- Việc thành lập và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học sẽ là một trong các nội dung sẽ được Quốc hội tiến hành giám sát năm 2010.
Ảnh: Phạm Hải |
Theo thuyết minh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có đào tạo cao đẳng, đại học phục vụ công cuộc phát triển đất nước là rất cần thiết.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc thành lập, nâng cấp trường còn chưa chặt chẽ, điều kiện bảo đảm cho trường hoạt động còn nhiều bất cập, chất lượng đào tạo thấp…
Đây là vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu cũng như cử tri quan tâm.
Chuyên đề giám sát thứ hai được thông qua là việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cải cách hành chính lâu nay còn nhiều hạn chế, gây bức xúc đối với doanh nghiệp và người dân. Nhiều năm qua, đại biểu đã đề nghị giám sát nhưng Quốc hội chưa có điều kiện triển khai.
Năm 2010 là năm kết thúc chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, là thời điểm thích hợp để Quốc hội giám sát nội dung này.
Tổng kết chương trình giám sát năm nay, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn thừa nhận chất lượng, hiệu quả của một số cuộc giám sát chưa cao, còn phụ thuộc vào báo cáo của cơ quan chịu sự giám sát...
Kiến nghị sau giám sát chưa được tổ chức và thực hiện nghiêm chỉnh do chưa có chế tài đủ mạnh. Việc theo dõi, đôn đốc hậu giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chưa đi đến cùng vấn đề bức xúc. Việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn vẫn còn chưa đầy đủ, kịp thời.
Chưa giám sát gói kích cầu
Tại các phiên họp tổ, nhiều ĐBQH đề nghị Quốc hội giám sát một số chuyên đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; hiệu quả của các gói kích cầu của Chính phủ; thực hiện chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và một số vấn đề khác...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy các vấn đề nêu trên đều rất quan trọng, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội, nhưng do điều kiện có hạn nếu đưa quá nhiều nội dung vào chương trình giám sát của Quốc hội thì càng khó có thể thực hiện được.
Mặt khác, theo một số nguyên tắc để chọn thì chỉ giám sát những vấn đề bức xúc, được nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm; ưu tiên những vấn đề Quốc hội chưa tiến hành giám sát; phù hợp với tình hình thực tế và khả năng thực hiện; cân đối giữa các lĩnh vực trong một khoảng thời gian…
Về đề nghị giám sát gói kích cầu, Ủy ban Thường vụ cho rằng, đây là vấn đề mới được tổ chức thực hiện, Chính phủ đang điều hành tiếp tục và các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đang tập trung mọi sự nỗ lực để vượt qua những khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, trong đó có việc sử dụng gói kích cầu tái cấu trúc nền kinh tế.
Vì vậy, đề nghị Quốc hội chưa tiến hành giám sát nội dung này vào năm 2010.
-
Lê Nhung