- Thảo luận tại Hội trường về dự án luật thi hành án hình sự sáng 26/11, ĐBQH kiến nghị nên duy trì một hình thức thi hành án tử hình.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: TTXVN |
Theo bà, trên thế giới hiện chỉ còn 45 nước dùng một hình thức thi hành án tử hình là xử bắn, trong đó có Việt Nam. Hình thức tiêm thuốc độc là ưu việt. Tuy nhiên, bà Nga không đồng tình với việc tờ trình dự thảo luật về vấn đề này còn sơ sài, chỉ hơn 10 dòng làm đại biểu rất thiếu thông tin, khó khăn trong việc lựa chọn.
"Chính phủ không đề xuất thay thế hình thức xử bắn bằng hình thức tiêm thuốc độc mà lại bổ sung thêm hình thức tiêm. Những bất cập của hình thức xử bắn không những không được giải quyết mà còn gây tốn kém thêm. Việc tồn tại hai hình thức cùng lúc nảy sinh những bất cập mới là gây bất bình đẳng giữa các bị án, gây khó khăn trong việc lựa chọn áp dụng hình thức nào. Đề nghị Quốc hội thay thế hình thức thi hành án tử hình từ hình thức xử bắn sang hình thức tiêm thuốc độc", bà Nga phát biểu.
Đồng tình với bà Nga, ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng tử hình bản chất là tước đoạt mạng sống con người, không nên chia ra hai hình thức, khiến nó giống như là một biện pháp trả thù.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Ngô Minh Hồng cho rằng bản thân bản án tử hình đã nghiêm khắc, có ý nghĩa trấn áp tội phạm rồi nhưng nếu chọn giải pháp tiêm thuốc độc thì phải giải trình kỹ hơn.
ĐB Nguyễn Hữu Trí (Tiền Giang) lại cho rằng hình thức tiêm thuốc độc có hạn chế là nhân viên y tế thực hiện thi hành án sẽ vẫn chịu áp lực tâm lý. Do đó, để đảm bảo thi hành án tử hình văn minh, ĐB đề nghị cải tiến phương tiện làm sao tránh để người làm nhiệm vụ đối diện trực tiếp.
Trong khi đó, ĐB Trần Bá Thiều (Hải Phòng) nói tính răn đe chính là ở bản án tử hình, chứ không phải là việc đưa ra bắn hay tiêm thuốc độc. Ông đề xuất một hình thức thứ 3, không phải xử bắn và tiêm thuốc độc mà là án phạt chung thân suốt đời, không giảm án.
Không nên luật hóa giải pháp tình thế
Nhiều đại biểu không đồng tình với dự thảo, quy định trại tạm giam, nhà tạm giữ là cơ quan thi hành án hình sự. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng nếu coi trại tạm giam, nhà tạm giữ là nơi thi hành án thì sẽ phải nâng cấp hàng loạt, gây tốn kém không cần thiết.
Theo luật hiện hành, trại tạm giam, nhà tạm giữ có 10 - 15% tù nhân làm nhiệm vụ quét dọn... Nhưng các ĐB cho rằng việc quy định trại tạm giam, nhà tạm giữ là cơ quan thi hành hình phạt sẽ làm phát sinh quá nhiều cơ quan thi hành hình phạt tù. Theo Ủy ban Tư pháp, cả nước có 676 nhà tạm giữ, 71 trại tạm giam.
Về cơ quan thi hành án hình sự, ủng hộ quy định giao chức năng cho Bộ Công an nhằm tránh xáo trộn song ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) vẫn mong muốn "nghiên cứu thành lập cơ quan thi hành án độc lập, cả thi hành án hình sự và dân sự".
ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng trước mắt giao cho Bộ Công an làm cơ quan chức năng thi hành án hình sự là phù hợp nhưng về lâu dài cần phải xem xét xu hướng của thế giới đó là nhập chung cơ quan thi hành án hình sự và dân sự làm một. Hiện tại, việc thi hành án dân sự (giao cho Bộ Tư pháp) và hình sự (Bộ Công an) tạm thời hợp lý nhưng việc quản lý vẫn chồng chéo.
-
Xuân Linh