Là một đất nước có hiến pháp ủng hộ hòa bình, Nhật Bản lại đang bắt đầu "tay ôm vũ khí". Thực tế, vùng đất này của châu Á từ lâu vẫn đóng vai trò như một tàu sân bay lớn và một căn cứ Hải quân hỗ trợ cho sức mạnh quân sự của Mỹ.
Mỹ có lẽ đã không thể tham gia cuộc chiến tại Triều Tiên (1950-1953) và Việt Nam (1959-1975) nếu không có gần 90 căn cứ quân sự nằm rải rác quanh các đảo của những đồng minh lớn trên Thái Bình Dương. Ngay cả hiện nay, Nhật vẫn là chiếc cọc neo của những gì còn lại trong chính sách can dự thời chiến tranh lạnh của Mỹ khi áp dụng với Trung Quốc và Triều Tiên.
Từ các căn cứ không quân Yokota và Kadena, Mỹ có thể triển khai quân và máy bay ném bom tới khắp châu Á, trong khi căn cứ Yokosuka gần Tokyo là cứ điểm Hải quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.
Căn cứ Futenma của Mỹ trên hòn đảo Okinawa. Ảnh: japanfocus.org |
Bạn sẽ nghĩ rằng, với nhiều căn cứ trên đất Nhật như vậy, Mỹ sẽ không làm toáng lên chuyện đóng cửa một trong số đó? Không phải vậy. Bất đồng xung quanh vấn đề căn cứ không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ tại Futenma trên hòn đảo Okinawa - cách Tokyo khoảng 1.600 km về phía nam và là nơi đồn trú của hơn 30 căn cứ và 75% quân đội Mỹ tại Nhật Bản - đang ngày càng nóng lên.
Thực tế, Washington dường như đã sẵn sàng đặt cược cả danh tiếng và mối quan hệ của mình với chính phủ mới của Nhật vào số phận của riêng căn cứ đó. Điều này làm hé lộ đôi điều về sự bối rối của Mỹ trong "thời đại" của Tổng thống Barack Obama.
Theo thỏa thuận mà chính quyền George W Bush đạt được với chính phủ tiền nhiệm của Nhật, Mỹ đã có kế hoạch di chuyển phần lớn số lính thủy đánh bộ hiện tại ở Futenma sang đảo Guam. Tuy nhiên, chính phủ Obama vẫn nhấn mạnh phải hoàn tất thỏa thuận bằng việc xây dựng căn cứ mới thay thế ở vùng thưa dân hơn trên đảo Okinawa, bất chấp sự phản đối của chính người dân hòn đảo và của cả Tokyo.
Căng thẳng hiện tại giữa Tokyo và Washington không chỉ còn đơn thuần là "cơn gió mạnh trên Thái Bình Dương" nữa, như tờ Newsweek miêu tả.
Sau 6 thập niên chỉ biết nói "vâng" với mọi điều Mỹ yêu cầu, Nhật cuối cùng có vẻ đang dần "uốn lưỡi" để nói "không" với một số điều thậm chí có can hệ rất lớn với Washington, và mối quan hệ mà Dwight D Eisenhower từng gọi là "quan hệ đồng minh không thể bị triệt tiêu" đang cho thấy những vết rạn nứt.
Tồi tệ hơn nữa, từ quan điểm của Lầu Năm Góc, sự chống đối của Nhật có thể sẽ trở thành "căn bệnh lây truyền" - lý do chính giải thích tại sao Mỹ lại cứng rắn đối với đồng minh có ý định đóng cửa một căn cứ quân sự cũ và xây dựng căn cứ khác có giá trị chiến lược không rõ ràng.
Trong chiến tranh lạnh, Lầu Năm Góc lo ngại rằng các nước sẽ sụp đổ như những quân bài domino khi chủ nghĩa Cộng sản đi lên. Ngày nay, Lầu Năm Góc lại quan tâm tới một hiệu ứng domino khác. Tại châu Âu, các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang từ chối "toàn tâm" ủng hộ cho cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan. Ở châu Phi, không nước nào đứng ra tiếp nhận trụ sở Bộ tư lệnh vùng châu Phi mới của Lầu Năm Góc. Tại Mỹ Latinh, đất nước Ecuador nhỏ bé đã "đá văng" Mỹ ra khỏi căn cứ không quân của mình tại Manta.
