221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1263830
Câu hỏi không khó như bộ trưởng nghĩ
1
Article
null
Câu hỏi không khó như bộ trưởng nghĩ
,

- Trò chuyện đầu xuân, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải (GTVT) đau đầu vì chuyện kẹt xe, Bộ trưởng Công Thương khó trả lời câu hỏi của cô con gái về điều hành lúa gạo... Chia sẻ những trăn trở, suy tư ấy, mời độc giả cùng góp ý và gỡ khó cho các Bộ trưởng.

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của bạn đọc Trần Huy Ánh gửi tới Bộ trưởng GTVT.

Không cần mất 10 - 15 năm

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận rất khó trả lời câu hỏi khi nào hết tắc đường, "đáp ứng cơ bản về giao thông thì cũng phải tính đến 10 - 15 năm nữa".

Giao thông lộn xộn ấy là tại người tham gia với thói quen tùy tiện - đổ lỗi cho số đông không xác định thật dễ, hơn nữa lý do số đông vô tổ chức, ý thức kém vô cùng đúng nếu như không có cơ quan nào hình thành và vận hành hệ thống GT.

Thực tế, có hai đơn vị cụ thể là Công an GT và ngành GTVT: một đơn vị vận hành và kiểm soát giao thông, đơn vị kia tạo lập ra hệ thống ấy. Sự bất ổn có nguồn gốc từ người tham gia GT nhưng để xảy ra sự lộn xộn thì năng lực hoạt động của hai đơn vị đó rõ ràng có vấn đề.

Mô tả ảnh.
Tắc đường ngay trung tâm Hà Nội chiều 31/12/2009 (ảnh chụp ở phố Ngô Quyền). Ảnh: VNN

Nếu như số phương tiện tham gia GT tăng theo mức số cộng thì xung đột sẽ tăng theo cấp số nhân. Công việc giám sát, vận hành GT vẫn thủ công: vẽ vạch đường rồi đứng thổi còi, bật tắt tín hiệu hay đứng chỉ đường, chạy theo hay chặn xe phạt, dí roi điện...

Thay đổi tình thế này rất nhanh và rất dễ, không cần mất đến 10 - 15 năm. Hạ tầng công nghệ thông tin của Hà Nội thừa đáp ứng vì hầu hết các chủ phương tiện đã có ví tiền điện tử - là điện thoại di động, công nghệ giám sát hình ảnh và truyền dẫn đã phổ biến.

Việc tổ chức mạng lưới giám sát, chỉ dẫn GT trên sóng FM bằng tiếng nói nay chuyển sang hình ảnh là việc có thể làm ngay. Thay vì các CSGT rải khắp các tuyến đường, căng mắt ra để quan sát hay bắn tốc độ, chỉ cần vài ngàn camera giám sát GT hoạt động 24/24 trên các nẻo đường thì thật dễ thu tiền phạt bất cứ ai cán vạch, vượt đèn đỏ, dừng đỗ hay lạng lách bừa bãi. Tiền thu qua ví tiền điện tử sẽ nộp thẳng vào ngân sách thành phố mà không bị rơi vãi đây đó.

Hà Nội có đến 5 triệu xe máy, ô tô trên mặt đường mỗi ngày vô tình cán vạch sai luồng, vượt đèn đỏ hay dừng đỗ tùy tiện vài giây thôi thì không mắt nào nhìn thấy nhưng hệ thống giám sát điện tử có thể trừ tiền phạt vào ví điện tử dễ dàng. Nếu thu phạt lỗi nhẹ nhất là 100 ngàn đồng, mỗi ngày ngân sách TP có thêm 500 tỷ đồng - số tiền hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư hệ thống giám sát GT điện tử hơn cả đầu tư nhà hàng, khách sạn, chung cư…

Nếu như số đông còn thiếu ý thức thì tiền phạt thu trong một tháng đủ để xây dựng 30 cầu vượt tại các nút giao cắt xung đột căng thẳng nhất.

Rất dễ trả lời khi nào hết tắc đường

Bộ trưởng có so sánh chuyện kẹt xe ở Việt Nam với London, Paris… Cần biết rằng số lượng ô tô tại đó nhiều gấp 10 - 20 lần Hà Nội. Bình quân sở hữu xe riêng ở Anh, Pháp là 37 - 67%, trung bình 2 người/ô tô nên mỗi TP có vài triệu chiếc… họ có tắc đường vào giờ cao điểm thì đúng thôi. Đổi lại, một nửa cư dân London, Paris đi xe điện ngầm còn Hà Nội ta, với số lượng ô tô quá nhỏ, tắc đường là chết dí.

Học sinh muộn học vài buổi thì hạnh kiểm bị hạ bậc, nhân viên đi làm muộn không biết mấy buổi thì mất việc… Bà con rất muốn điều chỉnh thời gian đi lại như Bộ trưởng khuyên, nhưng chờ đến lúc đi lại dễ dàng sau 10 - 15 năm nữa, e rằng lâu quá vì không ai muốn học lớp 1 khi đã 20 tuổi và nghỉ việc khi mới 30.

Trong buổi đăng đàn tại Quốc hội nói về lý do mở rộng Thủ đô, Bộ trưởng trình bày cần nâng diện tích giao thông đô thị nên phải mở rộng địa giới. Nếu như thiếu đường ở quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân… thì có cách nào bổ sung diện tích đường tại Đan Phượng, Hoài Đức, Sơn Tây?

Rất có thể đây là cách nói ẩn dụ, đánh đổi từ lượng thành chất. Ví dụ hoán đổi diện tích có giá trị bất động sản cao trong nội thành, lượng hóa tiền để đổi ra các diện tích đất đai rộng rãi phía ngoài. Sơ tính trụ sở Bộ GTVT, bệnh viện, trường học, các đơn vị trực thuộc như viện nghiên cứu, trụ sở tổng công ty… của ngành giao thông, có đến hàng trăm hecta chen chúc trong nội thành mà.

Chỗ ấy hoán đổi diện tích lớn gấp mấy lần ở phía Tây TP mở rộng , thì cũng dư ra hàng tỷ USD để đầu tư ngay lập tức hàng chục cây số tàu ngầm dưới đất hay chạy trên cao, dư ra diện tích chỗ đỗ xe ngầm nổi, công viên, nhà trẻ hay các nơi đi dạo, đi bộ.

Giá như Bộ GTVT gương mẫu xung phong làm một cái việc cụ thể như vậy, hàng chục bộ, ngành lấy đó làm gương ào ào làm theo thì chỉ cần 1 - 2 năm, giao thông Hà Nội sẽ thay đổi, thậm chí thay đổi tích cực hàng ngày.

Được biết những việc Bộ trưởng ưu tiên đều quan trọng, như "xây dựng cơ chế chính sách; tiếp theo là đầu tư xây dựng hạ tầng và thứ ba là ATGT". Đó là những việc trừu tượng, khó đánh giá, phải mất nhiều nhiệm kỳ mới xong, nên chỉ hy vọng Bộ trưởng làm thử hai việc cụ thể kể trên trong năm mới 2010, sẽ thấy có tác dụng ngay. Lúc ấy, "tai nạn giao thông giảm, ùn tắc giao thông giảm, một xã hội giao thông an toàn, không tai nạn" sẽ có thật chứ không chỉ là ước mong.

  • Trần Huy Ánh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,