- "Mở màn" sáng nay (17/11) phiên chất vấn của Quốc hội diễn ra trong 2 ngày rưỡi, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu sẽ trả lời về việc triển khai gói kích thích kinh tế, quản lý thị trường ngoại hối, điều hành tiền tệ.
Thủ tướng Chính phủ bên hành lang sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4. Ảnh: LN |
Hôm qua, khi thảo luận về Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, nhiều ĐBQH đã tranh thủ nêu lên các vấn đề xung quanh chuyện giá vàng vừa qua, về tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cơ bản....
Ông Giàu cho hay sẽ giải trình những nội dung này tại phiên chất vấn.
Sau Thống đốc, Bộ trưởng Thông tin - truyền thông Lê Doãn Hợp sẽ trả lời về quản lý nhà nước đối với báo chí, Internet, xuất bản văn hóa phẩm, hạ tầng viễn thông...
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đăng đàn trước Quốc hội.
Tiếp đó là Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, người đang nhận được nhiều câu hỏi thứ hai sau Thủ tướng.
Ông Hoàng sẽ trả lời về công tác quy hoạch phát triển thủy điện, quản lý và phát triển hàng hóa nội địa, các biện pháp thực hiện có hiệu quả chủ trương “người VN ưu tiên dùng hàng VN”...
Đây là lần thứ ba liên tiếp ông Hoàng trả lời chất vấn của Quốc hội. Các phiên chất vấn ông trước đó luôn nóng vì chuyện tập đoàn kinh tế, EVN và gần đây nhất là khai thác bô-xít.
Bộ trưởng Nội vụ là vị trưởng ngành cuối cùng trả lời về quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh lệch lạc trong công tác thi đua khen thưởng, bảo đảm khách quan, trung thực, đúng đối tượng, khắc phục hiện tượng “xin cho”, “chạy” danh hiệu...
Sáng 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ và trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu QH.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo nhóm vấn đề để tạo sự chủ động cho các bộ trưởng chuẩn bị và các đại biểu QH đăng ký chất vấn tại hội trường, qua đó có thể kết thúc gọn từng nhóm vấn đề.
Trước khi trả lời, các bộ trưởng cần báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện lời hứa, những vấn đề mà bộ trưởng, trưởng ngành đã đề cập khi trả lời chất vấn tại kỳ họp trước và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH...
Thời gian còn lại để các bộ trưởng trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu QH tại Hội trường. Ủy ban Thường vụ QH đã đề nghị đại biểu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn, đi thẳng vào trọng tâm để tiết kiệm thời gian. Khi cần, đại biểu có thể trao đổi, đối thoại với người trả lời chất vấn.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến cuối tuần qua đã có 246 chất vấn của 108 đại biểu gửi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Thủ tướng nhận được nhiều câu hỏi nhất, với 36 chất vấn.
-
Lê Nhung