- Tại buổi họp báo quốc tế công bố Năm Chủ tịch ASEAN 2010 do Việt Nam đảm nhiệm chiều 7/1, Việt Nam đã trả lời các câu hỏi liên quan một số vấn đề khu vực trên quan điểm Chủ tịch ASEAN, trong đó có việc giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Là Chủ tịch ASEAN, liệu Việt Nam có nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông thảo luận trong cuộc họp của ASEAN trong năm nay?
Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam Phạm Quang Vinh: Trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn liên quan của ASEAN, vấn đề bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông cũng như việc thúc đẩy triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) là thuộc lợi ích chung của ASEAN và Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực.
Do đó cả hai vấn đề: thúc đẩy nỗ lực nhằm duy trì môi trường và các điều kiện thuận lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, trong đó có Biển Đông, cũng như thúc đẩy triển khai Tuyên bố DOC sẽ tiếp tục là những nội dung ASEAN và các nước đối tác liên quan cùng quan tâm và sẽ tiếp tục trao đổi để thúc đẩy triển khai.
Cần môi trường hòa bình
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ có sáng kiến, giải pháp gì cho giải quyết tranh chấp ở Biển Đông?
Ông Phạm Quang Vinh : Chúng tôi thấy rằng lợi ích chung của các nước ở khu vực Đông Nam Á cũng như Trung Quốc và các nước liên quan khác là cần có môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở khu vực này. Quan hệ ASEAN - Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược và hai bên có rất nhiều lĩnh vực hợp tác, cam kết tiếp tục thúc đẩy chương trình hợp tác, thực hiện Tuyên bố về đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc.
Ảnh: Xuân Linh |
ASEAN có văn bản Hiệp ước láng giềng thân thiện khu vực Đông Nam Á (TAC), rất nhiều đối tác của ASEAN đã tham gia, trong đó có Trung Quốc và gần đây nhất là Mỹ. Đây là văn bản xây dựng lòng tin, tăng cường nỗ lực vì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố DOC. Đây là văn kiện quan trọng khẳng định cam kết, quyết tâm của các ước tham gia là nỗ lực xây dựng lòng tin, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực, không làm phức tạp tình hình, cũng như tìm ra những biện pháp hợp tác chung có thể được giữa hai bên.
Chúng tôi cho rằng, văn kiện này là sản phẩm chung của ASEAN - Trung Quốc. Trong năm 2010, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi, tham vấn, thúc đẩy các biện pháp triển nhằm thực hiện và khai hiệu quả Tuyên bố DOC. Hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực có lợi cho khu vực Đông Nam Á, các nước Đông Á, các nước liên quan và các đối tác của ASEAN.
Không can thiệp nội bộ
Thông tin cho hay Bộ trưởng Thương mại Indonesia xin hoãn và lùi thực hiện một số mặt hàng nằm trong Hiệp định về Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Quan điểm của nước Chủ tịch ASEAN về vấn đề này?
Ông Phạm Quang Vinh: Chúng tôi biết thông tin qua báo chí việc Indonesia xin hoãn và lùi thực hiện 228 mặt hàng nằm trong danh mục phải giảm thuế bằng 0. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin này qua kênh ASEAN. Các nước ASEAN và Trung Quốc tham gia Hiệp định về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam đều mong rằng các nước tham gia tiếp tục thực hiện đúng lộ trình, mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế các nước thành viên cũng như thương mại hai chiều giữa hai bên.
Nếu thông tin có thật, chúng tôi hiểu rằng, nếu một nước muốn điều chỉnh quy định liên quan thì nước thành viên của Hiệp định nói trên sẽ phải tham vấn các bên liên quan, làm đúng theo quy định, khuôn khổ trong Hiệp định về Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.
Liên quan tuyên bố của lãnh đạo Myanmar về cuộc tổng tuyển cử tại Myanmar sắp tới, phản ứng của ASEAN?
Thứ trưởng Ngoại giao Đào Việt Trung: Trong thời gian qua, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình Myanmar. Chúng tôi thực sự mong muốn Myanmar sẽ đẩy mạnh tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, thúc đẩy tiến trình thực hiện lộ trình dân chủ 7 điểm mà My nêu, trong đó có việc tiến hành tổng tuyển cử.
Tại các phiên họp của ASEAN gần đây, lãnh đạo Myanmar đã nhấn mạnh sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử hòa bình, dân chủ, đúng pháp luật và hòa hợp dân tộc. Chúng tôi tin đây là mong muốn và mục tiêu chung mà các nước ASEAN trông đợi vì sự phát triển ổn định không chỉ của Myanmar mà cả ASEAN.
ASEAN trong nhiều tuyên bố thời gian qua đã khẳng định các nước ASEAN sẵn sàng hỗ trợ hợp tác giúp đỡ Myanmar nếu Myanmar có đề nghị cụ thể. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của ASEAN dành cho Myanmar đã được trải nghiệm như qua việc phối hợp giữa ASEAN với Myanmar khắc phục hậu quả của cơn bão Nagis năm 2008.
Về tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia thời gian qua, phản ứng của ASEAN như thế nào?
Thứ trưởng Đào Việt Trung: Quan điểm và nguyên tắc của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Xuất phát từ nguyên tắc này, trong nhiều vấn đề trong nội bộ các nước ASEAN, chúng tôi tin nội bộ giữa các nước có thể tự xử lý, giải quyết trên tinh thần hòa bình, đối thoại, hợp tác và phát triển. Là nước láng giềng của hai nước Thái Lan và Campuchia, Việt Nam tin hai nước sẽ xử lý ổn thỏa vấn đề này một cách tốt đẹp vì lợi ích chung cũng như vì sự phát triển của hiệp hội.
Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam Phạm Quang Vinh: Tháng 7/2008, khi các Ngoại trưởng ASEAN họp, họ đã nghe hai nước thông báo về diễn biến các sự việc liên quan. Các Ngoại trưởng ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch về vấn đề này, bày tỏ mong muốn Thái Lan và Campuchia sẽ giải quyết bất đồng trên tinh thần hòa bình, hữu nghị và đoàn kết ASEAN. Đồng thời ASEAN bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho Thái Lan và Campuchia một khi có yêu cầu. Chúng tôi cho rằng tinh thần của Tuyên bố này vẫn còn giá trị đến hôm nay.
-
Xuân Linh