221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1244506
"Án treo tham nhũng quá nhiều"
1
Article
null
'Án treo tham nhũng quá nhiều'
,

 - Ngày 4/11, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về công tác của ngành tòa án, viện kiểm sát, tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm.

Mô tả ảnh.
ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết. 
Ảnh: Trí Dũng
Một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH nêu ý kiến trong phiên thảo luận là tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết, trong báo cáo dài 15 trang gửi Quốc hội, phần nói về tham nhũng dài 7,5 dòng. Nhưng, trong báo cáo tóm tắt đọc tại hội trường thì không còn dòng nào.

"Phải chăng năm 2009 này, tình hình đấu tranh phòng chống giặc nội xâm tham nhũng đã lụi, đã giảm?", ông Thuyết đặt câu hỏi.

ĐB Thuyết phân tích, năm 2009 không còn những vụ án điểm mở đầu rầm rộ như nhiều năm qua nhưng vẫn có những nghi án lớn mà quá trình xử đang diễn ra chậm chạp.

Ông Thuyết dẫn chứng, như vụ nghi án hối lộ PCI, sau khi các ĐBQH chất vấn Thủ tướng tại diễn đàn Quốc hội năm ngoái và Thủ tướng chỉ đạo đã có sự chuyển biến. Nhưng sau một năm mới chỉ dịch xong 4.000 trang tài liệu.

Theo tính toán, đây là tốc độ dịch của một người có trình độ trung bình về ngoại ngữ vì chia ra thì mỗi ngày chỉ dịch được 11 trang.

"Tại sao ta luôn nói chống tham nhũng là quan trọng mà tốc độ dịch tài liệu lại chậm như vậy?".

Liên quan đến thông tin trên báo chí nước ngoài về vụ in tiền polymer, ông Thuyết cho hay, báo chí trong nước không nói, nhưng báo mạng nước ngoài nói nhiều, dân đọc rất lo lắng.

"Nếu chúng ta không công khai, không có định hướng, thì tin thật lẫn với tin giả cộng thêm các bình luận sẽ khiến dân rất khó biết", ông Thuyết nói.

Theo giải thích của một số vị lãnh đạo, thông tin trên báo nước ngoài chỉ là tài liệu tham khảo nhưng điều mà dân quan tâm là chúng ta có chủ động đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết cũng đưa ra dẫn chứng về việc mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Đoàn Văn Kiển vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, gây thiệt hại tới 78 tỷ đồng, tạo điều kiện cho than thổ phỉ phát triển, xuất khẩu ra nước ngoài ít nhất là 18 triệu tấn.

"Ủy ban Kiểm tra TƯ đã hai lần cảnh cáo nhưng ông này vẫn tại chức, cho đến gần đây mới tự viết đơn xin từ chức và được chấp nhận. Người ta so sánh sự việc này không khác gì một cầu thủ hai lần thẻ vàng nhưng vẫn được đá tới phút 89 và sau đó được rời sân với lý do… chấn thương nhẹ", ĐB Thuyết ví von.

Theo ông Thuyết, đây là những cách xử lý "rất khó hiểu, nó làm cho người ta không thể hiểu được quyết tâm của chúng ta đến đâu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng".

Ông Thuyết phân tích, theo báo cáo của Chính phủ, tội phạm tham nhũng được xếp cùng với tội phạm về môi trường và xếp hàng thứ ba, sau tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

"Chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia là hết sức quan trọng, lực lượng an ninh của ta đã có công chặn đứng những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài kết hợp với bên trong. Nhưng lúc này, chúng ta thử đánh giá xem, những tổ chức mà không mấy ai biết đến ở nước ngoài đáng sợ hơn hay nội xâm đáng sợ hơn? Khi cơ thể chúng ta khoẻ mạnh thì không vi khuẩn nào có thể xâm nhập được, dù có xâm nhập chăng nữa cũng không thể “tác oai tác quái" được. Nhưng nếu cơ thể chúng ta yếu thì chỉ cần cơn lạnh nhẹ cũng có thể dẫn đến bị cảm cúm", ông Thuyết nói.

Theo ông Thuyết, quan trọng nhất để bảo vệ chế độ là lòng dân. Về mặt lý thuyết, chúng ta nhận thức chuyện này rất tốt, có thế trận lòng dân. Nhưng nếu chúng ta không chống được tham nhũng, không quyết tâm chống tham nhũng, để nhân dân giảm lòng tin thì lúc đó, các thế lực bên ngoài sẽ có điều kiện thuận lợi để kết hợp với những người bất mãn bên trong để âm mưu chống phá chế độ.

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ mong muốn tất cả các nhận thức về lý thuyết ấy "được các cơ quan tư pháp thể hiện trong thực tế, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của nhân dân".

Các ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu)... cũng tán thành những ý kiến trên của ĐB Thuyết.

Theo một số ĐBQH, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng năm 2009 tuy đạt được một số kết quả nhưng chưa tương xứng với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Đặng Văn Xướng nói: "Án treo trong các vụ án tham nhũng quá nhiều, lúc khởi tố thì to như con voi, sau xử lý bé như con chuột. Nếu không làm mạnh sẽ khiến người dân hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta".

Theo nhận xét của đại biểu Nguyễn Thị Lan, ở hầu hết vụ án tham nhũng, cơ quan xét xử thường dựa vào điều 60 của Bộ luật Hình sự là nhân thân người phạm tội tốt để giảm nhẹ tội phạm. "Điều này không hợp lý, vì người tham nhũng thường là quan chức, nhân thân phải tốt", bà Lan nói.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Kiệt băn khoăn về việc có quá nhiều án treo, trong đó có án tham nhũng, sẽ làm giảm nhiệt tình đấu tranh phòng chống tội phạm, gây tâm lý ức chế đối với người làm công tác điều tra và bức xúc trong nhân dân: "Án treo quá nhiều sẽ không đủ liều để ngăn chặn tội phạm, nhất là tội tham nhũng".

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại đề nghị sớm soạn thảo Luật Bảo vệ nhân chứng để bảo vệ những người mạnh dạn tố giác tham nhũng.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,