221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1248290
Thủy điện và lũ lụt: Không thể lấy không từ thiên nhiên
1
Article
null
Thủy điện và lũ lụt: Không thể lấy không từ thiên nhiên
,

 - Trước những quan điểm khác nhau về "công - tội" của các nhà máy thủy điện ở miền Trung với thiệt hại từ đợt lũ lụt vừa qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) sáng nay (24/11) đã tổ chức một cuộc toạ đàm tìm nguyên nhân gây ra lũ lớn. Gần hai mươi nhà khoa học về thuỷ điện, môi trường, địa lý đã đưa ra nhiều phân tích và đề xuất các giải pháp.

Mô tả ảnh.

Tổng thư ký Hội Thủy lợi Vũ Trọng Hồng: "Cần bổ sung quy chuẩn xây công trình trên các sông miền Trung". Ảnh: LN

Như lời đề dẫn của ông Phạm Bích San, cuộc toạ đàm "trong khuôn khổ hẹp" không đưa ra những kết luận khoa học và chỉ nhằm vỡ vạc, đào xới lên các ý kiến, dò dẫm các quan điểm để thêm cách tiếp cận.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Lũ lụt vừa qua do quản lý lưu vực sông không hợp lý, mất rừng đầu nguồn, hay xả nước của công trình thủy điện không đúng quy trình, thiếu cơ chế phối hợp liên hồ chứa trên lưu vực sông do không có nhạc trưởng?

Hay chính quyền địa phương và người dân hạ nguồn thụ động trong đối phó bão, lũ?

Các nhà khoa học đều thừa nhận do chưa có những nghiên cứu và con số phân tích cặn kẽ nên VUSTA cần khảo sát bài bản hơn nữa.

Cuộc thảo luận, do đó, chỉ đặt ra nhiều câu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời.

"Sản nghiệp phơi trần trước lũ"

Khảo sát bước đầu của GS Nguyễn Đình Hòe đã chỉ ra, do đặc thù địa lý khu vực miền Trung rất nhạy cảm với lũ lụt nên lũ vẫn đến, chưa cần xây thủy điện.

Vùng cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung là vùng cửa sông kiểu liman (khuyết áo) thoát lũ rất kém. Động lực nước trong mùa lũ thường mạnh, đặc biệt ở những vùng phía nam tâm bão.

Hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản khiến các bãi triều được quây đắp tối đa làm đầm nuôi trồng thuỷ sản, càng khiến khả năng thoát lũ giảm...

"Ở vùng cửa sông liman, sản nghiệp phơi trần trước sức công phá của lũ lụt", ông Hòe nói.

Điều mà ông Hòe và các nhà khoa học quan tâm, đó là, chúng ta đã và đang làm gì để hạn chế tác hại của thiên nhiên. Bởi không ai có thể lấy không từ thiên nhiên mà không phải đánh đổi.

"Quảng Nam là địa phương không lớn nhưng có tới hơn 50 công trình thủy điện. Qua chuyện phát triển quá nóng thủy điện ở miền Trung, không thể bênh vực rằng thủy điện không gây ra vấn đề gì trong tai họa lũ lụt vừa qua. Nhưng cần xem xét là gây ra ở mức độ nào. Trong quá trình phát triển kinh tế ta phải đánh đổi chứ không thể lấy không từ thiên nhiên cái gì".

PGS.TS Hoàng Văn Tấn, khoa Công trình, ĐH Xây dựng

Tuy nhiên, chính quy hoạch dự án thủy điện miền Trung đã làm trầm trọng thêm tình hình lũ lụt.

Hầu hết công trình có quy mô vừa - nhỏ và nhiều bậc, lại nằm ở địa hình cao, gần cửa sông kiểu "khuyết áo" có đoạn trung lưu rất ngắn.

Công trình thủy điện đã làm cho các dòng chảy lũ vốn đã mạnh trở nên hung dữ hơn, kéo dài hơn khiến thiệt hại vùng hạ lưu tăng lên.

Cũng theo ông Hòe, do người dân vùng cửa sông miền Trung chưa quen ứng phó với lũ lụt gia tăng khi có thêm thủy điện trên thượng nguồn nên càng chịu nhiều thiệt hại.

"Khâu tái quy hoạch phát triển các vùng cửa sông sau khi có thủy điện còn bất cập. Trước khi có thủy điện trên thượng nguồn, mọi thứ đã định hình, đã an bài dưới hạ lưu, việc tái quy hoạch và sắp xếp lại dân cư để ứng phó với lũ lụt gia tăng do thủy điện chưa được tính toán đủ", ông Hòe nói.

PGS Phan Kỳ Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Thủy điện, ĐH Thủy lợi Hà Nội nói, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện hầu như chỉ làm "lấy lệ", ngoài dự án Sơn La. Do đó mới dẫn tới hàng loạt những bất cập trong phối hợp vận hành xây hồ chứa, giữa các khâu như dự báo lũ, cảnh báo lũ, kéo dài thời gian xả lũ cho dân đi sơ tán...

Chưa có một lời kết cho "công - tội" thủy điện song các nhà khoa học đã chỉ ra hàng loạt bất cập của việc phát triển nóng 385 dự án.

Sắp tới, rất cần có một nghiên cứu khoa học soát xét lại tất cả các công trình đã và đang xây dựng trên các dòng sông, trong đó có thủy điện.

"Rừng là sự sống còn"

Truy tìm nguyên nhân sâu xa của lũ lụt, các nhà khoa học khẳng định, còn có một điều cốt tử như nhà văn hóa Nguyên Ngọc đã chỉ ra, đó là tình trạng mất rừng ở Tây Nguyên. 

Mô tả ảnh.
Nhà văn hóa Nguyên Ngọc chăm chú lắng nghe các ý kiến phân tích về tình trạng lũ lụt miền Trung, Tây Nguyên. Ảnh: LN

"Đợt lũ lụt vừa qua mới là sự báo hiệu... Ta đã quét sạch hết rừng Tây Nguyên. Nay lại đào bới tiếp trong lòng đất khi khai thác bô-xít, làm mất đi lớp vỏ cứng bảo vệ sự xói mòn", ông Ngọc nói.

Theo ông Nguyên Ngọc, trận lũ vừa qua còn cảnh báo nguy cơ tràn các hồ chứa bùn đỏ (của các dự án khai thác bô-xít).

"Tôi muốn kiến nghị dừng mọi khai thác, khai phá ở Tây Nguyên nếu muốn cứu đất nước... và chuẩn bị kế hoạch trồng rừng cho Tây Nguyên trong vòng 100 năm", ông Nguyên Ngọc nói.

Mối âu lo của ông về rừng đã nhận được chia sẻ của các nhà khoa học.

"Điều căn bản nhất, cốt tử nhất nhằm đảm bảo điều hòa nước là rừng không còn, đã bị tàn phá hết", PGS Hoàng Văn Tấn (khoa Công trình thủy, ĐH Xây dựng HN) chua xót.

TS Nguyễn Đình Kỳ, Viện trưởng Viện Địa lý cho hay, rừng nguyên sinh đã bị bóc hết, đa số rừng hiện nay là rừng non, mới trồng, tác dụng điều tiết rất kém...

Xuất phát từ thực tế này, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Vũ Trọng Hồng đề xuất, khi soát lại chiến lược phát triển kinh tế miền Trung có liên quan đến thiên tai, môi trường cần đảm bảo giữ được độ phủ của rừng.

 "Rừng là sự sống còn của miền Trung và là sự ổn định chính trị", ông Hồng nói.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,