- Trong báo cáo gửi lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Kinh tế cho rằng gói hỗ trợ lãi suất 4% đã hoàn thành sứ mạng giải cứu và nên dừng lại.
Thứ nhất, chỉ có 78/350 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ, tương đương 22%. Theo một số chuyên gia thì con số thực tế còn thấp hơn nhiều do có nhiều DN cùng lúc vay ở nhiều tổ chức tín dụng khác nhau. Điều này gây bất bình đẳng và giảm đi ý nghĩa của chủ trương cho vay kích cầu.
Thị trường bất động sản đang ấm lên. Ảnh: LN
Hơn nữa, cho vay hỗ trợ lãi suất đã làm méo mó thị trường tiền tệ và hối đoái.
Lãi suất VND sau khi được giảm 4% và lãi suất cho vay ngoại tệ gần tương đương nhau. Vì vậy, DN chỉ muốn vay VND chứ không muốn vay ngoại tệ để tránh rủi ro tỷ giá. Vì thế, nhu cầu vay VND tăng, dẫn đến mất cân đối cung - cầu trên thị trường tiền tệ, gây sức ép tăng lãi suất VND và tăng tổng phương tiện thanh toán.
Điều này thể hiện rõ qua việc dư nợ tín dụng tăng rất nhanh, dự báo cả năm có thể tăng 30%.
Doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng giữ lại ngoại tệ không bán cho ngân hàng. Các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ muốn vay VND để mua ngoại tệ. Điều này dẫn đến tình trạng các ngân hàng không có đủ ngoại tệ đáp ứng nhu cầu mua của DN, mặt khác ngân hàng huy động ngoại tệ lại không cho vay được, gây mất cân đối thị trường ngoại hối, tạo sức ép tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán.
Ngân hàng nhà nước đã phải bán ngoại tệ nhằm ổn định thị trường, làm dự trữ ngoại tệ giảm 5 tỷ USD.
Lãi suất tiền gửi VND hiện nay trung bình khoảng 8 - 9%, cao hơn lãi suất cho vay đã được hỗ trợ (4 - 6%) do vậy không tránh khỏi tiêu cực. Doanh nghiệp sẽ vay vốn hỗ trợ lãi suất ở ngân hàng này và gửi sang ngân hàng khác để hưởng chênh lệch.
Một số doanh nghiệp có xu hướng kéo dài thời hạn cho vay hơn chu kỳ sản xuất kinh doanh bình thường để hưởng lợi.
Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, những phát sinh từ chính sách hỗ trợ lãi suất như trên đã gây khó khăn cho chính sách tiền tệ trong việc duy trì các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, nhất là cán cân thanh toán cung cầu tiền tệ, ổn định lãi suất và tỷ giá.
Ủy ban này cũng chỉ ra, nhiều doanh nghiệp sau khi vay tiền đã tăng thêm lợi nhuận nhưng không tăng thêm được sản lượng hay mở rộng sản xuất.
"Nếu tình hình này là phổ biến thì chủ trương kích cầu không có tác dụng, gây lãng phí ngân sách", Ủy ban Kinh tế khẳng định.
Cũng theo ủy ban này, có thể vốn hỗ trợ lãi suất không được dùng đúng mục đích mà sẽ bị doanh nghiệp, nhất là khu vực ngoài nhà nước đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản.
Điều đáng lưu ý là trong điều kiện bình thường, thì dư nợ tín dụng của khối khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 50% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, với gói hỗ trợ lãi suất 4% thì dư nợ tín dụng của khu vực này hiện mới đang chiếm 14,88%, còn lại là của doanh nghiệp ngoài quốc doanh (68,6%).
Ủy ban nhận định, việc thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán ấm lên cùng thời điểm giải ngân mạnh gói hỗ trợ lãi suất càng làm tăng thêm nghi ngại này.
Xuất phát từ những lo ngại trên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất, bối cảnh kinh tế hiện nay vẫn chưa ổn định, Chính phủ nên tiếp tục duy trì chính sách kích thích kinh tế nhưng cần điều chỉnh cả về phương pháp và đối tượng.
Chỉ nên tập trung cho mục tiêu trung và dài hạn, như giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế, hạ tầng, đào tạo, phát triển thị trường nội địa...
Ủy ban này khẳng định, gói hỗ trợ lãi suất 4% đã hoàn thành sứ mạng giải cứu cho một số DN gặp khó khăn.
Nền kinh tế hiện nay cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, vì vậy rất cần thiết nên dừng gói hỗ trợ này đúng thời hạn (31/12/2009).
-
L. Nhung