại biểu đồng thuận với quy định mới trong luật là tách bạch hai bước: thành lập nhà trường và cho phép hoạt động giáo dục. Sau khi thành lập, để được hoạt động, trường phải đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên...
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) chỉ lưu ý thêm là luật phải có chế tài xử lý đối với người quyết định thành lập và người quyết định cho phép hoạt động những trường không đủ điều kiện.
Còn đề xuất giao thẩm quyền cho Bộ trưởng tiếp tục vấp phải sự phản đối của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.
Tại phiên thảo luận sáng nay, vẫn đang có hai luồng ý kiến chưa ngã ngũ.
Nếu quyết định sai, Bộ trưởng phải chịu kỷ luật
Những đại biểu bảo lưu quan điểm "quyền thành lập ĐH phải thuộc Thủ tướng" lo ngại rằng nếu phân cấp cho Bộ trưởng thì không thể chấm dứt được hiện tượng sinh sôi hàng loạt các trường kém chất lượng.
ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM). Ảnh: CN
Gợi lại chuyện sân golf mở ra ồ ạt, như Chính phủ từng thừa nhận là "từ khi địa phương được quyền cấp phép", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga băn khoăn: "Việc giao quyền quyết định cho Bộ trưởng bây giờ có quá sớm không, hay là đợi đến khi đã chuẩn bị được đầy đủ quy hoạch?".
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tin rằng chỉ có phân cấp cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mới giảm được tình trạng trung gian, cải cách được thủ tục hành chính.
"Những trường ĐH không đảm bảo chất lượng vừa qua cũng là do Thủ tướng phê duyệt chứ. Lỏng lẻo là ở khâu giám sát. Đừng dồn hết việc lên Thủ tướng vì chuẩn bị hồ sơ thì cũng là Bộ trình lên", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền lên tiếng.
Điều quan trọng là luật phải làm rõ được trách nhiệm của vị trưởng ngành. Có hệ thống kiểm định độc lập, thưởng - phạt rõ ràng những trường hợp nào chưa đủ điều kiện mà đã được mở trường.
Theo đại biểu Ngô Minh Hồng, nếu vẫn là Thủ tướng thì ở cấp càng cao, mức độ quan liêu càng lớn. "Thủ tướng có cấp đi chăng nữa thì cơ quan tham mưu cũng vẫn phải là Bộ thôi, thêm một mức nữa cũng không giải quyết được vấn đề", bà Hồng khẳng định.
Vị Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cũng không đồng tình với việc Luật lại "thòng" thêm một câu "trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng quyết định".
"Thế nào là "đặc biệt"? Cái này đứng từ góc độ cải cách hành chính là cái kiểu "không cho phép" và rất dễ bị tùy tiện sử dụng", bà Hồng phân tích.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng bổ sung: "Nếu ra quyết định sai, Bộ trưởng phải bị kỷ luật. Không thể để trách nhiệm cứ chung chung như lâu nay, bên dưới cứ đùn đẩy lên trên, trên lại đùn xuống dưới và rồi chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cá nhân. Bấy lâu để Thủ tướng quyết định nhưng Thủ tướng lại giao cho cấp dưới, cho Bộ Giáo dục làm cả".
Ông Tùng kể: "Trong một chuyến bay, tôi ngồi gần một Thứ trưởng Bộ GDĐT, khi nhắc đến chuyện sai phạm ở ĐH Phan Thiết, ông ấy có thanh minh trách nhiệm đâu chỉ riêng Bộ. Đoàn kiểm tra là đoàn liên ngành, nhiều cơ quan khác nhau chứ không chỉ có Bộ".
Tóm lại, điều mà đại biểu quan tâm là quyền được giao cho ai đó, nhưng nếu trách nhiệm cá nhân không rõ ràng thì vẫn khó hạn chế sai sót. Nói như đại biểu Trần Du Lịch, "cơ chế chúng ta là chúng ta cùng chịu nhưng không ai chịu cả".
