- Trình bày dự án Luật nuôi con nuôi sáng 2/10, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết đã chỉnh lý lại quy định trách nhiệm của Bộ là cơ quan giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài. Theo đó, sẽ có một hội đồng tư vấn trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh vấn đề này.
Cơ sở nuôi dưỡng được nhận viện trợ
Con nuôi Việt Nam với cha mẹ người Mỹ. Ảnh: XL |
Sau khi trình Ủy ban Thường vụ QH, ban soạn đưa ra quy định mới, theo đó, sẽ lập hội đồng tư vấn.
Hội đồng này do giám đốc các sở Tư pháp làm chủ tịch, thành viên gồm đại diện công an tỉnh, sở Lao động - Thương binh và Xã hội, sở Y tế... để tư vấn cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc cho trẻ em làm con nuôi.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ Tư pháp sẽ tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra việc thực hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, cơ sở nuôi dưỡng không trực tiếp tham gia vào việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi mà chỉ tham gia hỗ trợ, hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc giới thiệu trẻ. Tuy nhiên, các cơ sở này sẽ được tiếp nhận viện trợ từ thiện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Thời gian qua cũng phát sinh việc nuôi con nuôi (trong nước) không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để khắc phục về mặt pháp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em được nhận làm con nuôi, dự thảo luật quy định trong thời hạn 5 năm phải đăng ký nuôi con nuôi thực tế. Hết thời hạn này, việc nuôi con nuôi không đăng ký sẽ không được công nhận.
Không phân biệt điều kiện trong nước - nước ngoài
Thẩm tra dự thảo luật, UB Pháp luật QH không đồng tình quy định độ tuổi trẻ em được nhận làm con nuôi quy định từ 15 tuổi trở xuống. Theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, quy định như dự thảo sẽ tạo xung đột pháp luật không cần thiết. UB đề nghị quy định trẻ em được nhận làm con nuôi là người dưới 16 tuổi để đảm bảo sự thống nhất trong quy định về độ tuổi trẻ em trong hệ thống pháp luật.
UB Pháp luật QH đồng tình việc chỉnh lý không quy định hai hình thức "nuôi con nuôi đơn giản" và "nuôi con nuôi trọn vẹn", theo đó hình thức sau sẽ chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ, ngược lại, hình thức "nuôi con nuôi đơn giản" không làm chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý này.
UB tán thành quan điểm việc nhận nuôi con nuôi ở Việt Nam xuất phát từ tình yêu thương, đùm bọc, nên mặc dù được nhận làm con nuôi nhưng trẻ em vẫn không bị hạn chế (cả về nhận thức, đạo lý và pháp luật) cơ hội tiếp tục duy trì quan hệ với cha, mẹ đẻ và gia đình gốc.
Ông Thuận cũng cho rằng, việc trẻ em được nhận làm con nuôi ở nước ngoài hay trong nước cũng đều là "giải pháp thay thế gia đình, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em", vì vậy, không nên có sự phân biệt về điều kiện trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước và nước ngoài.
-
Xuân Linh