Tất cả những điều trên, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là "triệu chứng" cho thấy sự tôn trọng đối với quyền lực Mỹ đang giảm xuống. Và chính quân đội nước này đang phải nếm trải cảm giác này trên toàn thế giới. Nhưng sự "bướng bỉnh" tại Nhật Bản chính là dấu hiệu chắc chắn nhất rằng "đế chế" Mỹ với các căn cứ quân sự rộng khắp ở nước ngoài đã sắp qua cái thời đỉnh cao và sẽ nhanh chóng đi xuống.
Có còn là một kẻ xu nịnh?
Từ trước cho tới gần đây, Nhật Bản gần như trở thành nhà nước một đảng, nhưng điều đó lại có vẻ "hợp ý" của Washington. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền suốt mấy chục năm qua có mối quan hệ ấm áp với các nhà làm chính sách thành phố và "câu lạc bộ" các học giả Nhật Bản.
Một tiết lộ mới được đưa ra gần đây cho thấy vào năm 1969, Nhật Bản đã nhượng bộ trước đòi hỏi của Tổng thống Richard Nixon và bí mật cho phép lưu đậu tàu chiến mang vũ khí hạt nhân của Mỹ - mặc dù vẫn luôn khẳng định nguyên tắc phản đối hạt nhân - một thực tế đã làm hiện nguyên hình một kẻ xu nịnh.
Trong và sau chiến tranh lạnh, các chính phủ Nhật luôn cố làm vui lòng Washington với bất cứ thứ gì họ muốn. Khi những quy định về hạn chế xuất khẩu quân sự gây cản trở liên minh, Tokyo chỉ đơn giản lập ra một ngoại lệ cho Mỹ. Khi hợp tác trên lĩnh vực phòng thủ tên lửa trái với lệnh cấm của Nhật về quân sự hóa không gian, Tokyo một lần nữa lại vung cây đũa thần làm biến mất quy định này.
Mặc dù hiến pháp Nhật Bản phản đối "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực làm công cụ giải quyết các tranh chấp quốc tế", nhưng Washington lại "ép" Tokyo phải bù đắp chi phí triển khai quân đội Mỹ trong chiến tranh Vùng Vịnh thứ nhất chống lại Saddam Hussein vào năm 1990-1991, và như "thường lệ", Tokyo cũng làm theo.
Sau đó, từ tháng 11/2001 cho tới gần đây, Washington lại thuyết phục Nhật làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho các tàu và máy bay trên Ấn Độ Dương tham gia vào cuộc chiến Afghanistan. Năm 2007, Lầu Năm Góc thậm chí còn cố gây áp lực, buộc Tokyo phải tăng chi tiêu quốc phòng để trả nhiều hơn các chi phí của liên minh.
Dĩ nhiên, LDP chấp thuận những đòi hỏi đó vì chúng phù hợp với kế hoạch thay đổi hiến pháp hòa bình và củng cố lực lượng quân đội của nước mình.
Hai thập kỷ qua, Nhật đã tiếp thu được những thiết bị công nghệ khá tinh vi, trong đó có máy bay chiến đấu, khả năng tiếp nhiên liệu trên không và các tàu có chức năng giống như tàu sân bay.
Nước này cũng đã sửa đổi hơn 50 lần Luật Các lực lượng phòng vệ có từ năm 1965 - theo đó quy định những điều quân đội Nhật Bản có thể làm và không được làm - để cho phép lực lược này có khả năng hành động với sức mạnh tấn công lớn hơn. Mặc dù có một "hiến pháp hòa bình", nhưng Nhật giờ đây đã sở hữu một trong những lực lượng quân đội hàng đầu thế giới.
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) bước vào. Tháng 8/2009, đảng này bất ngờ lên nắm quyền khi "hạ bệ" LDP, sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, với một sự ủy thác phải xốc lại mọi thứ.
