Hội Địa lý Mỹ (NGS) vừa có phát ngôn chính thức liên quan tới vụ bản đồ có nội dung sai sự thật về quần đảo Hoàng Sa.
Sau khi các độc giả Việt Nam gửi thư, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam lên tiếng, Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society) trả lời như sau:
"Nhằm mục tiêu thực hiện Chính sách mô tả bản đồ (Map Policy) một cách chính xác và nhất quán theo lịch sử 122 năm của NGS với tư cách là một tổ chức giáo dục khoa học hoạt động phi lợi nhuận, chúng tôi luôn cố gắng giữ lập trường phi chính trị, tham mưu ý kiến của các nguồn có thẩm quyền từ nhiều bên, và đi đến quyết định độc lập dựa trên các nghiên cứu mở rộng.
Chúng tôi không có ý định giải quyết hoặc ủng hộ một bên nào liên quan tới các vùng lãnh thổ tranh chấp hoặc các tên gọi tranh chấp, nhưng chúng tôi theo đuổi chính sách mô tả hiện trạng (de facto policy), có nghĩa là, để miêu tả cho mọi người đọc hoặc người xem có thể tiếp nhận được một cách tốt nhất sự đánh giá của chúng tôi về hiện trạng của một vấn đề.
Đối với vấn đề quần đảo Paracel (tên truyền thống), Hội Địa lý quốc gia đã nhận thức rằng quần đảo này đã bị chiếm và quản lý bởi Chính phủ Trung Quốc từ năm 1974, và vì thế, Hội Địa lý quốc gia thừa nhận tên Trung Quốc là Xisha Qundao như là tên chính.
Điều này nhất quán với Chính sách bản đồ của chúng tôi. Ở các bản đồ khu vực và các bản đồ khác với tỷ lệ thích hợp, chúng tôi cũng đặc biệt định rõ tên Việt Nam là Hoàng Sa cùng với tên truyền thống là Paracel, kèm theo một ghi chú cho biết Trung Quốc đang chiếm đóng và kiểm soát quần đảo, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo.
Chúng tôi tin rằng đây là thực trạng hiện tại theo những gì chúng tôi biết được.
Thời gian gần đây, chúng tôi đã nhận được những lời than phiền về các bản đồ trong hệ thống Bản đồ Thế giới của chúng tôi, vốn có tỷ lệ nhỏ nên rất khó để đưa thêm vào thông tin chi tiết đối với một quần đảo nhỏ như Paracel.
Chúng tôi đã xem xét lại vấn đề một cách cẩn trọng và nhận ra rằng chỉ đơn giản sử dụng cái tên Trung Quốc kèm với chữ "China" để phụ chú mà không có sự giải thích thêm nào có thể dẫn tới việc hiểu sai và diễn dịch sai.
Trong tương lai, chúng tôi hoặc sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin kèm theo trên các bản đồ khác như đã đề cập ở trên, hoặc chúng tôi sẽ không chú thích thêm. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ giúp làm sáng tỏ hơn tình hình hiện tại vốn đã được sử dụng trong các bản đồ khác với tỷ lệ lớn hơn của chúng tôi".