- Theo cố vấn chính sách về phòng chống tham nhũng của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Jairo Acuna-Alfaro, người dân có thể tìm hiểu, tra cứu thu nhập của quan chức bằng cách như ở một số quốc gia như Mexico, Rumani, Uganda, Mỹ, Philippines, Thái Lan...
Trao đổi với VietnamNet về việc triển khai thực hiện Công ước LHQ về chống tham nhũng mà Việt Nam đã phê chuẩn tháng 7 vừa qua, ông Jairo Acuna-Alfaro cho rằng: Nếu người dân không truy cập được thông tin hoặc tham gia giám sát việc kê khai tài sản, hoặc nếu pháp luật về vấn đề này không được thực thi một cách công bằng và hiệu quả, tác động của việc kê khai tài sản sẽ rất hạn chế.
Ủy ban Chứng khoán cung cấp thông tin
Có nhiều phương pháp thu thập và công khai kê khai tài sản khác nhau, trong đó có cả những cơ chế và cơ quan phụ trách giám sát và đánh giá biên bản kê khai tài sản. Ông Jairo Acuna-Alfaro: Báo chí Hàn Quốc công khai đưa tin về nội dung những biên bản kê khai tài sản của quan chức.
Chẳng hạn như Philippines đã thành lập hệ thống ngân hàng dữ liệu lưu trữ biên bản kê khai tài sản đặt tại cơ quan Thanh tra cấp trung ương. Hệ thống này tạo điều kiện cho việc kiểm tra mức độ tuân thủ trong kê khai tài sản bởi nó có thể cho ra báo cáo liệt kê những người đã nộp kê khai tài sản trong những năm qua. Nó cũng giúp phân tích xu thế nhờ dữ liệu cho thấy rõ mức độ gia tăng tài sản theo từng năm.
Người dân có thể truy cập vào tài liệu kê khai tài sản trong khuôn khổ nhất định. Theo luật pháp của Philippines, người dân có thể truy cập tìm hiểu kê khai tài sản của công chức 10 ngày sau khi biên bản kê khai tài sản được nộp cho cơ quan chức năng.
Người dân cũng được phép sao chụp hoặc ghi chép lại bản kê khai đó sau khi trả một mức phí thích hợp. Việc công khai kê khai tài sản như vậy được thực hiện trong vòng 10 năm kể từ ngày kê khai đó được nộp cho cơ quan chức năng.
Đối với Thái Lan, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia thanh tra việc thay đổi tài sản của quan chức, công chức và lập báo cáo thanh tra. Báo cáo này được in trong công báo của Chính phủ. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán và ngoại hối Thái Lan cũng cung cấp thông tin về tình hình quyền sở hữu và tham gia cổ đông tại các doanh nghiệp. Bằng cách đó, họ có thể xác định được quan chức, công chức nào có lợi ích từ doanh nghiệp hay tập đoàn tư nhân.
Ở Hàn Quốc, biên bản kê khai tài sản của của các quan chức cấp cao và cấp trung được Chính phủ công bố trên công báo quốc gia và người dân có thể tìm hiểu, truy cập thông tin này thông qua hệ thống thư viện công cộng. Báo chí cũng công khai đưa tin về nội dung những biên bản kê khai tài sản này.
- Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam vừa phê chuẩn và đang triển khai thực hiện, có nội dung cam kết liên quan đến việc kê khai tài sản và xung đột lợi ích. Cụ thể nội dung này như thế nào, thưa ông?
- Điều 8 của Công ước nêu những quy định về quy tắc ứng xử cho công chức. Công ước kêu gọi các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, “thúc đẩy, cùng những tiêu chuẩn khác, sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong đội ngũ công chức nước mình”.
Mục 5, điều 8 kêu gọi mỗi quốc gia thành viên “đề ra các biện pháp và cơ chế yêu cầu công chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền về, cùng những thứ khác, những hoạt động bên ngoài, công việc, các khoản đầu tư bên ngoài hay tài sản và quà tặng, những thứ có có thể gây xung đột lợi ích khi họ thực hiện nhiệm vụ công.”
Như vậy, có thể nói một cách chính thức rằng Việt Nam đã có khung pháp lý mang tính toàn diện về kê khai tài sản. Song, trên thực tế, rất khó thực hiện khung pháp lý đó và việc công khai những biên bản kê khai tài sản của công chức hầu như ít có giá trị. Lý do là vì số lượng cán bộ, công chức quá đông, trong khi vẫn còn thiếu cơ chế giám sát tính chính xác và trung thực của các biên bản kê khai tài sản.
Buộc thôi việc nếu kê khai sai, chậm
- Các nước có chế tài như thế nào với những người kê khai tài sản sai hoặc chậm trễ, chây ì, thưa ông?
- Về chế tài đối với những công chức kê khai sai, chậm trễ hoặc chây ì trong kê khai, mỗi quốc gia cũng có cách thức xử lý riêng. Đơn cử kinh nghiệm của Mexico: Công chức nào không kê khai tài sản như luật định sẽ bị tạm cho thôi việc tới 15 ngày, và nếu tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ kê khai sau 30 ngày kể từ ngày cho tạm thôi việc, hợp đồng lao động của công chức đó sẽ bị vô hiệu hoá.
Trong trường hợp bị phát hiện kê khai sai, công chức đó buộc tạm thôi việc trong khoảng thời gian từ 3 ngày đến 3 tháng (tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của việc kê khai sai, công chức đó có thể bị bãi nhiệm trong khung thời gian từ 1 đến 5 năm)
Ở Philippines, nếu một quan chức hay công chức không sửa lại bản kê khai tài sản có nội dung sai lệch, hoặc không nộp bản kê khai tài sản thì có thể bị tạm buộc thôi việc từ 1 đến 6 tháng nếu đó là vi phạm lần đầu. Nếu tái phạm, quan chức hay công chức đó sẽ bị buộc thôi việc. Nước này cũng đưa ra các mức án hình sự đối với vi phạm các yêu cầu về kê khai tài sản như phạt tù đến với thời gian phạt tù tới 5 năm, hoặc bị phạt tiền với mức phạt không vượt quá 5.000 peso (tương đương 2 triệu đồng), hoặc cả hai hình phạt trên.
Ngoài ra, thủ trưởng cơ quan hoặc người đứng đầu các đơn vị phụ trách nhân sự, hành chính cũng sẽ chịu một hình thức kỷ luật nhất định nếu không làm tròn trách nhiệm đôn đốc việc kê khai tài sản.
Ở Thái Lan, bất kỳ quan chức hay công chức nào cố tình không nộp bản kê khai tài sản sẽ bị buộc thôi việc từ ngày hết thời hạn nộp bản kê khai hoặc từ ngày bị phát giác hành vi không nộp kê khai tài sản, hoặc sẽ không được làm công chức trong vòng 5 năm kể từ ngày bị buộc thôi việc.
-
Xuân Linh
Bài 2: Bảo vệ nhân chứng