"Chặn ngã tư" đến bao giờ?
Đại biểu Phạm Thị Loan nóng lòng muốn biết UBND TP sẽ duy trì đến bao giờ "giải pháp tình thế" chống ùn tắc giao thông thực hiện thời gian qua "trên thế giới chẳng có ai lại ngăn ngã ba, ngã tư như thế cả".
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi trả lời chất vấn sáng nay. Ảnh: CN
Không trực tiếp trả lời ngay vào câu hỏi, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi giải thích do điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông của TP còn hạn chế, việc thực hiện các giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông như vừa qua trên địa bàn TP là "cần thiết và có hiệu quả".
Tuy nhiên, ông Khôi thừa nhận, với hơn 300.000 ô tô các loại, gần 4 triệu xe máy, chưa kể các phương tiện giao thông quá cảnh, trong khi tốc độ tăng phương tiện giao thông hàng năm khoảng 10 - 15% thì tình trạng ùn tắc giao thông vẫn đang "diễn biến phức tạp".
Đại biểu Đào Xuân Mùi nhắc đến hai luồng ý kiến cho rằng giải pháp tình thế mà TP thực hiện là "sáng kiến" và đề nghị được khen thưởng, trong khi không ít người lại cho rằng giải pháp tình thế chống ùn tắc của TP "lợi ít, hại nhiều", không nên kéo dài.
"Giải pháp phân luồng giao thông hiện nay đang phá vỡ kết cấu hạ tầng, hệ thống đèn tín hiệu, gây lãng phí trong đầu tư. Ngoài ra, việc dựng hàng rào tại các ngã tư cũng đang gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây khó khăn và mất an toàn cho người đi bộ qua đường", ông Mùi nêu cụ thể.
Từ đây, ông Mùi nêu câu hỏi TP đánh giá thế nào về hai luồng ý kiến trên. "Nếu hại nhiều hơn lợi thì ai sẽ chịu trách nhiệm, giải pháp để khắc phục tiếp theo là thế nào?".
Thừa nhận những phát sinh tiêu cực từ giải pháp tình thế đang thực hiện nhưng Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho rằng "cả hai luồng ý kiến trên đều đúng".
Tuy "né" chuyện trách nhiệm nhưng ông Khôi cũng cho biết "UBND TP đang chỉ đạo các sở rà soát và dự kiến sẽ có báo cáo cụ thể vào ngày 30/12 tới đây, sau đó sẽ tiếp tục tính toán thống nhất những giải pháp tiếp theo".
Thay thế đơn vị thi công để chậm tiến độ
Cùng chung bức xúc với tình trạng ùn tắc giao thông hàng ngày, đại biểu Bùi Thị An nhắc đến vấn nạn nhiều đơn vị xây dựng, thi công công trình giao thông chậm tiến độ, góp phần rất lớn vào tình trạng tắc trên nhiều đoạn đường.
Đại biểu Đào Xuân Mùi: Giải pháp phân luồng giao thông đang phá vỡ kết cấu hạ tầng. Ảnh: PH |
"Tôi biết nhiều dự án kinh phí không thiếu nhưng đơn vị vẫn thi công với tốc độ "rùa bò", UBND có chế tài gì để xử lý họ?", bà An hỏi.
Chia sẻ với bức xúc đại biểu nêu, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi lấy ví dụ về tuyến đường Lạc Long Quân, UBND đã quyết định thay thế đơn vị thi công. Ngoài ra, đơn vị thi công đường 32 đoạn gần với Sơn Tây bị thay thế đến 2 lần vì tiến độ quá chậm.
"Trong thời gian tới, việc thi công các công trình nếu tiếp tục chậm thì UBND cũng sẽ cương quyết thay thế đơn vị thi công", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh thêm.
Một lo ngại khác được đại biểu Trần Trọng Hanh nhắc đến trong phiên chất vấn sáng nay là vấn đề tăng trưởng cơ học dân số trong nội thành hiện nay.
Cụ thể, theo ông Hanh, TP đang xã hội hóa việc cải tạo các khu chung cư xuống cấp, nhiều dự án nhà chung cư cao tầng sẽ mọc lên ngay ngay nội thành thì vấn nạn tắc đường thời gian tới sẽ càng nan giải.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi giải thích TP chỉ đang mới thí điểm việc cải tạo chung cư cũ, còn quan điểm trong quy hoạch là phải hạn chế các chung cư cao tầng trong trung tâm TP.
"Với tốc độ tăng phương tiện giao thông như bây giờ, rõ ràng tình trạng ùn tắc khó có thể tháo gỡ được, giải pháp dài hạn là sẽ đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị, triển khai một số tuyến buýt nhanh, xây dựng thêm các cầu vượt...", ông Khôi thừa nhận.
Năm 2010, dự kiến Hà Nội sẽ hoàn thành 20 cầu vượt cho người đi bộ. Thành phố đang triển khai sớm đường vành đai 4, vành đai 5 và một số đường trục hướng tâm, kết nối các đơn vị vệ tinh đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
- Cao Nhật