- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.
Xây dựng văn hóa chống tham nhũng
Trong phần thuyết minh về sự cần thiết của đề án, Phó Thủ tướng lưu ý, những năm gần đây, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp.
Ảnh: VNN
Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ.
Để góp phần hạn chế tham nhũng, nhiều nước đã đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giáo dục trong trường học như Thụy Điển, Trung Quốc, Singapore...
"Tại Trung Quốc, phương pháp giáo dục học sinh trong nhiều nhà trường là chương trình có những tiết học về các vụ án quan chức tham nhũng, song ấn phẩm dành cho cấp tiểu học và trung học cơ sở lại tập trung vào khía cạnh tích cực, nói về văn hoá truyền thống, tính cách và các tiêu chuẩn đối với học sinh; quá trình học tập, giáo viên cùng học sinh thảo luận về nạn tham nhũng tồn tại trong xã hội v.v... Đây chính là những vấn đề cần được nghiên cứu, tiếp thu sáng tạo, phù hợp vào điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam", đề án nêu rõ.
Học tập các nước, việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho học sinh, từng bước hình thành văn hoá chống tham nhũng.
Đến hết năm 2011, thực hiện xong việc đưa nội dung về phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong các cấp học từ phổ thông trung học.
Giáo dục về phòng, chống tham nhũng trong các trường trung học phổ thông tập trung vào nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng như nguyên nhân, tác hại, thái độ, ứng xử của học sinh với hành vi tham nhũng.
Trong chương trình chính khóa, sẽ tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tham nhũng vào môn học giáo dục công dân hoặc các môn học xã hội khác phù hợp với điều kiện giảng dạy của từng môn.
Mặt khác, các trường trung học phổ thông chủ động đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình ngoại khóa thông qua một số hoạt động như lồng ghép vào sinh hoạt văn hoá, văn nghệ; xây dựng chuyên mục giáo dục phòng, chống tham nhũng trên các bản tin nội bộ của trường.
Ở các trường đại học, cao đẳng, nội dung phòng chống tham nhũng được giảng dạy sâu hơn như tìm hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của công dân trong việc phòng, chống tham nhũng. Thời lượng sẽ là 4 đến 5 tiết học. Ở cấp này, chương trình ngoại khóa đòi hỏi hoạt động phong phú hơn.
Ngoài ra, việc đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng trong các trường chính trị, hành chính, cán bộ quản lý sẽ có thêm các yêu cầu khác.
Lập ngân hàng tư liệu giáo dục phòng chống tham nhũng
Đề án cũng đưa ra mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên có năng lực giảng dạy về phòng, chống tham nhũng.
Giáo viên sẽ được tập huấn chuyên sâu theo các lớp ngắn hạn từ 3 - 5 ngày để hiểu về nguồn gốc, bản chất của tham nhũng, truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội liên quan đến phòng, chống tham nhũng, một số vụ án tham nhũng điển hình đã được phát hiện, xử lý...
Một ngân hàng tư liệu giáo dục phòng chống tham nhũng sẽ được xây dựng ở các trường.
Chính phủ sẽ thành lập Ban chỉ đạo đề án (do Tổng thanh tra Chính phủ làm trưởng ban) để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức quản lý tổng thể việc thực hiện các nội dung của Đề án. Tổ chức các hội thảo, hội nghị. Tiến hành công tác kiểm tra đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án.
Chỉ đạo điểm việc thực hiện Đề án tại một số cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong đó có Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, một số trường đại học đào tạo chuyên ngành luật, trường cán bộ quản lý, trường trung học phổ thông để rút kinh nghiệm, làm cơ sở cho việc triển khai nhân rộng trong toàn quốc.
Thanh tra Chính phủ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ thực hiện Đề án.
Việc giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; trường thuộc lực lượng vũ trang sẽ diễn ra trong cả năm 2010.
Cuối năm 2011 sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, khi nội dung phòng, chống tham nhũng được cấp có thẩm quyền chính thức phê duyệt nằm trong chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông...
Trong đó, nội dung giảng dạy phòng, chống tham nhũng ở cấp trung học phổ thông sẽ được kết hợp với việc đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện nay và biên soạn, điều chỉnh chương trình.
-
Lê Nhung