221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1245082
Tranh chấp Biển Đông: Cần cơ chế pháp lý ràng buộc hơn
1
Article
null
Tranh chấp Biển Đông: Cần cơ chế pháp lý ràng buộc hơn
,

 - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Quang Xuân phân tích cần tiến tới xây dựng một bộ luật có tính ràng buộc hơn về ứng xử trên Biển Đông giữa các bên tranh chấp.

VietNamNet trao đổi với ông Ngô Quang Xuân bên lề phiên họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, sau khi cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mới đây tại Thái Lan đề cập đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, trong đó xem xét việc thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc.

Nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại WTO Ngô Quang Xuân là người đã từng tham gia nhiều cuộc đàm phán đa phương về luật biển tại Liên hợp quốc.

Chủ quyền quốc gia

Mô tả ảnh.
Ông Ngô Quang Xuân. Ảnh: VNN
Theo quan sát của ông, kể từ khi được ký kết năm 2002 đến nay, liệu DOC đã thực sự hiệu quả trong việc ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông?

Nếu theo dõi sát mọi diễn biến tại Biển Đông, nhất là từ suốt bốn thập kỷ qua, có thể nói DOC là một thành công ngoại giao hết sức quan trọng giữa các quốc gia láng giềng xung quanh Biển Đông.

Đó là một cơ sở chính trị pháp lý mà dù ý chí chính trị của chính quyền các nước có thể xuất phát từ góc độ khác nhau, nhưng mỗi bên tham gia ký kết DOC đều buộc phải có trách nhiệm đối với cam kết của chính họ.

Nhờ có DOC, họ phải nhìn vào mỗi hành vi của họ liên quan đến Biển Đông, nhìn vào thái độ của các nước thành viên và nhìn vào cả khát vọng hòa bình của cộng đồng khu vực cũng như quốc tế.

Với cách đặt vấn đề như vậy, có thể nói DOC đã góp phần tích cực vào việc ngăn chặn xung đột ở Biển Đông. 
 
Nếu DOC được thực hiện nghiêm túc, thoả thuận sẽ giúp tránh được các xung đột tại Biển Đông như đã từng xảy ra và giữ ổn định cho khu vực. Tuy nhiên, những tranh chấp nổi lên thời gian qua đặt ra những thách thức gì đối với việc thực thi DOC, thưa ông?

Trong quan hệ quốc tế, chủ quyền quốc gia là vấn đề nhạy cảm nhất. Bởi vậy, nguyên tắc về chủ quyền quốc gia cũng trở thành nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế. DOC là một công ước quốc tế liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc gia của các bên ký kết, thách thức lớn nhất đối với việc thực thi DOC là sự phá vỡ cam kết chung bởi bất kỳ quốc gia - thành viên ký kết DOC nào.

Theo ông, để DOC thành nền tảng cho các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp các bên tại Biển Đông, cần phải có những yếu tố gì? Cần làm gì để nâng cao hiệu quả của DOC?

Trước hết, mỗi nước đã ký kết DOC phải có trách nhiệm cao với cam kết của mình, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực mỗi khi có nguy cơ tranh chấp. Bằng thái độ ứng xử trên thực tế, mỗi nước ký kết phải thể hiện sự tôn trọng các nước thành viên khác, vì lợi ích hòa bình chung của khu vực, biết kiềm chế và luôn sẵn sàng đối thoại.

Việt Nam nên đóng vai trò mạnh mẽ và thực chất hơn nữa

ASEAN từng kỳ vọng xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc nhiều hơn Tuyên bố cách ứng xử (DOC). Từ thực tiễn những tranh chấp xảy ra thời gian qua, theo ông, có cần thiết đặt vấn đề phải đàm phán để tiến tới xây dựng một bộ luật có tính ràng buộc nhiều hơn?

Rất cần. Nhưng đây là vấn đề chiến lược lâu dài nên cũng phải có thêm thời gian để các nước tiếp tục các biện pháp xây dựng lòng tin, vì một nền hòa bình, ổn định lâu dài và phát triển bền vững.  
 
Hiện tại, ASEAN có nhiều nước tham gia vào tranh chấp Biển Đông. Ông có nghĩ rằng nên có một nước nào đó tập hợp các nước ASEAN cùng ngồi lại nói chuyện với nhau, từ đó tìm ra phương cách giải quyết xung đột? ASEAN có thể có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề này không? Liệu Việt Nam có thể đóng vai trò đó được không?

Trong ASEAN, đã có một số diễn đàn có bề dày truyền thống bàn luận về vấn đề Biển Đông. Gần đây cũng đã có những diễn đàn chuyên đề về Biển Đông được tổ chức tại Việt Nam. Việc các bên tranh chấp ngồi lại với nhau để đối thoại để dần tìm ra các giải pháp là điều ai cũng hoan nghênh và ủng hộ. Theo tôi, Việt Nam cũng nên đóng vai trò mạnh mẽ và thực chất hơn nữa theo hướng này.   
 
Việt Nam luôn kêu gọi mọi bất đồng trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hoà bình, thông qua thương lượng, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và triệt để tuân theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển 1982. Nguyên tắc này cần được các bên tôn trọng quán triệt như thế nào?

Là người đã từng tham gia nhiều cuộc đàm phán đa phương về luật biển tại Liên hợp quốc, có lúc tôi thấy đáng tiếc và bất bình về thái độ của một số nước luôn tìm cách giải thích nhiều điều khoản của Luật biển 1982 theo cách riêng của họ, bất chấp cả những điều khoản quy định về tính lịch sử, địa lý, kinh tế liên quan đến các vấn đề thềm lục địa, đường cơ sở, vùng đặc quyền kinh tế, các vùng đảo nổi, đảo chìm...

Nếu nước nào trên Biển Đông cũng sẵn sàng đối thoại, giải quyết bất đồng bằng những biện pháp thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và nhất là tuân thủ nghiêm túc Công ước Luật biển 1982 thì ai cũng có thể tranh thủ được môi trường hòa bình để hợp tác và phát triển.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,