221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1247162
"Khó chấm dứt chạy chức quyền vì người chạy có báo đâu"
1
Article
null
Bộ trưởng Nội vụ:
'Khó chấm dứt chạy chức quyền vì người chạy có báo đâu'
,

 - Mặc dù bị "truy" liên tiếp về giải pháp cho vấn nạn chạy chức, chạy quyền, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn vẫn quả quyết: "Khó chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền vì người chạy có báo đâu mà biết".

Mỗi lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đều phải "đối mặt" với hàng loạt câu hỏi về tệ mua quan bán chức. Phiên chất vấn chiều nay (18/11) không nằm ngoài "thông lệ" này.

Bệnh di căn không thể chữa bằng thuốc cảm

Mô tả ảnh.
ĐB Lê Văn Cuông: "Không dân chủ và thiếu minh bạch làm phát sinh nạn chạy chức". Ảnh: Trần Dũng

ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông bấm nút đầu tiên: "Hai năm trước tôi đã chất vấn về chạy chức, chạy quyền nhưng tình trạng trên chỉ tăng chứ không giảm. Có ý kiến nói đầu tư cho chạy chức là siêu lợi nhuận. Đại hội Đảng các cấp đang đến gần, xin hỏi Bộ trưởng suy nghĩ gì trước tình trạng trên và giải pháp nào để khắc phục?".

Thừa nhận hiện tượng này đang tồn tại nhưng Bộ trưởng Nội vụ cho hay chạy chức quyền khó ở chỗ "có ai báo với ai đâu mà biết".

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn quả quyết, công tác lựa chọn cán bộ làm chặt chẽ theo đúng quy trình: quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, lấy ý kiến tập thể. Mọi cán bộ do cấp ủy đề bạt đều đúng.

"Trong dư luận luôn có thông tin về chạy chức, chạy quyền. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải làm đúng nguyên tắc", ông Tuấn khẳng định.

Chưa hài lòng, ĐB Lê Văn Cuông bình luận: "Bệnh di căn nhưng Bộ trưởng chỉ cho liều thuốc chữa cảm cúm thì sao khỏi được".

Ông Cuông đề nghị Bộ trưởng Tuấn nói rõ chính kiến "có hay không" chuyện chạy chức và nếu có, thì trách nhiệm Bộ trưởng đến đâu?

"Hoàn toàn đồng ý với đại biểu", ông Trần Văn Tuấn đáp lời: "ĐB Cuông nói rất đúng ý của Ban chấp hành TƯ. Ban chấp hành TƯ khi nhận định về công tác cán bộ cũng đã nói tình trạng chạy chức chạy quyền, tiêu cực có xu hướng tăng".

Về giải pháp, ông Tuấn tiếp tục nhắc lại: "Công tác cán bộ là công tác của tập thể. Nếu các cấp làm tốt thì tình trạng này sẽ giảm. Bộ Nội vụ phải giám sát. Còn yêu cầu chấm dứt là khó. Nói như vậy chắc ĐB chưa toại nguyện, vì công tác cán bộ là việc khó".

Ông Lê Văn Cuông tiếp tục "truy" lần thứ ba: "Khó nhưng chả lẽ bó tay?".

Vị ĐB luôn trăn trở với vấn nạn chạy chức, chạy quyền suốt nhiều kỳ họp Quốc hội "gợi ý" một số sáng kiến như thay đổi quy trình bổ nhiệm, nhiều ứng viên cho một vị trí, bỏ phiếu để chọn người...

"Tránh tình trạng chỉ một vài người quyết định về công tác cán bộ theo kiểu tù mù, không có nhiều phương án để lựa chọn. Chính việc không dân chủ và thiếu minh bạch làm phát sinh nạn chạy chức, chạy quyền", ông Cuông nói.

"Bộ trưởng cứ tham mưu như vậy xem Trung ương và Chính phủ có tiếp nhận không?", ông Cuông hăng hái.

Cả Hội trường bật cười. Còn Bộ trưởng Tuấn cắm cúi ghi chép.

Vì còn kẽ hở pháp luật

Đến lượt mình, ĐBQH Bến Tre Nguyễn Hữu Phước tiếp tục theo đuổi vấn đề mà ông Cuông đã đặt ra: "Nói khó, vậy khó chỗ nào? Lâu nay vẫn nói khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, nghĩa là thừa nhận tình trạng thương mại này đang tồn tại, vậy giải quyết ra sao?"

"Tôi đã nói tôi trao đổi với đồng chí Cuông là người chạy chức, chạy quyền có tiếp xúc, trao đổi thì người làm cán bộ tổ chức cũng không thể biết. Người đề bạt lại cũng tìm ưu điểm và lý do khách quan để mà đề bạt", ông Tuấn trả lời.

Bộ trưởng Nội vụ tiếp tục lặp lại, việc đề bạt đều có quy trình. Nếu cứ làm đúng như tinh thần Nghị quyết TƯ thì không có vấn đề gì.

