- Dù Chính phủ không gửi báo cáo về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tới Quốc hội nhưng trong phiên thảo luận chiều 9/11, hai vị Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư đã lên tiếng xung quanh các vấn đề về tập đoàn. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đăng ký trả lời nhưng sẽ được dành thời gian tại phiên chất vấn sắp tới.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Các tập đoàn cũng không tách được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Sẽ xử lý DN làm ăn thua lỗ"
Những DNNN làm ăn lỗ như trong báo cáo đã nêu chủ yếu là lỗ tồn tại từ trước.
Ví dụ, Tổng Công ty xây dựng đường thủy có tới 7/8 đơn vị thành viên hạch toán độc lập chưa cổ phần hoá bị lỗ, làm mất toàn bộ vốn chủ sở hữu. Đây là lỗ đã có từ trước năm 2002 trở về trước. Từ việc mua 3 con tàu rồi hoạt động không hiệu quả, không trả được nợ nên lỗ...
Ngày 8/9/2004, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. Ngày 18/9/2004, Bộ đã có báo cáo Chính phủ. Tiếp theo đó, đến ngày 18/7/2007, Bộ cũng đã cảnh báo về con số lỗ và đề xuất phương án xử lý.
Nhưng nội bộ của Tổng Công ty này vô cùng phức tạp, kiện cáo rất nhiều, phải giao thanh tra nên xử lý hơi chậm.
Hiện nay, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính lập phương án để xử lý triệt để.
Sắp xếp đổi mới DNNN là cả một quá trình lâu dài, vừa tìm tòi mày mò, vừa triển khai làm thí điểm rồi đến lúc tổng kết để đưa ra chủ trương. Đó cũng là quá trình thống nhất về nhận thức. Nếu không phải DNNN, chắc không ai làm thế.
Sáng nay như đại biểu Trần Du Lịch có nêu là trước kia chúng ta có 12.000 DN. Theo đánh giá từ trước năm 90 thì có trên 70% thua lỗ.
Nhưng đến giai đoạn 2001-2005, có tới 75% DN lãi. Và bây giờ, đại bộ phận DN làm ăn có lãi.
Cổ phần hóa DN là biện pháp quan trọng.
Về văn bản pháp lý, gần đây nhất, ta có Nghị định 109. Trong đó có nội dung quan trọng là xác định giá trị doanh nghiệp, bây giờ giá cả hình thành qua thị trường chứng khoán, trong đó đã tính giá của thương hiệu và đất đai.
Về vai trò, DNNN phải thực hiện nhiệm vụ kinh tế - chính trị Nhà nước giao. Qua hai năm, năm 2008 chống lạm phát, năm 2009 chống suy giảm kinh tế, chúng ta đã thấy rõ vai trò của DNNN.
Than bán cho các hộ tiêu thụ lớn dưới giá thành. Tổng Công ty Lương thực mua gạo giữ giá cho nông dân.
Tập đoàn xăng dầu cũng phải bán lỗ. DNNN đóng trên địa bàn Tây Nguyên thì phải nhận lao động ở địa phương, phải đào tạo những người chưa có tay nghề.
EVN không được tăng giá điện và đến nay vẫn chưa bán đúng giá thị trường, còn bán bù lỗ, dưới giá.
EVN còn phải đầu tư cho nhiệm vụ Chính phủ giao, cho vùng sâu, vùng xa. Riêng việc đầu tư cho biển đảo, bình quân mỗi năm đã lỗ khoảng 100 tỷ đồng.
Than bán cho các hộ tiêu thụ lớn cũng bán dưới giá thành. Tổng Công ty Lương thực thì mua gạo giữ giá cho nông dân.
Tập đoàn xăng dầu cũng phải bán lỗ. DNNN đóng trên địa bàn Tây Nguyên thì phải nhận lao động ở địa phương, phải đào tạo những người chưa có tay nghề.
Nếu không phải DNNN, chắc không ai làm thế. Nếu không phải Tập đoàn Dầu khí, chắc không ai đầu tư cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, đầu tư ra Biển Đông, hải đảo.
Trong thời kỳ khủng hoảng, không hề có tập đoàn nào sa thải công nhân.
Nếu ta tách được ra nhiệm vụ sản xuất bình thường và nhiệm vụ chính trị - xã hội để đánh giá ở khía cạnh chính trị - xã hội thì hay hơn, khách quan hơn.
Chúng tôi đã chỉ đạo tập đoàn tách các nhiệm vụ này ra nhưng bản thân các tập đoàn cũng không tách được.
Vấn đề thứ ba là khi ban hành cơ chế chính sách cũng có nhiều khó khăn về quan điểm.
Chẳng hạn, các DN từ chỗ khép kín đến lúc công khai trên thị trường chứng khoán là một bước tiến lớn...
Nhiều cơ chế chính sách hiện nay chưa đồng bộ, đó là điểm khó mà chúng tôi cần gỡ.
Tổng Công ty kinh doanh SCIC cũng cần có cơ chế đặc thù. Chúng ta chưa có cơ chế bán chỉ định. Như với DN lỗ, bán 3 lần mà chưa có ai mua. Như vậy có muốn bán nhanh cũng không được. Nếu bán dưới vốn sau này sẽ bị quy tội là làm thất thoát vốn nhà nước.
Sắp tới sẽ xây dựng Nghị định về đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, tiến đến sau này trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.