Về nền kinh tế đang "bổ nhào" của nước này, DPJ chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước và cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, không có gì bất ngờ khi yêu cầu phải giảm bớt thâm hụt ngân sách đã dẫn đảng này tới quyết định cân nhắc kỹ lưỡng hơn quan hệ đồng minh với Mỹ.
Không giống như hầu hết các nước có căn cứ quân sự Mỹ khác, Nhật gánh hầu hết chi phí duy trì các lực lượng Mỹ: hơn 4 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Chính phủ mới của thủ tướng Yukio Hatoyama đã đề xuất một điều "khiêm tốn" - đặt quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, theo cụm từ ông dùng vào vào thời điểm đó, "trên nền tảng bình đẳng hơn". Sự kiện trên mở đầu cách tiếp cận mới này theo cái cách dù khá mang tính tượng trưng bằng quyết định chấm dứt nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên Ấn Độ Dương (về cơ bản Tokyo đã "làm ngọt" thứ thuốc đắng mà Mỹ khó có thể nuốt trôi bằng đề nghị chi 5 tỷ USD viện trợ phát triển cho chính phủ Afghanistan trong 5 năm).
Đáng kể hơn, chính quyền Yukio Hatoyama còn đưa ra tín hiệu muốn hạ thấp các khoản chi tiêu hỗ trợ căn cứ. Tuy thế, đề xuất "thắt lưng buộc bụng" của Nhật được đưa ra vào thời điểm không thích hợp cho chính quyền Obama, bởi Mỹ còn đang phải lo xoay xở tài chính cho 2 cuộc chiến, "các cuộc triển khai liên tiếp ra nước ngoài", và mạng lưới hơn 700 căn cứ quân sự trên toàn cầu. Gánh nặng hoạt động ở nước ngoài của Mỹ ngày càng gia tăng. Tỷ lệ nghịch với đó, càng nhiều quốc cũng đang tỏ ra không sẵn sàng chia sẻ chi phí hơn.
Vì loài cá nược và dân chủ
Nguồn gốc gây căng thẳng trực tiếp trong quan hệ Mỹ - Nhật vẫn là "mong mỏi" được đàm phán lại thỏa thuận năm 2006 của Tokyo để đóng cửa căn cứ Futenma, chuyển 8.000 lính thủy đánh bộ sang Guam, và xây dựng căn cứ mới tại Nago, khu vực thưa dân hơn của hòn đảo. Đó là một thỏa thuận đe dọa sẽ làm cho chính phủ vốn đang bị mắc kẹt phải trả chi phí lớn. Trở lại năm 2006, Tokyo hứa sẽ trả hơn 6 tỷ USD chỉ để giúp di dời số lính thủy đánh bộ này sang Guam.
Cái giá về chính trị đối với chính phủ mới nếu tiếp tục đi theo hành động của LDP có thể còn cao hơn. Dù gì thì, DPJ cũng nhận được khá nhiều ủng hộ của cử tri từ Okinawa, những người không hài lòng với thỏa thuận năm 2006 và muốn sự "chiếm đóng" của Mỹ trên hòn đảo này chấm dứt.
Suốt mấy thập kỷ gần đây, với các căn cứ quân sự Mỹ được xây dựng liền kề nhau trong những khu vực rất đông đúc nhất của hòn đảo, người dân Okinawa đã phải chịu đựng cảnh ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn, các vụ tai nạn như vụ đâm máy bay vào trường đại học quốc tế Okinawa năm 2004, và các loại tội phạm từ nhỏ nhặt như vi lái xe quá tốc độ cho tới việc 3 lính Mỹ cưỡng hiếp một bé gái 12 tuổi năm 1995.
Theo cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2009, 68% số dân Okinawa phản đối di dời Futenma trong phạm vi của quận, trong khi chỉ 18% ủng hộ kế hoạch. Bên cạnh đó, Đảng Dân chủ Xã hội, đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền thì đe dọa rút lui nếu Hatoyama đi ngược lại cam kết không xây dựng căn cứ mới tại Okinawa.
