- Cần lấy tiêu chí chung được quốc tế thừa nhận về các tập đoàn kinh tế để đánh giá lại từ cách thức quản trị, hiệu quả thực hiện đến việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước trong DNNN hiện nay - TS Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, CIEM.
Chuyển đổi cho được
Ngày 24/2, Thủ tướng đưa ra Chương trình hành động, thực chất nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động kinh doanh của nhà nước.
Nhìn tổng thể, có thể thấy, chương trình có nhiều điểm mới, hiện thực hóa những gợi ý quyết sách đã được giới chuyên gia nghiên cứu đưa ra.
Định vị lại từng DNNN trong nền kinh tế là một yêu cầu. Ảnh: shipphotograph |
Điểm mới nhất chính là Thủ tướng đã chính thức yêu cầu “nghiên cứu để sớm tách bạch chức năng thực hiện các quyền của chủ sở hữu với chức năng quản ý hành chính nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước, tách bạch rõ ràng việc thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của DN; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của DN”.
Điều này đồng nghĩa với việc ta vừa thay đổi quản lý theo chiều ngang vừa thay đổi quản lý theo chiều dọc, tách bạch chức năng của cơ quan nhà nước với tư cách người quản lý và người đại diện chủ sở hữu, giữa nhà nước và DN.
Đặc biệt, lần đầu tiên, “nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính” trong việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước được đưa ra, điều mà giới nghiên cứu đã khuyến nghị từ lâu. Nhờ đó, chúng ta có được sự quản lý tập trung, thống nhất với DN. Một DN chỉ có một cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu, tránh được tình trạng chồng chéo, phân tán hiện nay.
Thủ tướng cũng đã giao rõ ràng cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư thực hiện việc nghiên cứu tách chức năng này. Tuy nhiên, nếu thời hạn đặt ra là quý II/2010 thì lại có vẻ vội vàng, bởi việc chuyển đổi như vậy chẳng bao giờ là dễ dàng. Và điều quan trọng không chỉ là ra văn bản mà phải chuyển đổi cho được.
Phân bổ nguồn lực tốt hơn
Thủ tướng cũng yêu cầu định vị lại các tập đoàn trong nền kinh tế, và trong quá trình phát triển kinh tế nói chung. Đây cũng là điểm mới, rất tiến bộ.
Có định vị được thì ta mới có cơ sở để phân bổ nguồn lực hợp lý, tập trung hơn. Khi đó, tập đoàn sẽ không cần đa ngành, chồng chéo, cạnh tranh giữa các DN cùng một mẹ, tạo sự phối hợp sức mạnh tăng gấp bội. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn cũng tăng nhiều.
Tất cả các DN cùng theo một hướng, phục vụ mục tiêu chung của nền kinh tế. Có như vậy, ta mới hi vọng tạo được quả đấm thép từ khối DNNN.
Và từng tập đoàn, tổng công ty cũng thấy rõ được hướng phát triển của mình. Hiện nay, DN nào cũng khép kín, cạnh tranh lẫn nhau.
Đơn cử, Việt Nam có 5 ngân hàng thương mại của nhà nước thế nhưng tập đoàn kinh tế nào cũng lập ngân hàng. Tại sao Nhà nước không tập trung vào 5 ngân hàng ấy để tăng quy mô, lấy tiêu chuẩn quốc tế về ngân hàng ép vào, đưa ngân hàng Việt Nam đạt chuẩn quốc tế.
Vả lại, khi đã định vị được các DNNN, ta cũng xác định được ngành chủ đạo, từ đó rà soát ngành nghề nào cần thiết do nhà nước nắm giữ và tập trung đầu tư.
Nâng năng lực quản trị DN
Yêu cầu về sự minh bạch, về chế độ báo cáo và công hai, minh bạch kết quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng; đổi mới cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng, tạo quyền chủ động cho DN... cũng là những điểm rất mới.
Các DN cũng có cơ hội nâng cao năng lực quản trị nhờ vào sự minh bạch đó.
Khi đó, nhà nước mới có thể thực hiện được nhiệm vụ “kiên quyết sắp xếp các tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi”, đồng thời “làm rõ” và xử lý “trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc để công ty thua lỗ”.
Vấn đề đặt ra cấp thiết lúc này là đặt ra được một khung quản trị phù hợp với các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế.
Là các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, lại hoạt động trong điều kiện toàn cầu hóa, mỗi DN phải xây dựng được tư duy toàn cầu với tiêu chuẩn quốc tế thống nhất. Có như vậy, hiệu lực quản lý, hiệu quả quản trị mới tăng lên, từ đó, nâng hiệu quả kinh doanh của DN.
Hệ tiêu chí phải rõ
Đặt mục tiêu đầy tham vọng, thế nhưng, để hiện thực hóa được nội dung ấy cần rất nhiều nỗ lực.
Cam kết là thế, nhưng Chính phủ cũng cần thấu đáo trong triển khai thực tế, có nghiên cứu với chứng cứ rõ ràng. Việt Nam cần lấy tiêu chí chung được quốc tế thừa nhận về các tập đoàn kinh tế để đánh giá lại từ cách thức quản trị, hiệu quả thực hiện đến việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước trong DNNN hiện nay.
Một khi có hệ tiêu chí rõ ràng, chúng ta sẽ soi rọi được khoảng cách từ thực tế DN tới chuẩn, từ đó có cái nhìn chân xác về vị trí của DNNN Việt Nam và có hướng điều chỉnh, đổi mới thích hợp.
Yêu cầu này càng cần thiết và cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đang bàn chuyện nâng cao chất lượng, cải thiện hiệu quả nói chung của nền kinh tế. DNNN là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện chiếm giữ và sử dụng lượng lớn tài nguyên và số vốn đáng kể của đất nước.
- Nguyễn Đình Cung (Phương Loan ghi)