- Tỉ lệ nợ quốc gia cao nhưng vẫn dưới mức an toàn cho phép, nằm trong khả năng trả nợ của Việt Nam. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị CG 2009 chiều 4/12.
Chưa chậm nợ nước nào
Trong số hơn 8 tỷ USD cam kết ODA của các nhà tài trợ chiều 4/12, tỷ lệ vốn viện trợ và vốn vay là bao nhiêu, thưa Bộ trưởng?
Ảnh: XL
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Có 1,4 tỉ USD là vay không hoàn lại, 6,6 tỉ USD vốn vay ưu đãi. 1,6 tỉ USD mà Nhật Bản cam kết phần lớn là vay ưu đãi, với 80 triệu USD là cho không.
Anh cam kết 50 triệu bảng là ODA không hoàn lại. Australia cam kết 100% cho không. Hàn Quốc một phần cho không, một phần cho vay. Viện trợ của Mỹ - phần lớn cho lĩnh vực y tế và giáo dục -cũng là cho không.
Trong kế hoạch năm 2009, vốn trả nợ cho nước ngoài lên đến 70 ngàn tỉ đồng, một con số lớn so với con số ngân sách 390 ngàn tỉ. Phân tích của Bộ trưởng trong bối cảnh Việt Nam phải đảm bảo trả nợ nước ngoài?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Hiện tỉ lệ nợ có cao nhưng vẫn dưới mức an toàn cho phép. Con số này vẫn nằm trong khả năng trả nợ của Việt Nam. Hiện Việt Nam vẫn trả nợ đúng hạn các khoản vay của các tổ chức quốc tế và chưa chậm nợ một nước nào theo cam kết.
Nợ nước ngoài của Việt Nam hiện ở mức bao nhiêu phần trăm? Với mức nào thì sẽ vượt ngưỡng an toàn?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Các mức vay lãi suất ít ưu đãi hơn chúng ta vẫn chấp nhận được và hiện vẫn đang được dùng để xây dựng các nhà máy điện, một số đường cao tốc hoặc góp phần thêm để xây một số bến cảng, cầu. Cộng với các dự án ưu đãi khác vẫn đảm bảo khả năng hoàn vốn.
Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại VN Ayumi Konishi: Việt Nam không có gì phải lo lắng về khả năng trả nợ. Đường cao tốc và nhà máy điện cần được tính toán cẩn thận, nhưng chắc chắn nó sẽ mang lại lợi nhuận.
Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại VN Victoria Kwakwa: Nếu nói nợ quốc gia của chính phủ ở mức bền vững hay không, có khả năng trả nợ hay không thì không có lý do nào chúng tôi phải lo lắng. Nó vẫn ở ngưỡng an toàn. WB vẫn giám sát chặt chẽ khả năng trả nợ của Việt Nam để đảm bảo được thực hiện đúng cách và theo chính sách quản lý tài khóa mang tính chất thận trọng.
Việt Nam có nghiên cứu thực hiện công tác hậu kiểm hoặc áp dụng các biện pháp nào nhằm đẩy nhanh giải ngân, triển khai các dự án ODA?
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Hậu kiểm là một hình thức. Hiện nay Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang nghiên cứu hình thức kết hợp đầu tư giữa khu vực công và tư (gọi tắt là cơ chế hợp tác PPP), làm thế nào tạo cơ chế thủ tục hài hòa để kết hợp nguồn vốn tư nhân với nguồn vốn nhà nước. Chúng tôi đang xây dựng nghị định về công - tư kết hợp đầu tư để trình Chính phủ thông qua với sự giúp đỡ kỹ thuật của WB, Tổ chức hợp tác phát triển Hoa Kỳ, Nhật Bản, những nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư công - tư kết hợp.
Tại hội nghị, các nhà tài trợ lưu tâm Việt Nam những thách thức của nước có thu nhập trung bình. Đó là những thách thức nào?
Giám đốc WB tại VN Victoria Kwakwa: Khi trở thành nước có thu nhập trung bình, Việt Nam cần đảm bảo một hệ thống an sinh xã hội mạnh mẽ. Hệ thống này sẽ giúp người dân chống những cú sốc từ bên ngoài như cuộc khủng hoảng xảy ra vừa qua, hỗ trợ người thất nghiệp, cung cấp tiền lương hưu... Trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Phải tính đến các yếu tố đó để làm sao có sự thịnh vượng tốt hơn.
Điều phối viên Liên hợp quốc Jesper Morch: Thách thức khi trở thành nước có thu nhập trung bình đó là đảm bảo thu hẹp khoảng cách phát triển trong xã hội. Cần phải tiếp tục quản trị tốt, đầu tư nhiều hơn cho nguồn lực con người, giải quyết, bảo vệ nhóm những người tổn thương xã hội, quan tâm nhiều hơn tới những người chưa được hưởng lợi từ phát triển kinh tế...
Giám đốc ADB tại Việt Nam Konishi: Khi đặt mục tiêu giảm 50% số người nghèo xuống 20%, 30% thì rất dễ, nhưng khi đặt mục tiêu giảm tiếp nữa, xuống còn mức 5% hay thấp hơn thì mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Ngoài các nhiệm vụ giảm nghèo, bối cảnh phát triển nảy sinh những thách thức mới phải đương đâu như bảo vệ môi trường. Khi trở thành nước thu nhập trung bình, sẽ có những thách thức lớn hơn phải vượt qua.
-
Xuân Linh