- Trình bày chiều nay (6/11) trước Quốc hội chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Công thương cho hay, dự kiến, 75% nguồn vốn lấy từ vốn vay nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tổng mức đầu tư sơ bộ được dự kiến theo 3 phương án tính toán dựa trên các suất đầu tư 2600, 2800 và 3000 USD/KW công suất.
Tương ứng, phương án thấp hết khoảng 10,297 tỷ USD; phương án trung bình là 11,150 tỷ USD; phương án cao là 12,217 tỷ USD.
Dự kiến, 75% nguồn vốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được lấy từ vốn vay nước ngoài. Phương án huy động vốn cụ thể sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tính toán kỹ hơn.
"Giải pháp tối ưu"
Báo cáo Chính phủ cũng nêu rõ sự cần thiết phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nguồn năng lượng sơ cấp, ngoài tiềm năng than có thể gia tăng nguồn cung trong vài chục năm tới. Các tài nguyên năng lượng khác như thủy điện, dầu mỏ, khí đốt dự kiến được khai thác ở mức tối đa trong giai đoạn 2015 - 2020.
Như vậy, giải pháp tổng thể giữa sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt ở tỷ trọng thích hợp và việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là giải pháp tối ưu.
Nhiệm vụ của dự án là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, bình quân một năm (ở giai đoạn vận hành đủ 4 tổ máy) sản xuất khoảng 28 tỷ Kwh.
Tổng quy mô công suất của dự án khoảng 4.000 MW với số giờ vận hành khoảng 7.000h/năm.
Chính phủ cũng đề xuất lựa chọn công nghệ lò nước nhẹ (LWR). Thế hệ lò được lựa chọn có thể là thế hệ II trở lên, theo nguyên tắc công nghệ hiện đại an toàn, đã được kiểm chứng và có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thế hệ lò cụ thể sẽ được xác định trong giai đoạn lập dự án đầu tư.
Nhiên liệu được sử dụng là urani làm giàu từ 2 - 4% nhập khẩu. Thời gian hoạt động của dự án từ 60 năm trở lên.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH Đặng Vũ Minh nhấn mạnh, cần lựa chọn công nghệ tối ưu cho công trình. Từ nay đến khi triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nếu lò nước nhẹ thuộc thế hệ lò thứ ba đang được xây dựng và đưa vào sử dụng tại một số nước trên thế giới được kiểm chứng có hiệu quả tốt, phù hợp với điều kiện giá thành thì nên chọn thế hệ lò thứ ba trở lên.
Nhà thầu phải thuộc quốc gia có tiềm lực cao
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho thấy trong điều kiện làm việc bình thường, các tác động xấu tới môi trường xung quanh là không đáng kể.
Tuy nhiên, để giảm bớt hậu quả có thể xảy ra do sự cố, hiện nay đã có các công nghệ tiên tiến và các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn để giảm thiểu mức ô nhiễm đến giới hạn cho phép.
Theo dự kiến, Nhà nước sẽ có chính sách đãi ngộ, tuyển chọn và đào tạo con em địa phương tham gia xây dựng và quản lý vận hành nhà máy.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội lưu ý, khi lựa chọn nhà thầu, phải đảm bảo nhà thầu đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc thiết kế, chế tạo và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đã trúng thầu nhiều dự án và thuộc quốc gia có tiềm lực cao về công nghệ trong lĩnh vực này. Đồng thời có khả năng thu xếp tài chính và suất đầu tư hợp lý.
Cần có kế hoạch đào tạo ngay cán bộ, công nhân, kỹ sư lành nghề để tiếp cận ngay khi xây dựng nhà máy cũng như chuẩn bị nguồn lực để giám sát, kiểm tra và đánh giá độ an toàn.
Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án quan trọng này. Phiên thảo luận tại hội trường sẽ diễn ra vào chiều 13/11 và dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết vào cuối kỳ họp.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ góp phần đáp ứng mục tiêu tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020. Sau đó sẽ tăng nhanh tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, năng lượng điện hạt nhân chiếm khoảng 15 - 20% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc. Đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước. |
-
Lê Nhung