- Chiều nay (21/10), Bộ Ngoại giao triệu Đại sứ Trung Quốc đến để trao công hàm yêu cầu xử nghiêm những nhân viên vũ trang có hành động thô bạo với ngư dân Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Ảnh: VNN |
Về vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết chiều nay (21/10), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam phản đối việc nhân viên vũ trang Trung Quốc có những hành động vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam vào tránh bão tại đảo Phú Lâm (ngư dân Việt Nam thường gọi là đảo Trụ Cẩu), thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ.
Trong công hàm, Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm những nhân viên vũ trang có hành động đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, đồng thời có các biện pháp ngăn chặn không để những hành vi tương tự tái diễn.
Chiều 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế cho biết Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã hoàn tất việc thu nhập, xác minh thông tin từ các ngư dân. Tỉnh Quảng Ngãi đã gửi văn bản chính thức về vụ việc ngư dân bị phía Trung Quốc ngược đãi, kiến nghị Bộ Ngoại giao có giải pháp can thiệp.
Theo lời các ngư dân, khi vào tránh bão số 9 tại quần đảo Hoàng Sa, họ đã bị nhân viên vũ trang của Trung Quốc tịch thu tài sản gồm máy Icom, máy dò, máy định vị, bộ dây hơi và bình lặn, cùng thủy sản vừa đánh bắt được. Trung bình mỗi tàu bị lấy khoảng 2.000 lít dầu diesel.,
Hầu hết số tàu này mới ra khơi chưa đầy một tuần đã gặp bão, nên khi bị tịch thu nhiên liệu, thiết bị, ngư cụ đánh bắt, ngư dân phải trở về với nợ nần chồng chất, từ 50 triệu đến hơn 200 triệu đồng/tàu.
-
Xuân Linh