- Đại diện Bộ Tư pháp cho hay để thực thi hiệu quả Công ước LHQ phòng chống tham nhũng, Việt Nam phải xây dựng luật về bảo vệ nhân chứng.
Ảnh: VNN |
Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 vào tháng 5 và tham gia Công ước của LHQ về chống tham nhũng hồi tháng 6 vừa qua. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Để thực thi Công ước, Việt Nam bắt buộc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, nội luật hóa một số các yêu cầu phù hợp của Công ước, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế. Trong đó có quy định vấn đề giám sát chặt chẽ tài khoản của những người đã hoặc đang giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, thành viên trong gia đình hoặc cộng sự thân tín của họ, nhằm mục đích phát hiện các giao dịch đáng ngờ (khoản 1, điều 52 của Công ước).
Liên quan đến việc minh bạch tài sản, thu nhập, theo Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, đến nay đã có 32 bộ, cơ quan ở trung ương và 26 địa phương báo cáo hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2008. Có 552 người đã được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập, "bước đầu phát hiện một số trường hợp không trung thực, các cơ quan chức năng đang xem xét xử lý".
Một trong những quy định bắt buộc khác phải nội luật hóa theo Công ước, đó là quy định về việc thành lập cơ quan tình báo tài chính.
Tham luận của đại diện Bộ Tư pháp tại hội thảo cũng cho hay để thực thi hiệu quả Công ước, Việt Nam phải tiến hành xây dựng luật riêng về bảo vệ nhân chứng. Các quy định hiện hành về bảo vệ người tố cáo tham nhũng hiện còn "chung chung", pháp luật Việt Nam cũng "chưa có cơ chế thực hiện các biện pháp bảo vệ cũng như chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc bảo đảm sự an toàn cho người tố giác tội phạm".
Trong khi đó, việc thực hiện các quy định về bảo vệ người cung cấp chứng cứ, theo quy định của Công ước, đòi hỏi phải có đủ phương tiện vật chất và nguồn tài chính cần thiết, chẳng hạn như tổ chức lấy lời khai thông qua phương tiện viễn thông hiện đại.
Cũng theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng, từ nay đến năm 2011. Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp về tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền.
Ông Jairo Acuna - Alfaro, chuyên gia của UNDP tại Việt Nam cho rằng về cơ bản, Công ước không thể thay thế cho các văn bản pháp lý mạnh mẽ hơn ở cấp quốc gia. Công ước cũng không nên được xem là một kế hoạch hay lộ trình rập khuôn. Việc phê chuẩn Công ước sẽ góp phần tăng cường và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống tham nhũng hiện nay của Việt Nam.
-
X.Linh