- Sự vụ lợi hoặc tùy tiện trong quản lý công chức đã tạo ra thông điệp không lời rằng chỉ làm "quan" mới có tất cả, dẫn đến xu thế đua nhau tìm kiếm, mua bán chức vụ.
Những năm gần đây, lỗi công vụ xảy ra ngày một nhiều. Trẻ em rơi xuống cống vì đào đường không rào chắn, cột điện hở gây điện giật chết người. Sông hồ, thực phẩm bị ô nhiễm. Rồi ngổn ngang bao điều như phát triển thủy điện chằng chịt có làm tăng cường độ lũ lụt… Những nghịch lý ấy đều liên quan đến trách nhiệm của công chức, từ cấp cao đến cấp thấp, trong các lĩnh vực. Ở nhiều kỳ họp Quốc hội, chuyện chạy chức, chạy quyền được đại biểu chất vấn quyết liệt.
Công chức thiếu mẫn cán, trục lợi từ công vụ có nguyên nhân từ tiền lương thấp, song đây chưa phải là nguyên nhân duy nhất. Chính sự bế tắc đường thăng tiến của đông đảo công chức đang cản trở yêu cầu phát triển nguồn nhân lực được ví là cầu nối Nhà nước với dân.
"Lên chức mới là thăng tiến"
Trên thế giới hiện có hai loại thiết chế quản lý công chức. Loại quản lý theo "việc làm", công chức nhận lương theo yêu cầu của vị trí công việc. Thiết chế này năng động, đề cao hiệu quả, thích hợp với các nước có trình độ phát triển cao, đảm bảo được tính liên tục, ổn định vốn là đặc trưng của hành chính để phục vụ công dân và tổ chức mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi chính trị thăng trầm.
Thiết chế "chức nghiệp" hướng vào sự đảm bảo công việc suốt đời cho người gia nhập công chức, lương theo ngạch, bậc, theo thâm niên để bảo vệ đặc trưng liên tục, ổn định của hành chính song nó có hạn chế là trì trệ do có việc làm suốt đời.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông nhiều năm chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về nạn chạy chức, chạy quyền. Ảnh: TD
Hệ thống công chức hành chính ở nước ta theo thiết chế chức nghiệp, được quản lý bởi các tiêu chuẩn theo Quyết định 414/TCCC-VC do Ban Tổ chức cán bộ (nay là Bộ Nội vụ) ban hành năm 1993.
Tuy nhiên, thực trạng quản lý công chức trong mươi năm gần đây cho thấy các tiêu chuẩn của Quyết định này đã bị biến dạng. Các tiêu chuẩn đã bị nắn lại khiến đường thăng tiến của công chức hầu như chỉ còn có một ngả: lên chức mới là thăng tiến.
Công chức không tìm thấy sự trọng thị của cấp trên, của đồng nghiệp cũng như lợi ích về lương, phụ cấp khi ngồi ở các vị trí không có “màu” nhưng có tác động lớn tới xã hội. Những lệch lạc, tùy tiện trong bổ nhiệm công chức vào ngạch CC là điển hình cho xu hướng bó lại đường thăng tiến của đội ngũ công chức, xa rời các tiêu chuẩn đã được ban hành. Làm sai lệch tiêu chuẩn công chức là mở cửa cho chạy chức, chạy quyền.
Theo văn bản này, công chức cao cấp là người có "chuyên môn nghiệp vụ cao nhất của ngành về một lĩnh vực lớn trong hệ thống quản lý nhà nước, giúp lãnh đạo ngành hoặc giúp lãnh đạo UBND tỉnh về chỉ đạo quản lý lĩnh vực công tác đó".
Kèm theo là 6 tiêu chuẩn rất cụ thể. Chẳng hạn, tiêu chuẩn về năng lực chủ trì xây dựng chính sách kinh tế - xã hội có tầm cỡ chiến lược của ngành trong phạm vi toàn quốc hoặc đề án tổng hợp của tỉnh, được thể hiện ở 4 hoạt động như: Khả năng xây dựng phương án kinh tế - xã hội về một lĩnh vực lớn có tầm cỡ chiến lược; Khả năng xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách và cơ chế quản lý của toàn ngành về một lĩnh vực lớn...
