- Tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là 10,9 lần. Tập đoàn này cũng nợ các tổ chức tín dụng tới 19 nghìn 885 tỉ đồng.
Thông tin nằm trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) Nhà nước mà Ủy ban Thường vụ QH vừa gửi đến các đại biểu.
Con tàu hàng nghìn tỷ đồng của Vinashin. Ảnh: Vinashin
Kết quả cho thấy hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước so với các khu vực DN khác còn "thấp, chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò trong nền kinh tế".
25% TĐ-TCT lỗ hoặc lợi nhuận dưới 5%
Có tới 45,05% các TĐ, TCT hoạt động hiệu quả thấp (tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%), ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế nhà nước.
Một số TĐ, TCT đã không thực hiện được nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu, thậm chí thất thoát.
Không ít đơn vị, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Tính đến 31/12/2008, một số đơn vị có tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao (trên 10 lần) là: Tổng Công ty Xây dựng CTGT 1 (21,6 lần); TCT Lắp máy Việt Nam (17,4 lần); TCT Xây dựng CTGT 4 (14 lần), TCT Thành An (13,9 lần); TCT Xây dựng công nghiệp Việt Nam (12,9 lần); TCT cổ phần XNK và xây dựng Việt Nam (12,2 lần); TCT Xây dựng công trình giao thông 8 (12 lần); TCT Thủy tinh và Gốm xây dựng (11,3 lần)...
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 "anh cả đỏ" trong nền kinh tế lên tới 128 nghìn 786 tỉ đồng, tăng 20,54% so với cuối 2007.
Một số đơn vị có nợ lớn là EVN nợ 66 nghìn 764 tỉ đồng, chiếm 51,84% tổng nợ tín dụng của 7 tập đoàn; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nợ 21 nghìn 477 tỉ, chiếm 16,67%; Vinashin nợ 19 nghìn 885 tỉ đồng, chiếm 15,44%.
Tổng nợ quá hạn tính đến hết năm ngoái là 4 nghìn 168 tỉ đồng, chiếm 3,24% tổng dư nợ của các tập đoàn tại các TCTD. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 15%.
Tập đoàn Vinashin có số nợ quá hạn là 3 nghìn 812 tỉ đồng, chiếm 19,17% dư nợ của TĐ và chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 TĐ.
Dù được Nhà nước giao, cho thuê đất vị trí "vàng" với giá "bèo", nhưng hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước của các "quả đấm thép" so với các khu vực DN khác còn "thấp, chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò trong nền kinh tế".
Đầu tư ngoài ngành: hầu hết lỗ
93/99 TĐ, TCT đang nắm giữ hơn 485.000 tỷ đồng vốn nhà nước. 25,2% đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận âm hoặc dưới 5%. 47,2% có mức lợi nhuận dưới 10%.
Trong lúc chưa tận dụng hết các lợi thế cạnh tranh thì các "anh cả đỏ" tiếp tục lấn sân sang đầu tư chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm hay góp vốn vào các quỹ đầu tư nhưng không sinh lời được bao nhiêu, nhiều trường hợp thua lỗ, thất thoát. Lãi suất thu được đều thấp hơn so với kinh doanh nghề chính.
Có những TĐ "vung tay" đầu tư lĩnh vực tài chính hàng ngàn tỷ đồng, trong khi lại “than thở” thiếu tiền đầu tư vào các dự án lớn Nhà nước giao.
Điển hình là EVN, năm ngoái đầu tư vào lĩnh vực tài chính khoảng 2 nghìn 146 tỉ đồng, trong khi từ nay đến hết năm 2015, để đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện, đơn vị còn thiếu 382 nghìn 931 tỉ đồng.
Dù nợ "đầm đìa" nhưng Vinashin vẫn mạnh dạn đầu tư vào ba tổ chức tín dụng và chín công ty chứng khoán.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng "cạnh tranh" không kém, đầu tư vào sáu tổ chức tín dụng và chín công ty chứng khoán.
Đến hết năm 2008, số tiền đầu tư của EVN vào lĩnh vực chứng khoán là 214 tỉ đồng; các TĐ góp vốn vào quỹ đầu tư của TĐ Dầu khí Việt Nam là 368,9 tỉ đồng; TĐ Caosu 271 tỉ đồng; TĐ Công nghiệp tàu thủy 144 tỉ đồng... đều không phát sinh lợi nhuận.
Ngay cả những TCT đang có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao gấp 14 lần cũng mạnh tay "vung tiền" đầu tư vào rất nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Khi thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, hầu hết đều bị lỗ.
"Mở rộng kinh doanh nóng"
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng thất thoát tài sản nhà nước là do trình độ quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro còn hạn chế. Trong khi đó, một số TĐ, TCT lại mở rộng hoạt động kinh doanh quá nóng, vượt quá khả năng tài chính.
Chẳng hạn, Vinashin trong năm 2007 đã thành lập thêm 31 công ty con, tăng 35% so với năm 2006.
Năm 2008 lại lập thêm 12 công ty con, nâng tổng số thành viên lên 157 doanh nghiệp.
Mặt khác, Nhà nước chưa dứt điểm trong việc bố trí, sắp xếp lại các đơn vị làm ăn thua lỗ. Chẳng hạn, TCT xây dựng đường thủy (Bộ Giao thông) lỗ liên tục trong ba năm, thất thoát vốn mỗi năm một nhiều nhưng vẫn hoạt động...
Cũng chính việc chưa triệt để tách bạch chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch.
SCIC đã ra đời với kỳ vọng tách bạch hai chức năng này, nhưng quá trình vận hành đã bộc lộ nhiều lúng túng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng phải triệt để tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu. Tách việc thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức rà soát đánh giá hoạt động của TĐ, TCT để chấn chỉnh, củng cố, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới DN.
-
Lê Nhung