Cân nhắc đánh thuế nhà ở
So với Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành, dự thảo Luật bổ sung đối tượng chịu thuế là nhà ở nhưng trong 11 ý kiến phát biểu chiều 21/11, nhiều đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc này.
Cho rằng cần tôn trọng quyền có nhà ở của công dân, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) :"Nhà là tài sản gắn liền với công sức, tích lũy lâu dài của người dân, nhiều trường hợp phải vay mượn bạn bè, ngân hàng mới xây được nhà".
Ngoài ra, bà Hường cho rằng việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế vì trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Trong quá trình xây nhà, người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng...
Vì vậy, bà Hường đề nghị luật phải xây dựng một lộ trình về thời gian phù hợp hơn và chưa nên áp dụng thu thuế với nhà ở lúc này.
Đại biểu Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) cũng nêu thực tế việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng.
Do vậy, ông Quý cũng đồng tình trước mắt chỉ nên thu thuế đối với đất mà chưa áp dụng thuế đối với nhà. Đề nghị này của ông Quý nhận được nhiều sự chia sẻ đồng tình của các đại biểu sau đó.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng). Ảnh: Trần Dũng
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) và Lê Anh Dũng (Tiền Giang) lại cho rằng nên thu thuế, vì chính sách thuế mới này không tác động đến người có một nhà, mà chỉ ảnh hưởng đến người có nhiều nhà.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, cần phân biệt hai khái niệm: quyền sở hữu nhà ở và quyền có nhà ở.
Ông lấy ví dụ các nước phát triển trong nhóm G7, không phải mỗi người dân đều sở hữu một nhà. Vì vậy, nên hiểu quan niệm ở đây là quyền có nhà ở.
"Nếu không nhanh chóng ổn định mặt bằng quản lý pháp luật thì ngay trong những ngày Quốc hội chúng ta đang họp đây thôi, giá nhà đất trong các khu vực tuyến Láng - Hòa Lạc cũng đang nóng lên từng ngày", ông Kiên minh họa.
Đầu cơ đất cần bị đánh thuế theo phần trăm
Một số ý kiến phát biểu cũng nhắc đến mục tiêu hạn chế đầu cơ của dự thảo luật đưa ra khó mà thực hiện được vì mức thuế suất quy định chưa đủ mạnh, do số tiền thuế phải nộp không đáng kể so với lợi nhuận thu được từ đầu cơ nhà, đất.
Nêu vấn đề Luật thuế nhà đất bản chất là thuế gì, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi nếu coi đây là thuế bất động sản như tờ trình nói thì với thu nhập quốc dân đầu người trên 800 USD hiện nay, liệu đã đến lúc đánh thuế bất động sản hay chưa?
Theo ông Lịch, tình trạng đầu cơ đất, để đất hoang, khối lượng tài sản này ai cũng thấy rõ: "Từ năm 1990 đến nay, thu nhập đầu người tăng 3 lần thì giá đất đô thị tăng đến 40, 50 lần, vậy luật này có điều chỉnh được không?".
Mặc dù chia sẻ với quan điểm đầu cơ là hiện tượng tồn tại song hành cùng với quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, nhưng ông Lịch nhấn mạnh đầu cơ thái quá sẽ làm méo mó tất cả.
"Đầu cơ đất cần bị đánh thuế theo phần trăm chứ không phải phần nghìn như trong dự thảo quy định", ông Lịch nhấn mạnh.
- Cao Nhật