Tùy tiện trong quản lý
Đối chiếu khái niệm, tiêu chuẩn với thực trạng thì thấy rõ sự tùy tiện trong quản lý công chức ngạch CC:
Ngạch này hầu như không chỗ cho loại công chức tham mưu, có chuyên môn nghiệp vụ cao. Được giảng dạy ở ngạch này từ 1997 đến 2008, quan tâm đến tiêu chuẩn ngạch công chức nên tôi thường hỏi học viên "Trong lớp có ai không giữ chức vụ ?", chỉ có 5,6 cánh tay giơ lên trong một lớp khoảng 80 - 90 người.
Có những công chức lãnh đạo không đủ thời gian giữ ngạch CVC 6 năm theo quy định nhưng vẫn cho thi vào ngạch CCCC chỉ vì họ có chức vụ. Thậm chí có những trường hợp không đủ lương ở bậc tối thiểu - bậc 4 của ngạch CVC nhưng được cấp có thẩm quyền đưa lên bậc 4 để đủ điều kiện thi nâng ngạch. Đương nhiên, sự kiện này còn giúp những công chức lãnh đạo đó khi trúng tuyển được lên một lúc 3 bậc lương mà người khác sẽ phải mất 9 đến 10 năm.
Đã gọi là thi nâng ngạch thì phải có đỗ, có trượt, nhưng tỷ lệ trượt rất hãn hữu. Không thấy tính chất cạnh tranh trong thi thố mà nặng về cử. Có nhiều năm đỗ hết, không ai trượt .
Cũng phải kể đến việc dùng ngạch cao cấp như là một thứ phúc lợi để ban phát cho người đến tuổi nghỉ hưu như đã làm lâu nay.
Đến nay, không ai rõ tỷ lệ công chức cao cấp cần chiếm bao nhiêu trong đội ngũ này là thích hợp. Trong ngạch cao cấp, tỷ lệ công chức tham mưu, giỏi chuyên môn cần chiếm là bao nhiêu? Thiếu vắng họ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng công vụ?
Sự vụ lợi hoặc tùy tiện trong quản lý công chức đã tạo ra thông điệp không lời rằng chỉ có làm "quan" mới có tất cả, tạo ra xu thế đua nhau tìm kiếm, mua bán chức vụ, không trui rèn theo hướng phát triển chuyên môn.
Trách nhiệm Bộ Nội vụ?
Đã có một thời, quy định công chức - dù là chuyên viên giỏi - không được hưởng lương cao hơn người đứng đầu cơ quan. Cách làm này đã làm thui chột khát vọng cống hiến cho xã hội của những công chức muốn vươn lên làm tốt chức phận của mình.
Để phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước cần thực sự thực thi các giải pháp tôn vinh ba loại nhân vật tiêu biểu của thời đại mới: Nhà hoạch định chính sách (cũng tức là công chức cao cấp theo đúng nghĩa), Trí thức và Doanh nhân.
Khi nông nghiệp, thủy sản có vấn đề, xã hội dễ truy cứu trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp; sông Đồng Nai bị ô nhiễm, Bộ Môi trường phải vào cuộc. Còn sự suy thoái về đạo đức, hiệu quả làm việc thấp, thiếu tha thiết với nghề của đội ngũ công chức có liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nội vụ?
Cần kiểm định lại vai trò, thực trạng đội ngũ công chức cao cấp hiện nay và trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Dựa vào căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định và công khai tỷ lệ thích hợp đối với ngạch này cũng như giữa các ngạch. Chấn chỉnh lại việc tổ chức học và thi lên ngạch, tạo điều kiện cho công chức giỏi chuyên môn vào ngạch cao cấp, không "kẹp" họ đến khi về hưu mới cho chuyển ngạch như một phúc lợi.
Thắp sáng đỉnh cao nghề công chức tạo động cơ phấn đấu cho cả một đội ngũ, ngăn ngừa tệ nạn mua bán chức quyền - ung nhọt làm lở loét xã hội.