221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1238653
Quốc hội: Nợ Chính phủ đang tăng mạnh
1
Article
null
Quốc hội: Nợ Chính phủ đang tăng mạnh
,

 - Năm ngoái, nợ Chính phủ khoảng 36,5% GDP, năm nay ước lên đến 40% GDP, 2010 dự kiến khoảng 44% GDP.

Thông tin được đưa ra tại phiên họp sáng nay (2/10) của Ủy ban Thường vụ QH về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2010.

Không đạt 7/25 chỉ tiêu của Quốc hội

Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, năm nay, có tới 7/25 chỉ tiêu Quốc hội đề ra không đạt được. Đó là các chỉ tiêu về tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu và tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Những chỉ tiêu này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng các năm sau.

Các chỉ tiêu chủ yếu về tăng trưởng, chỉ số giá tiêu dùng đều trong kế hoạch. GDP cả năm ước đạt 5,2%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 7%; bội chi ngân sách chiếm khoảng 6,9% GDP.

Nền kinh tế đã sớm thoát khỏi khủng hoảng, tăng trưởng đạt mức khá so với nhiều nước.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế QH, cơ quan thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội, đã chỉ ra 8 hạn chế. Có hạn chế tích tụ từ trong nội tại, một số mới phát sinh do tác động phụ của chính sách chống suy giảm. 

Mô tả ảnh.

UB Kinh tế QH chỉ ra: Dù có nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhưng do phân tán đầu mối quản lý và không có cơ quan chỉ đạo chung nên việc phân bổ còn dàn trải, chưa đến được với người dân. Ảnh: Lê Nhung

Thứ nhất, một số cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn.

Chẳng hạn, bội chi ngân sách cao liên tiếp trong nhiều năm gần đây. Mức bội chi 6,9% năm nay chưa tính đến các khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ, các khoản Chính phủ vay về cho DN vay lại.

Nợ Chính phủ tăng mạnh. Năm ngoái, nợ Chính phủ khoảng 36,5% GDP; năm nay ước lên đến 40% GDP; năm 2010 dự kiến khoảng 44% GDP.

Ủy ban khuyến cáo, nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm dần bội chi ngân sách thì trong vài năm tới, nợ Chính phủ sẽ tiến dần đến mức giới hạn an toàn được cảnh báo.

Tăng trưởng tín dụng khá nhanh, gây sức ép tăng lãi suất, sẽ dẫn đến hệ quả là tăng chi phí vốn, làm tăng giá thành sản xuất, khiến việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ gặp nhiều khó khăn. 36/40 đợt phát hành trái phiếu không thành công.

Hạn chế thứ hai là tăng trưởng kinh tế vẫn theo quy mô chiều rộng, chất lượng tăng trưởng chưa cao, thể hiện ở chỉ số ICOR, tăng lên trên 8 so với 6,66 của năm trước.

Từ quý II năm nay xuất hiện tình trạng thiếu lao động trầm trọng với những ngành nghề cần nhiều lao động như may mặc, xây dựng... nhất là vùng phía Nam. Đây không chỉ là hiện tượng mất cân đối cục bộ của nền kinh tế, mà bắt nguồn từ sự thiếu đồng bộ giữa chính sách kinh tế với chính sách đào tạo nhân lực kéo dài nhiều năm.

Trong khi đó, các nguồn vốn đầu tư vẫn giải ngân rất chậm.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản.

Năm 2007, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản chỉ chiếm khoảng 25%, đến 2008 tăng lên 36,8% nhưng chỉ trong sáu tháng đầu năm đã chiếm tới 60% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN.

Như vậy, cơ cấu đầu tư vừa không tạo thêm được việc làm mới, ít tạo ra khả năng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lại không đẩy mạnh được xuất khẩu.

"Khó kiểm soát các khoản hỗ trợ lãi suất"

Theo Ủy ban Kinh tế QH, việc triển khai gói kích thích kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc.

Đó là, có sự trùng lặp trong các quyết định hỗ trợ. Thủ tục, điều kiện cho vay theo quyết định 497 của Chính phủ lại chặt chẽ hơn so với cho vay theo cơ chế thông thường, triển khai lại chưa đồng bộ nên một số nơi đã làm chậm, như Ninh Thuận, Hà Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nợ Chính phủ tăng mạnh.
Nợ Chính phủ tăng mạnh.

