221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1244044
Hỗ trợ lãi suất: "Rượu bổ cũng không được quá chén"
0
Article
null
Hỗ trợ lãi suất: 'Rượu bổ cũng không được quá chén'
,

 - Gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn cho doanh nghiệp sẽ được tiếp tục kéo dài cho đến hết quý I/2010. Theo ghi nhận bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu mong làm rõ hiệu quả của chủ trương này, cũng như giải trình về nguồn tiền.

Vượt khủng hoảng nhờ thực lực

Mô tả ảnh.
Ngư dân sẽ tiếp tục được vay mua máy móc, thiết bị. Ảnh: LN
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội Trần Du Lịch ủng hộ việc kéo dài các khoản trợ cấp xã hội cũng như hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay mua sắm thiết bị máy móc (theo quyết định 497) và cho vay trung, dài hạn (quyết định 443).

"Nếu các quyết định 443, 497 kết thúc giải ngân vào ngày 31/12 năm nay thì không hiệu quả, vì người ta không chuẩn bị được. Vì thế kéo dài hết năm tới và thu hẹp đối tượng, tôi thấy là được", ông Lịch nói.

Đa số ĐBQH cũng đồng thuận cao với việc kéo dài hỗ trợ cho nông dân mua sắm máy móc, trang thiết bị vì nhiều nông dân vừa qua chưa được hưởng lợi từ chính sách này do những bất cập trong thủ tục và điều kiện.

Nhưng, có không ít e dè xung quanh chủ trương kéo dài việc hỗ trợ cho vay ngắn hạn (theo quyết định 131).

"Kéo dài quyết định 131 thêm một quý thực sự không có tác dụng gì vì chủ trương hỗ trợ lãi suất ngắn hạn mang tính chất giải cứu nhất thời về thanh khoản, không giúp gì cho doanh nghiệp tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh. Càng kéo dài càng thêm bất công, chưa kể thủ tục cực kỳ phiền hà", ông Trần Du Lịch giải thích.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Lê Quốc Dung, vừa qua chỉ có 20% doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay nhưng đa số doanh nghiệp đều đã trụ vững và vượt qua khủng hoảng nhờ thực lực và tích lũy của chính mình.

"Lập luận rằng nếu cắt đi sẽ khiến doanh nghiệp hẫng hụt, sốc... nhưng thực tế 80% DN cũng như các hộ sản xuất kinh doanh cá thể đều tự lo được, lại còn tự đứng vững trong tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng", ông Dung phân tích.

"Vấn đề không phải là chúng ta đã xài hết tiền hay chưa. Bây giờ thuốc anh uống rồi. Đã qua được giai đoạn cấp cứu rồi. Nhưng không có nghĩa là vì còn thuốc nên anh phải uống tiếp. Rượu bổ, rượu thuốc cũng không được quá chén", ông Lịch ví von.

"Tiền nào cũng từ ngân sách"

Ngay từ đầu kỳ họp, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã kiến nghị nên dừng gói hỗ trợ lãi suất 4% đúng thời hạn vì đã hoàn thành sứ mạng giải cứu cho doanh nghiệp. Nếu kéo dài sẽ gây nhiều bất lợi cho chính sách tiền tệ cũng như tình trạng bất bình đẳng cho nền kinh tế.

Tất nhiên nguồn tiền của chúng ta khác nước khác. Khi tiếp xúc với các nhà khoa học, nhà kinh tế nước ngoài, tôi thường nói "chúng tôi khác với các ngài, chúng tôi không thể có 700 tỉ USD, 300 tỉ USD nhưng chúng tôi sử dụng nhiều thứ quân như trong chiến tranh: chủ lực trung ương có, địa phương có, dân quân, du kích, người già, phụ nữ, trẻ em cùng đánh...". (Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên)

Do đó, chủ trương kéo dài gói hỗ trợ đến hết quý I/2010, dù lãi suất giảm từ 4% xuống còn 2%, theo một số thành viên Ủy ban Kinh tế, cũng chỉ có tác dụng về mặt tinh thần, tạo ra lòng tin của doanh nghiệp với Chính phủ.

"Tác dụng tinh thần thôi thì chỉ có tính nhất thời. Phải có tác dụng căn cơ thì mới bài bản", ông Lịch nói.

Chuyện nguồn tiền từ đâu ra, theo các ĐBQH, cũng là một trong những vấn đề mà Chính phủ cần phải giải trình rõ.

"Như với gói kích cầu thứ nhất, khi bắt đầu triển khai, chúng tôi cũng đã nhiều lần yêu cầu giải trình rõ nguồn tiền lấy từ đâu, thì được giải thích là lấy từ dự trữ ngoại tệ quốc gia. Nhưng dù là khoản tiền nào cũng là tiền từ ngân sách", ông Lê Quốc Dung nói.

Tại các phiên thảo luận trước đó, một số ĐBQH đã lấy làm "phiền lòng" vì Chính phủ quyết gói kích cầu lớn với quy mô 8 tỷ USD nhưng lại không thông qua Quốc hội. Nhưng, lý do được đưa ra là, trong bối cảnh kinh tế cấp bách, cần những giải pháp đột phá hơn là tuân thủ theo cách làm thông thường và vì thế nếu trình Quốc hội sẽ không kịp.

"Việc kéo dài chủ trương hỗ trợ lãi suất lần này lại cũng không thông qua Quốc hội có lẽ vì đi theo thông lệ của gói kích cầu thứ nhất mà thôi. Nhưng tiền nào cũng là tiền ngân sách, tiền của dân, cần được làm rõ", ông Lê Quốc Dung đề xuất.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,