- Trong quá trình xem xét lựa chọn, không thể đưa các đối tượng tham nhũng và thiếu kiên quyết trong đấu tranh chống tham nhũng vào trong cấp ủy - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến khẳng định bên lề hội nghị chuyên đề triển khai công tác PCTN tại Cần Thơ, ngày 11 - 12/3.
Ông Vũ Tiến Chiến: Phải có biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tố cáo tham nhũng. Ảnh: Đoàn Quý |
Thưa ông, ai cũng nói cách phòng chống tham nhũng (PCTN) tốt nhất là tự phát hiện, nhưng dường như đây chỉ là lý thuyết? Mặt khác, quy định, cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng vẫn chưa rõ ràng nên việc tố cáo, tự phát hiện chưa cao?
Vừa qua việc tự phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, đơn vị của mình cũng có nhưng chỉ là cá biệt.
Nhưng chúng ta biết, mọi công việc muốn hoàn thành thắng lợi phải bắt nguồn từ sức mạnh trong nội lực. Vì thế để làm tốt vấn đề này, theo tôi, mình cần xây dựng cơ sở Đảng, chi bộ, chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh, đấu tranh phê và tự phê tốt để đủ sức phát hiện.
Bên cạnh đó, để làm tốt công tác tố cáo, phát hiện và trực diện đấu tranh chống tham nhũng, phải có những biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tố cáo.
Hiện nay cũng đã có, nhưng để đảm bảo tuyệt đối thì chưa được. Chính điều này dẫn tới việc hạn chế việc tố cáo tham nhũng của cá nhân và tổ chức.
Ban Chỉ đạo đã xác định vấn đề này và cũng đã kiến nghị, theo chương trình của Chính phủ, năm nay sẽ giao cho Bộ Công an xây dựng một đề án để bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng. Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Nội vụ xây dựng đề án khen thưởng những người mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng.
Đây có thể sẽ là điều kiện cần và đủ để khuyến khích các cá nhân, tổ chức mạnh dạn hơn trong đấu tranh, tố cáo tham nhũng.
Nhưng muốn “quét cầu thang” thì phải quét từ trên xuống?
Đây là một nguyên lý chung và trong chủ trương, đường lối chính sách của ta đều nói là Đảng phải tiên phong, gương mẫu, cán bộ đảng viên cũng vậy.
Còn nói như các cụ mình ngày xưa, muốn cho dòng nước trong thì đầu nguồn phải trong, điều đó rất đúng và cũng là truyền thống của cha ông ta trong cái giữ gìn phẩm chất đạo đức, cấp trên làm gương cho cấp dưới.
Đây cũng là chủ trương và quyết tâm của Đảng, cấp trên phải gương mẫu, cái đó phải thống nhất và xuyên suốt vừa có tính khoa học, vừa có tính đạo lý, vừa có tính truyền thống kế thừa của Việt Nam chúng ta.
Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2011, Ban Chỉ đạo cũng là cơ quan tham mưu, giới thiệu cho Đảng những con người có năng lực, không tham nhũng… Vậy Ban Chỉ đạo có kế hoạch gì?
Chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào đầu năm 2011, có rất nhiều việc phải làm.
Riêng đối với công tác PCTN, trước hết phải tổ chức tốt việc phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, đặc biệt là những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì cần tập trung làm rõ. Có làm được như vậy mới quy được rõ trách nhiệm.
Mặt khác, một trong những tiêu chuẩn vào cấp ủy là không tham nhũng. Vì thế, phải tập trung làm thế nào để khi các cấp ủy lựa chọn nhân sự phải nói rõ là những đối tượng đó không tham nhũng.
Thứ hai, những người đứng đầu phải có trách nhiệm làm thế nào để cho cơ quan, đơn vị của mình không xảy ra tham nhũng. Còn ở một số nơi mà có vụ việc tham nhũng đã xảy ra rồi thì cần xác định trách nhiệm người đứng đầu.
Để giới thiệu vào cấp ủy những người xứng đáng, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa tiêu chuẩn là cấp ủy không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Ban chỉ đạo PCTN các cấp có trách nhiệm báo cáo với cấp ủy những đối tượng có nghi vấn, biểu hiện về mặt tham nhũng.
Đặc biệt, trong quá trình xem xét lựa chọn, không thể đưa các đối tượng tham nhũng và thiếu kiên quyết trong đấu tranh chông tham nhũng vào trong cấp ủy.
-
Đoàn Quý