Riêng với gói hỗ trợ lãi suất vay ngắn hạn 4%, các thành viên ủy ban khẳng định "tuy đã hoàn thành vai trò giải cứu nhưng vẫn còn hạn chế".

Chẳng hạn, số DN được vay vốn hỗ trợ lãi suất không nhiều, chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này gây ra sự thiếu bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa các DN, giảm đi phần nào ý nghĩa kích cầu.

Lãi suất VND sau khi được giảm trừ 4% và lãi suất cho vay ngoại tệ gần tương đương nhau, dẫn đến nhu cầu vay VND tăng, làm mất cân đối cung cầu trên thị trường tiền tệ, gây sức ép tăng lãi suất VND và tăng tổng phương tiện thanh toán, tạo sức ép tăng tỷ giá và ảnh hưởng cán cân thanh toán.

Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế thừa nhận, rất khó kiểm soát thực chất các khoản tín dụng. Có ý kiến cho rằng có hiện tượng dùng vốn vay để đảo nợ, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản.

Thậm chí, có DN vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp tại ngân hàng này để rồi gửi sang ngân hàng khác hưởng chênh lệch.

Nhiều DN tuy vẫn "rủng rỉnh" vì có tiền gửi ngân hàng hưởng lãi suất, nhưng vẫn làm hồ sơ vay vốn hỗ trợ.

Ủy ban Kinh tế kiến nghị, nền kinh tế đã qua thời điểm khủng hoảng nhất trong khi những vấn đề phát sinh sẽ gây khó khăn cho chính sách tiền tệ trong việc duy trì, bảo đảm ổn định cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Nên dừng chính sách hỗ trợ lãi suất đúng thời hạn.

Ủy ban này cũng chỉ ra một số hạn chế khác như tiến độ cổ phần hóa DN chậm trễ.

Kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua một số luật nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho chủ trương kích cầu, nhưng đến nay luật vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Đáng chú ý là mức chuẩn nghèo chưa được thay đổi, nên tỷ lệ hộ nghèo 11% chưa phản ánh đúng thực chất. Mặc dù có nhiều chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhưng do phân tán đầu mối quản lý và không có cơ quan chỉ đạo chung nên việc phân bổ còn dàn trải, chưa đến được với người dân.

2010: GDP khoảng 6,5%; CPI 7%

Về các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2010, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất chỉ tiêu GDP sẽ đạt khoảng 6,5% nhưng cần chú trọng chất lượng.

Chính phủ cũng đề xuất chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, tình hình thế giới năm 2010 chưa gây biến động lớn về giá cả, tuy nhiên sẽ có một số nhân tố gây sức ép khiến chỉ số giá tiêu dùng VN sẽ cao hơn 2009.

Chẳng hạn, do phục hồi kinh tế nên giá cả sẽ cao hơn. Do tác động của gói kích thích kinh tế và thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng cũng sẽ tạo sức ép lạm phát.

Để chủ động cho điều hành, Ủy ban Kinh tế kiến nghị, chỉ số giá tiêu dùng nên tăng không quá 8%.

Chính phủ dự kiến bội chi năm 2010 khoảng 6,5% GDP. Nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng mức bội chi không nên quá 6% và cần kế hoạch cụ thể để giảm xuống dưới 5% trong các năm sau.

Ủy ban cũng nhấn mạnh một số giải pháp cần thực hiện trong năm tới, như tiếp tục thực hiện chính sách kích thích kinh tế một cách hợp lý, có sự điều chỉnh thích hợp về phương pháp và đối tượng theo hướng tập trung mục tiêu trung và dài hạn.

Tập trung bảo đảm các cân đối vĩ mô quan trọng vì các cân đối kinh tế năm nay tuy ổn định nhưng thiếu vững chắc.

Một số khuyến cáo khác được đưa ra như cần đánh giá thực trạng nền kinh tế để lựa chọn mô hình tăng trưởng... từng bước giảm chỉ số ICOR và có định hướng thu hút đầu tư dựa trên chiến lược phát triển kinh tế dài hạn.

                Chỉ tiêu dự kiến năm 2010

GDP: 6,5%; bình quân đầu người: 1.200 USD; Chỉ số giá tiêu dùng: 7%; Bội chi ngân sách: 6,5%; Tạo mới việc làm: 1,6 triệu lao động, đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài..

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 41,5% GDP; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,