Có loài cá nược, một loại động vật biển có vú tương tự heo biển, trông giống như lai giữa con hải mã và cá heo và là hình ảnh khiến người ta liên tưởng tới truyền thuyết về nàng tiên cá. Chỉ còn 50 con thuộc loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này đang sống trong vùng biển bị đe dọa bởi việc xây dựng căn cứ mới gần khu thưa dân Nago. Trong một vụ kiện quan trọng, các luật sư Nhật Bản và các nhà hoạt động môi trường Mỹ đã đệ đơn lên tòa án liên bang Mỹ để ngăn cản việc xây dựng căn cứ này và cứu lấy loài cá nược. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc sẵn sàng chống án tới tòa án tối cao.
Đối với các nguyên do môi trường, chính trị và kinh tế, đào hào "chôn" thỏa thuận năm 2006 là cách làm thiếu suy nghĩ của Tokyo. Nếu xét về việc Washington nhấn mạnh duy trì căn cứ có ít tầm quan trọng chiến lược này, thì thách thức đối với DPJ là phải tìm kiếm một địa điểm khác ngoài Nago.
Chính phủ Nhật từng có ý tưởng sáp nhập căn cứ Futenma với các căn cứ hiện tại trên Kadena, một căn cứ khác của Mỹ trên hòn đảo. Nhưng, kế hoạch đó - giống như việc di chuyển quân Mỹ tới những vùng khác trên đảo - đều bị những người dân địa phương phản đối gay gắt. Đề xuất mở rộng các căn cứ tại Guam cũng đang bị Thống đống Guam từ chối.
Vì sao Mỹ nên thôi gây áp lực?
Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Okinawa là những gì còn xót lại của chiến tranh lạnh và việc can dự chỉ bằng sức mạnh quân sự ở nước ngoài có thể đe dọa chính ưu thế quân sự của Mỹ. Trở lại những năm 1990, giải pháp của chính quyền Bill Clinton đối với một Trung Quốc đang trỗi dậy là "hòa nhập, nhưng lập hàng rào" (integrate, but hedge). Hàng rào tập trung xung quanh liên minh Mỹ - Nhật ngày càng được củng cố.
Những gì chính phủ Clinton và các chính quyền kế nhiệm đã không lường trước là việc Trung Quốc đã "hóa giải" chiến lược lập hàng rào này một cách hiệu quả và hòa bình như thế nào bằng nghệ thuật chính trị cẩn trọng và chính sách thương mại mạnh mẽ.
Nhiều quốc gia châu Á, bao gồm cả Philippines và Indonesia, đều bị cuốn vào "ngoại giao bằng sổ ngân phiếu” (checkbook diplomacy) phiên bản Trung Quốc. Sau đó, trong thập kỷ qua, Hàn Quốc, giống như Nhật Bản ngày nay, bắt đầu đàm phán về thiết lập quan hệ bình đẳng với Mỹ trong nỗ lực tránh bị lôi kéo vào bất cứ xung đột quân sự nào trong tương lai giữa Washington và Bắc Kinh.
Giờ đây, khi những người bảo thủ đã ra khỏi chính phủ, Nhật Bản đang có thiện cảm trông thấy trước "sức hấp dẫn" của Trung Quốc. Năm 2007, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nhật. Khi trở thành thủ tướng, Hatoyama còn đề xuất thành lập cộng đồng Đông Á theo mô hình giống Liên minh châu Âu. Khi điều đó diễn ra, nó sẽ nâng cao vị thế của Nhật giữa một Trung Quốc đang lên và một nước Mỹ đang thoái trào.
Tháng 12 năm ngoái, trong khi Washington và Tokyo còn đang tranh luận gay gắt về vấn đề căn cứ Okinawa, lãnh đạo DPJ Ichiro Ozawa đã gửi tín hiệu sang cả Washington cũng như Bắc Kinh bằng việc dẫn đầu đoàn 600 người trong đó có 143 thành viên của Đảng sang thăm Trung Quốc.
Không có gì bất ngờ, chính sách "gây kinh ngạc" của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Washington, nơi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn là tâm điểm quan tâm của các nhà làm chính sách chiến lược tại Lầu Năm Góc.