Sẵn sàng báo cáo Quốc hội về giáo dục ĐH
Lắng nghe các ý kiến trong suốt buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã có hơn nửa tiếng giải đáp các băn khoăn của đại biểu tổ Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên.
Theo ông, quy hoạch trường ĐH - CĐ đã được Thủ tướng ký. Tiêu chuẩn mở trường, lập trường hay đóng trường đều do Thủ tướng ký.
"Nhưng việc mở trường đúng hay sai là trách nhiệm của Bộ trưởng, chứ không được đẩy lên Thủ tướng. Thủ tướng phải lo chiến lược quốc gia, lo quy hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, nếu làm sai thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm đến cùng, phải xử lý Bộ trưởng chứ việc này không nên xử lý Thủ tướng. Nếu có một trường mở không đúng, lại yêu cầu Thủ tướng duyệt, Thủ tướng không có thời gian xử lý sâu", ông Nhân khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến tại tổ Bắc Giang. Ảnh: XL
Việc phân cấp cho Bộ trưởng là để tăng trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trước Thủ tướng và xã hội chứ không phải né tránh.
Ông Nhân cho biết, cuối tuần tới, Bộ sẽ hoàn tất báo cáo về tình hình giáo dục ĐH và sẵn sàng cung cấp cho QH. Bộ trưởng khẳng định, không thể lấy sai sót của một số trường để áp cho cả hệ thống trường còn lại.
"Không thể kiểm định kiểu rầm rộ"
Phát biểu tại tổ Thái Nguyên, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho rằng, số lượng trường ĐH trong cả nước không phải là ít nhưng chất lượng phải xem kỹ.
"Một số đồng chí về hưu muốn mở trường và thỉnh giảng khắp nơi, đến giảng chỉ chạy sô như ca sĩ chứ không có thời gian bồi dưỡng, bổ sung kiến thức. Một người giảng 4-5 trường, chất lượng đại học đúng là có vấn đề", Tổng Bí thư nói.
Trước mắt, phải rà soát lại chặt chẽ hệ thống trường ĐH, nếu chưa đủ phải bổ sung, ông Mạnh lưu ý.
Theo dự kiến của Quốc hội thì năm tới, sẽ giám sát việc thành lập trường ĐH.
Tuy nhiên, điều mà đại biểu quan tâm là các quy định về kiểm định, thanh tra chất lượng đào tạo các trường được luật hóa.
Theo ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Hoàng Thị Hạnh, việc kiểm định chất lượng vừa qua làm chưa triệt để: "Người học khó phân biệt trường tốt - xấu rõ ràng, các trường kém không có động lực cạnh tranh, cơ quan tuyển dụng không biết căn cứ vào đâu để xác định chất lượng đầu ra".
Đa số đại biểu mong có một cơ quan kiểm toán độc lập. Có sự tham gia của các lực lượng xã hội, các hội nghề nghiệp, phụ huynh, doanh nghiệp.
"Kiểm định phải rất âm thầm, không phải rầm rộ đi xuống trường", bà Ngô Minh Hồng nói.
Bà Hồng mong muốn luật khống chế được bao nhiêu phần trăm tỷ lệ lợi nhuận từ việc mở trường phải được dùng tái đầu tư trở lại cho nhà trường, như ở các nước tiên tiến.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Thiện Nhân 12 năm: 87 trường ĐH mới Trong đó, thành lập mới là 33, nâng cấp là 54. 35 tỉnh có thêm ĐH mới, 28 tỉnh không có thêm trường nào. Gần 1/2 số ĐH thành lập mới nằm ở Hà Nội và TP.HCM. Vì sao thành lập trường ĐH? Tỉ lệ sinh viên trình độ sinh viên đại học/1 vạn dân là một tham số để thể hiện đào tạo nhân lực đáp ứng trình độ phát triển quốc gia. VN ở mức trên dưới 100, phấn đấu 2010: 200, năm 2020: 400. Thái Lan cách đây 3 năm: 350, Nhật Bản: 500 sinh viên/1 vạn dân.
-
L.Nhung - X.Linh - C.Nhật