- Ngay sau chuyến thăm LB Nga, hôm nay (16/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Copenhagen, Đan Mạch, dự Hội nghị về biến đổi khí hậu lớn nhất toàn cầu. Ông sẽ đưa ra 5 quan điểm chính thức của Việt Nam.
Từ 16 đến 18/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hai hội nghị lớn tại Copenhagen. Đó là Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP15) và Hội nghị lần thứ 5 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (tức Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu).
Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu tại Copenhagen lần này dự kiến sẽ đưa ra các thỏa thuận quốc tế mới để ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu giai đoạn sau năm 2012, thời hạn cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto kết thúc.
Các nước sẽ thảo luận việc tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển trong việc giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực trong khuôn khổ Công ước khí hậu.
Nghị định thư Kyoto cần phải được sửa đổi, bổ sung với những quy định chặt chẽ hơn để ràng buộc các nước có lượng phát thải lớn thực hiện cắt giảm phát thải. Ảnh: Telegraph |
Ngoài ra, các bên sẽ thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị định thư Kyoto, xem xét việc thực hiện các cam kết giảm khí thải nhà kính định lượng trong giai đoạn cam kết đầu tiên (2008 - 2012) cũng như đưa ra những cam kết về giảm khí thải nhà kính định lượng sau năm 2012.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, tham gia hội nghị COP15, Việt Nam đưa ra 5 quan điểm chính thức về vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Một là, trái đất là ngôi nhà chung, do đó cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hai là, các nước phát triển phải tiên phong đưa ra các cam kết và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính định lượng trung hạn, dài hạn mang tính chất nghĩa vụ. Các cam kết đó phải có thể đo, báo cáo và kiểm tra được, nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính dưới mức 400 phần triệu (ppm) để giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Ba là, các quốc gia phát triển cần có những hỗ trợ phù hợp về tài chính, chuyển giao công nghệ cho những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng thông qua các cơ chế mới về tài chính, công nghệ và sử dụng Quỹ Thích ứng. Tại COP14, Việt Nam đã đề xuất các quốc gia có lượng phát thải lớn nhất trong khối OECD cần xem xét xây dựng một chương trình đặc biệt với cơ chế ưu đãi hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng.
Bốn là, các nước đang phát triển cần tích cực đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thông qua xây dựng và thực hiện các hành động quốc gia phù hợp nhằm giảm nhẹ khí nhà kính trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và các hỗ trợ ưu đãi về vốn và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển và các nguồn tài trợ quốc tế khác.
Năm là, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto phải tiếp tục là các văn kiện pháp lý cơ bản cho cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Nghị định thư Kyoto cần phải được sửa đổi, bổ sung với những quy định chặt chẽ hơn để ràng buộc các nước có lượng phát thải lớn thực hiện cắt giảm phát thải.
Cam kết cắt giảm CO2 trên đơn vị GDP 40-45% vào năm 2020 so với năm 2005, muốn các nước giàu giảm 40% năm 2020 so với năm 1990, giành 1% GDP/năm cho các nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các nước phương Tây phải cung cấp công nghệ carbon thấp.
-
Xuân Linh