Căn cứ Futenma - và địa điểm thay thế tiềm năng - đều quan trọng với Mỹ, bởi Washington cần phải có phản ứng nhanh chóng tới eo biển Đài Loan, Biển Đông, và bán đảo Triều Tiên. Các nhà làm chính sách chiến lược tại Washington muốn nói về những âu lo nơi phương xa, về những khó khăn khi phải "khởi hành" từ Guam hay Hawaii trong trường hợp khẩn cấp tại Đông Á.
Tuy nhiên, giá trị chiến lược thực tế của Futenma vẫn còn phải bàn. Hàn Quốc có khả năng giải quyết tốt hơn bất kỳ điều bất ngờ nào trên bán đảo. Và Mỹ rõ ràng có khả năng tấn công hỏa lực từ trên không (Kadena) và trên biển (Yokosuka) trong phạm vi bắn tới Trung Quốc. Vài nghìn lính thủy đánh bộ sẽ không tạo nhiều sự khác biệt (mặc dù các lính thủy đánh bộ tại đây có thể phản đối).
Tuy nhiên, môi trường chính trị, trong đó Lầu Năm Góc tự thấy mình phải đưa ra những lựa chọn khó khăn giữa tài trợ cho cuộc chiến chống khủng bố và hệ thống vũ khí chiến tranh lạnh cũ, thì những người lo ngại mối đe họa Trung Quốc không hề muốn tán đồng chút nào.
Không thể di dời căn cứ Futenma trong phạm vi Okinawa có thể là bước đầu tiên trong vết trượt dài có thể có nguy cơ tiềm tàng khiến hàng tỷ USD các vũ khí thời chiến tranh lạnh vẫn đang trên dây truyền sản xuất bị lãng phí. Thật khó có thể biện minh cho việc mua tất cả thứ "đồ chơi" hấp dẫn này mà không có nơi để chơi chúng.
Và đó là một lý do vì sao chính quyền Obama muốn gây áp lực cho Tokyo phải tuân theo thỏa thuận năm 2006. Họ đã phái Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tới thủ đô của Nhật hồi tháng 10 năm ngoái, trước chuyến công du châu Á của tổng thống Obama. Giống như một người cha mất kiên nhẫn đang quở trách đứa con ngỗ ngược, Gates đã thuyết giảng cho người Nhật phải tiến lên và tông trọng thỏa thuận - trước sự bức xúc cả hai chính phủ mới và dân chúng Nhật.
Giới học giả nhiều ảnh hưởng tại Washington thì muốn rằng chính phủ mới của Nhật nên làm quen với địa vị "đảng nhỏ" như những chính phủ tiền nhiệm và ngừng phản đối. Chính phủ Obama đã tỏ ra bực bội với "cách giải quyết vấn đề kiểu nghiệp dư của Hatoyama", tác giả Fred Hiatt của tờ Washington Post viết.
"Kết quả của việc Hatoyama không đề ra một chiến lược hay kế hoạch hành động rõ ràng là khoảng trống chính trị lớn nhất trong 50 năm qua", Victor Cha, cự giám đốc tổ Các vấn đề châu Á tại Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ thêm vào.
Hai nhà phân tích đều không thừa nhận rằng "thất bại" hay hành động "nghiệp dư" của Tokyo là nhằm chống đối Washington. "Bất đồng này có thể làm giảm an ninh tại Đông Á trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập liên minh, tổ chức có ảnh hưởng tốt đối với khu vực", tờ The Economist còn thẳng thắn hơn. "Mặc dù là khó khăn cho chính quyền mới của Nhật, nhưng nó vẫn phải nhượng bộ phần lớn, dù không phải là tất cả, các vấn đề".
Chính quyền Hatoyama không hề cấp tiến hay phản Mỹ. Nước này không chuẩn bị yêu cầu tất cả, hay thậm chí là nhiều, căn cứ quân sự Mỹ phải đóng cửa. Nhật thậm chí còn không chuẩn bị đóng cửa bất cứ căn cứ nào khác trong số hơn 30 cơ sở tại Okinawa. Hành động chỉ khiêm tốn giới hạn ở Futenma, nơi chính phủ này thấy mình đang ở vị trí khó khăn giữa quan điểm phản đối của người dân và thái độ gây áp lực của Lầu Năm Góc.