Nhiều cơ chế chính sách khác sẽ được hoàn thiện như Nghị định về quản lý tiền lương của DNNN, hoàn thiện mô hình của Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước làm sao để đây là tổ chức tài chính đặc thù, đại diện chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước. Rồi phân công, phân cấp rõ ràng.
Hiện nay, Thủ tướng đang thay mặt Nhà nước bổ nhiệm nhân sự. Những DN đã chuyển giao cho SCIC thì SCIC đại diện sở hữu. Bộ Tài chính được phân công quản lý nhà nước về mặt tài chính.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Trong tuần này sẽ hoàn chỉnh Nghị định về tập đoàn. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc: Tập đoàn kinh tế phải đa ngành
Chúng ta cần đánh giá tập đoàn kinh tế dựa trên quan điểm lịch sử. Là một nước chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế cũ sang mới, bản thân DNNN cũng đã có những chuyển đổi để thích ứng cao với xu thế hội nhập quốc tế, với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ủy ban Thường vụ QH đưa ra 6 kiến nghị, tôi hoàn toàn nhất trí.
Thứ nhất là bổ sung, hoàn thiện Luật Doanh nghiệp 2005. Theo yêu cầu chung của quá trình hội nhập, chúng ta phải có một khuôn khổ pháp lý cho tất cả các DN.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, sẽ có vài bất cập. Dự kiến sang năm 2010 sẽ đánh giá lại để xem xét bổ sung, sửa đổi Luật DN.
Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT xem xét đánh giá lại việc thành lập tập đoàn thời gian qua, xây dựng mô hình quản trị và đưa ra cơ sở pháp lý cho hoạt động của tập đoàn thông qua việc ban hành một Nghị định quản. Trong tuần này, Chính phủ sẽ hoàn thành văn bản này.
Nhiều ĐBQH đặt câu hỏi về việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế như thế nào, trong ngành, ngoài ngành ra sao, làm nhiệm vụ chính như thế nào.
Như trong Nghị quyết Đại hội Đảng X, chúng ta đã xác định là thành lập các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề, đa sở hữu thì chúng ta phải để cho họ đa ngành như các tập đoàn trên thế giới.
Đa ngành thì họ mới có điều kiện phát triển, bổ sung cho lĩnh vực này, lĩnh vực khác để phát triển.
Về việc đầu tư vào chứng khoán và bất động sản, con số này nhỏ thôi, chỉ chiếm chưa đến 5% tổng vốn đầu tư của các tập đoàn.
Mặt khác, chúng ta phải tạo điều kiện cho các tập đoàn đa ngành, đa nghề để có môi trường cạnh tranh. Nếu bây giờ Bưu chính viễn thông chỉ có mỗi VNPT thôi, không cho EVN làm thì sao tạo ra môi trường cạnh tranh để cước giảm giá như hiện nay?
Việc xác định các tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực là hoàn toàn đúng đắn, đem lại hiệu quả và tính cạnh tranh cao cho nền kinh tế.
Về việc đầu tư vào chứng khoán và bất động sản, khi năm ngoái xảy ra khủng hoảng kinh tế, một số người đổ lỗi cho việc các tập đoàn đầu tư nóng. Chính phủ đã giao cho Bộ KH&ĐT cùng các bộ khác đi kiểm tra, xem xét.
Con số này nhỏ thôi, chỉ chiếm chưa đến 5% tổng vốn đầu tư của các tập đoàn. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chứng minh rằng con số đó đúng.
Một câu hỏi khác ĐBQH đặt ra là phân cấp cho các tập đoàn, tổng công ty như thế có đúng không.
Khi đã tổ chức các tập đoàn thì phải phân cấp triệt để cho họ. Chúng ta chỉ nắm phần vốn nhà nước.
Nơi nào có Hội đồng quản trị thì do HĐQT nơi đó tự quyết định chủ trương đầu tư. Chính phủ không can thiệp.
Chính phủ chỉ can thiệp việc chấp hành pháp luật của các tập đoàn, từ việc phân định chủ trương đầu tư, lựa chọn đối tác đến lựa chọn nhà thầu đều phân cấp triệt để.
Nếu cứ để theo cơ chế như từ xưa đến nay, vấn đề gì cũng phải trình lên Thủ tướng, rồi bộ trưởng thẩm định thì cơ hội của các doanh nghiệp sẽ trôi qua, hạn chế tính chủ động của DN.
Việc phân cấp đầu tư cũng là để nêu cao trách nhiệm của DN. Đối với một số tổng công ty không có Hội đồng quản trị, Chính phủ đã giao cho chủ tịch UBND và bộ trưởng các bộ chịu trách nhiệm.
Một vấn đề nữa là việc quản lý vốn chủ sở hữu nhà nước hiện nay như thế nào. Thủ tướng đã giao Bộ KH&ĐT. Nhưng cả quá trình này, chúng ta đều đang làm mày mò, không thể rập khuôn theo một nước nào mà phải theo thực tiễn.
Trước hết đang có hai xu hướng: Xu hướng thứ nhất muốn đề cao vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý tập đoàn. Xu hướng thứ hai đề cao mở rộng mô hình SCIC.
Chính phủ đang gấp rút triển khai xây dựng các quy định, cơ chế, khuôn khổ pháp lý để đảm bảo việc quản lý các DNNN ngày càng có hiệu quả, giữ được vai trò chủ đạo.
-
Lê Nhung - Cao Nhật ghi