Trao đổi đầu năm mới, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng kể con gái ông đã đặt cho ông một câu hỏi "khó trả lời thật ngọn ngành": Bố làm việc thế nào mà để nhiều người hỏi bố về điều hành lúa gạo thế?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, có những lúc chính các thành viên trong gia đình ông "phản biện" chính sách của ngành công thương với tư cách người tiêu dùng, như giá điện, xăng dầu.
Riêng về điều hành tiêu thụ lúa, gạo, con gái ông từng hỏi một câu "thoạt nghe tưởng rất đơn giản nhưng rất khó trả lời thật ngọn ngành": Bố làm việc thế nào mà để nhiều người hỏi bố về điều hành lúa gạo thế?
"Câu hỏi của con gái tôi đã khiến tôi trăn trở rất nhiều", Bộ trưởng Công Thương thừa nhận.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng |
Ông Vũ Huy Hoàng mong muốn năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải thật sự "chuyển biến về chất" trong cuộc vận động lớn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam khi thị trường trong nước là “điểm tựa vững chắc của doanh nghiệp".
Bộ trưởng nói hiện nay nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất đã đáp ứng được yêu cầu “giá cả vừa phải, chất lượng không kém hàng ngoại, mẫu mã tốt”. Việc sử dụng hàng Việt Nam do đó là lẽ đương nhiên.
Theo Bộ trưởng, năm 2009, thị trường trong nước ổn định, tăng trưởng khá (đạt 18,6%) so với 2008, đáp ứng được các yêu cầu về vật tư, nguyên liệu hàng hóa cho sản xuất và đời sống của nhân dân, kể cả hàng hóa vật tư thông thường và hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra sốt giá hay thiếu hàng.
“Hàng hóa của ta tiếp cận với các thị trường ngoài nước đã thuận lợi hơn do hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường, một số hiệp định song phương, đa phương trong lĩnh vực thương mại bắt đầu phát huy tác dụng...”, ông cho biết.
Kinh tế trong năm qua “sóng gió” nhưng sản xuất công nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng 7,6%, kết quả này đã đóng góp vào tăng trưởng chung GDP đạt 5,32% của đất nước.
Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về hoạt động xuất khẩu. Chỉ tiêu Quốc hội giao Chính phủ sau khi đã điều chỉnh phải tăng 3% nhưng do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới, xuất khẩu cả năm của toàn ngành đã không đạt chỉ tiêu về kim ngạch.
“Kim ngạch xuất khẩu giảm có nguyên nhân hết sức cơ bản là do diễn biến giá cả. Năm 2009, nhiều mặt hàng xuất khẩu giá giảm 50 - 60%, thậm chí chỉ còn bằng 30% so với mức giá của năm 2008. Trong khi khối lượng một số mặt hàng lại tăng so với năm 2008 với mức tăng bình quân 10%”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ở nhiều nước, người dân đã thắt chặt chi tiêu, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp song khối lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm qua vẫn tăng.
“Nói so với các nước không phải để ta vừa lòng với kết quả, để tự an ủi mình. Suy cho cùng thì đó là chưa hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng cũng cần nói thêm là trong bối cảnh của ta, việc xuất khẩu tăng về khối lượng cũng đã giải quyết được một phần việc làm trong nước, bên cạnh đó còn góp phần khẳng định thêm uy tín và mở rộng thị phần của hàng Việt Nam ở nước ngoài. Trong khó khăn nhường ấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực sản xuất của mình”, Bộ trưởng nói.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