- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền, trưởng đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật ở các tập đoàn, tổng công ty khẳng định cần xử lý triệt để các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đoàn giám cũng đề xuất phải giảm tối đa tính độc quyền của tập đoàn.
- Thưa ông, báo cáo giám sát có thống kê nhiều con số về các tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ nhiều năm, thậm chí âm trong 3 năm liên tiếp nhưng vẫn tồn tại. Vậy đoàn giám sát có đề xuất phương án xử lý nào với những DN này?
CN Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền: Không để nợ nần dây dưa. Ảnh: LN
Để các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ tồn tại là do chúng ta chưa xử lý chưa triệt để. Nếu tình trạng này kéo dài và thua lỗ tích tụ thì sẽ càng gây khó khăn thêm. Không nên để dây dưa tình trạng nợ nần.
Với những dự án của các tập đoàn, tổng công ty đang thiếu vốn do tác động khách quan của suy thoái kinh tế thì Nhà nước cũng nên có biện pháp xử lý can thiệp sớm, tránh để kéo dài.
Có những đơn vị, nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng gấp trên mười lần. Cần có biện pháp xem xét lại.
Phần lớn những DNNN có nợ lớn như vậy là vay đầu tư cho trung hạn và dài hạn. Vừa qua có thể phải chia sẻ với một số tập đoàn, tổng công ty do khó khăn, phải chia sẻ
Ví dụ Vinashin, vừa qua có nhiều dự án với nước ngoài như ký kết các hợp đồng đóng tàu ba vạn, năm vạn tấn. Nhưng do suy giảm, hợp đồng kinh tế bị cắt, họ gặp khó khăn.
Như vậy, những dự án đã triển khai rồi nhưng gặp khó khăn thì Nhà nước cũng nên can thiệp để các dự án được thực hiện vì càng đình trệ, càng khó.
- Còn việc xem xét trách nhiệm cá nhân, theo ông, nên như thế nào?
Chúng ta phải xem xét những căn nguyên cụ thể và chiến lược đầu tư của từng đơn vị vì trong kinh doanh cũng có những rủi ro. Với việc làm ăn thua lỗ vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân thì phải xử lý.
- Việc đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn không hiệu quả, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có qui định cụ thể về đầu tư của tập đoàn, nhất là không để tập đoàn đầu tư quá xa lĩnh vực chính của mình?
Trước đây chúng ta chưa có qui định để các doanh nghiệp đầu tư ra ngoài ngành nghề chính, vì vậy có 47% doanh nghiệp đã đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản… với một nguồn vốn khá lớn.
Qua đánh giá, thấy đầu tư vào lĩnh vực bên ngoài hiệu quả rất thấp, thấp hơn việc đầu tư ở ngành chính. Khi phát hiện ra, chúng ta đã không kịp thời ban hành các quy định để xử lý.
Tới đây, Nhà nước sẽ phải có quy định về vấn đề này. Phải cụ thể là anh chỉ được đầu tư ra ngoài ở những lĩnh vực nào cũng như điều kiện, trách nhiệm nếu không có hiệu quả.
Sau báo cáo giám sát này, chúng ta sẽ phải hoàn thiện chính sách.
- Theo như kết quả giám sát, thì Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam tuy được Nhà nước đầu tư lớn nhưng nợ dây dưa, phải nợ thuế và nợ cả những DN nhỏ, trong khi lại phát triển nóng, có tới 157 doanh nghiệp thành viên. Vậy các vấn đề ở Tập đoàn này nên xem xét như thế nào?
Đoàn giám sát chưa có điều kiện đi xem xét cụ thể từng DN mà chỉ xem xét tổng quan hiệu quả sử dụng vốn.
Vinashin có số nợ khá cao nhưng như tôi đã nói, nợ của họ chủ yếu đầu tư trung và dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Dự kiến tới đây sẽ thành lập thêm 4 tập đoàn kinh tế mới trong các lĩnh vực bất động sản, viễn thông, hóa chất... Vậy ông có khuyến cáo gì cho việc thành lập tập đoàn mới khi mà vẫn chưa thực hiện tổng kết thí điểm thành lập tập đoàn?
Các tập đoàn vừa qua mới là làm thí điểm. Báo cáo giám sát đã chỉ rõ bất cập của mô hình nên việc hình thành các tập đoàn mới phải rút kinh nghiệm.
Trước hết, cần tổ chức tổng kết mô hình tập đoàn cũ và phải làm kĩ lưỡng, nhất là quan hệ quản trị trong nội bộ tập đoàn. Các tập đoàn mới ra đời phải trên cơ sở đánh giá tổng kết lại mô hình các tập đoàn hiện có.
- Về mô hình Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), báo cáo giám sát cho rằng chưa hợp lí. Vậy dự kiến tới đây mô hình này sẽ được tổ chức theo hướng như thế nào?
Ta cần có tổng kết, vì hiện đơn vị này đã tiếp nhận 800 doanh nghiệp, phần lớn vừa và nhỏ. Trong khi đó vẫn còn 300 DN với số vốn 5.000 tỷ đồng chưa bàn giao.
Vậy chức năng người đại diện tại những doanh nghiệp mà SCIC góp vốn là thế nào cần phải làm rõ, bởi nếu vẫn hoạt động theo luật doanh nghiệp hiện hành sẽ bất cập.
Tôi cho rằng vẫn nên duy trì mô hình này nhưng phải có đổi mới. Bất cập là trong số thành viên hội đồng quản trị có nhiều người kiêm nhiệm nên không chuyên nghiệp.
1. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Sớm ban hành Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh. 2. Xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về vốn và tài sản tại TĐ, TCT. 3. Triệt để tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Tổ chức đánh giá mô hình hoạt động SCIC để có định hướng và giải pháp rõ ràng; đồng thời xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với đặc thù của SCIC. 4. Tổ chức rà soát đánh giá hoạt động của TĐ, TCT để có biện pháp chấn chỉnh, củng cố các DN kém hiệu quả. Chấn chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, nhất là sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro. Xây dựng những quy định cụ thể và điều kiện các TĐ, TCT được phép đầu tư ra ngoài ngành. Với những DN có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế hiện đang gặp khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý tập đoàn, mặt khác cần cơ cấu lại theo hướng: (1) đánh giá thực trạng nhu cầu vốn của các tập đoàn, tổng công ty để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; (2) cơ cấu lại tài sản theo hướng chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc không cần thiết cho hoạt động kinh doanh chính để tập trung nguồn lực phục vụ sản xuất - kinh doanh theo nhiệm vụ được giao. - Có giải pháp xử lý triệt để tình trạng nợ dây dưa, nợ chiếm dụng không lành mạnh. - Kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm DN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân. 5. Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát đủ năng lực và điều kiện về quản lý vốn, tài sản song song với việc tăng tính trách nhiệm của cơ quan quản lý. 6. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế, xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc trước mắt giảm tối đa tính độc quyền của TĐ, TCT.
6 kiến nghị của đoàn giám sát: "Giảm tối đa tính độc quyền"
-
Lê Nhung