ĐB Nguyễn Hữu Phước chưa hài lòng: "Bộ trưởng chưa đi vào bản chất vấn đề. Ai cũng biết hiện tượng chạy chức, chạy quyền, ai cũng biết chạy chức thì chẳng có ai lại đi báo cáo Bộ trưởng nhưng tôi muốn hỏi nguyên nhân dẫn đến cái khó là gì? Gốc vấn đề ở đâu? Sao lại để tồn tại lâu mà không ngăn ngừa bằng pháp luật? Hàng hóa khác có cơ chế kiểm soát, tại sao chạy chức, chạy quyền lại không có cơ chế kiểm soát?"

Đến lúc này, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn thừa nhận, "chạy chức, chạy quyền còn tồn tại có lẽ vì còn kẽ hở pháp luật".

Nhưng Bộ trưởng vẫn khăng khăng: "Hỏi tôi có quy chế giải quyết không, tôi nói là khó. Không phát hiện ra... Có quy trình nhưng chỗ này, chỗ khác làm chưa đúng hoặc vẫn làm nhưng làm hình thức thì đều phải rút kinh nghiệm. Hỏi tôi biện pháp thì trước sau tôi cũng nói làm theo quyết định 67, 68 của Đảng".

Trả lời câu của của ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên) rằng vấn nạn này kéo dài phải chăng vì các vi phạm khi được phát hiện đều xử lý chưa nghiêm, Bộ trưởng Tuấn nói "khi phát hiện sai sót đều phải xử nghiêm, vì thế mới cần phát huy sự giám sát của các tổ chức".

"Tôi chỉ muốn đột phá ở khâu cán bộ"

Mô tả ảnh.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn: "Chọn cán bộ không phải việc của cấp trên mà là của các cấp". Ảnh: Trần Dũng

ĐBQH Hà Nội Đặng Văn Khanh muốn Bộ trưởng Nội vụ cho biết cơ sở khoa học của việc cắt giảm 30% thủ tục hành chính.

Ông Tuấn vắn tắt: "Dựa trên kinh nghiệm các nước cộng với ý chí cách mạng tiến công. Vừa cắt giảm thủ tục phiền hà nhũng nhiễu nhưng vẫn đảm bảo quản lý tốt".

ĐB Nguyễn Hữu Phước hỏi: "Cải cách hành chính, chúng ta chọn đột phá vào khâu thủ tục đã trúng chưa? Sao không chọn đột phá vào đội ngũ cán bộ để hạn chế tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu?".

"Để thực hiện việc tiếp dân, quan trọng nhất vẫn là bố trí bộ máy và con người. Không phải chỉ giảm 30% thủ tục mà quan trọng là chọn con người", ông Tuấn vắn tắt.

ĐB Phước chưa đồng tình: "Trong các  báo cáo đều nói CCHC đang ì ạch mà nguyên nhân là do đội ngũ. Vậy đội ngũ là cần thiết hay thủ tục là cần thiết? Ta chọn cải cách thủ tục nhiều năm rồi mà thủ tục vẫn ì ạch, vậy chọn như thế có đúng hay không?"

Bộ trưởng Nội vụ mỉm cười: "Chọn đột phá vào thủ tục do tập thể cán bộ Chính phủ quyết định. Tôi làm công tác tổ chức cán bộ, tôi muốn chọn đột phá ở khâu tổ chức cán bộ để được các bộ, ngành quan tâm hơn".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi "truy" tiếp: "Theo đề án cải cách tiền lương nhiều năm trước, có tới 30 - 40% đội ngũ công chức viên chức trong khu vực hành chính sự nghiệp không đạt yêu cầu. Tỷ lệ này được cải thiện chưa? Trong đội ngũ chỉ có 1/3 làm cật lực, 1/3 "chỉ đâu đánh đó", 1/3 có mặt cho thêm đông vui, nhiều khi còn gây rối".

Ông Lợi cũng muốn biết từ 2003 đến nay đã tốn hàng trăm ngàn tỷ đồng cải cách tiền lương, vậy có cải thiện được chất lượng?

Bộ trưởng Tuấn "khất" việc thống kê tỷ lệ. Nhưng ông nói thêm: "Hàng năm, khi tổng hợp đánh giá, bỏ phiếu cho cán bộ từ cơ sở đưa lên vẫn có trên 90% hoàn thành nhiệm vụ". Câu trả lời khiến cả Hội trường mỉm cười.

Bộ trưởng Tuấn cũng là vị trưởng ngành cuối cùng đăng đàn trước Quốc hội.

Ngày mai (19/11), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có trọn buổi sáng để trả lời chất vấn.

Không nhận tiền của doanh nghiệp được khen thưởng

"Để hạn chế việc  trao tặng giải thưởng tràn lan, theo quy chế mới đang soạn thảo, sẽ quy định hai cấp khen thưởng là giải thưởng cấp quốc gia, phải trình Thủ tướng và giải thưởng cấp bộ ngành. Kinh phí huy động từ ngân sách và theo hình thức xã hội hóa, kêu gọi DN đóng góp. Nhưng để tránh tình trạng đi mua hoặc xin - cho, sẽ không nhận tiền của các DN đã có tên trong danh sách xét thưởng".

                                                     Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn

  • Lê Nhung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,