Những ai muốn đạt được mục tiêu của Washington với Nhật Bản theo đường vòng thì chắc cần phải kiên nhẫn. "Nếu Mỹ gây khó dễ cho chính phủ Nhật Bản và tạo ra sự bực bội trong công chúng Nhật, thì chiến thắng ở Futenma có thể sẽ là chiến thắng phải trả giá quá đắt", Joseph Nye, chuyên gia về chính sách châu Á của Mỹ trong những năm chính quyền Clinton, viết. Nhật đang muốn Mỹ phải biết chờ đợi cho tới mùa hè, khi DPJ giành được thêm đủ số ghế trong cuộc bầu cử nghị viện tiếp theo, qua đó có thể "cắt giảm" bớt đối tác liên minh, nếu đảng này cho rằng động thái như vậy là cần thiết.
Ngay cả khi Đảng Dân chủ Xã hội không còn ở trong chính phủ nữa và vẫn tiếp tục đặt ra vấn đề căn cứ Okinawa, DPJ về cơ bản vẫn phải giải quyết vấn đề dân chủ. Người dân Okinawa vẫn một mực chống lại căn cứ mới. Cư dân Nago, nơi căn cứ đó sẽ được xây dựng, vừa bầu một thị trưởng mới. Trước đó, ông đã vận động tranh cử với cơ sở là "không căn cứ mới". Như thế, liệu một đảng có thể mang dân chủ thực sự tới Tokyo nhưng lại để bỏ bê Okinawa?
Đảo ngược chiến lược "nhảy đảo"
Tại bất cứ nơi nào ở nước ngoài nơi quân đội Mỹ đặt chân tới, nhiều phong trào đều đã "nổ ra" để phản đối những hậu quả về quân sự, xã hội và môi trường của các căn cứ quân sự đó. Phong trào phản căn cứ này đã đạt được một số thành công, như đóng cửa cơ sở hải quân Mỹ tại Vieques, Puerto Rico, năm 2003.
Tại Thái Bình Dương, phong trào cũng đã khá sôi nổi. Ngay sau khi núi lửa Pinatubo phun trào, các nhà hoạt động dân chủ tại Philippine đã vận động đóng cửa thành công căn cứ không quân Clark và căn cứ Hải quân trên vịnh Subic năm 1991-1992. Sau đó, các nhà hoạt động Hàn Quốc đòi được Mỹ phải giải tán căn cứ Yongsan lớn tại trung tâm Seoul.
Dĩ nhiên, đây chỉ là chiến thắng một phần. Washington sau đó đã đàm phán về một thỏa thuận Thăm viếng quân sự với Philippines, trong khi quân đội Mỹ đã tái triển khai quân đội và trang thiết bị tới hòn đảo, và thay thế căn cứ Yongsan bằng một căn cứ mới tại Pyeongtaek gần đó.
Nhưng những chiến thắng không phải sân sau này vẫn có ý nghĩa đủ lớn trong việc giúp Lầu Năm Góc dần chấp nhận học thuyết quân sự nhấn mạnh sự cơ động hơn là vị trí. Quân đội Mỹ giờ dựa vào "sự linh hoạt chiến lược" và "phản ứng nhanh" cả để chống lại nhưng mối đe dọa không lường trước và giải đối phó với tính hay thay đổi của đồng minh.
Chính phủ Hatoyama thực tế có thể "tập" cách nói không với Washington về vấn đề các căn cứ Okinawa. Rõ ràng xem xét khả năng này, cựu Thứ trưởng Quốc phòng và cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, Richard Armitage, đã nói rằng Mỹ "nên có phương án B". Nhưng chiến thắng cho phong trào chống căn cứ (NIMBY) sẽ vẫn chỉ là một khía cạnh. Các lực lượng Mỹ vẫn sẽ ở lại Nhật, đặc biệt là Okinawa, và Tokyo vẫn sẽ phải tiếp tục trả chi phí duy trì những lực lượng này.
Tuy nhiên, dù chỉ có được chiến thắng nhỏ này, phong trào NIMBY vẫn có khả năng phát triển tại Nhật Bản và trên khắp khu vực, tập trung vào các căn cứ khác trên Okinawa, trên đất liền Nhật Bản, và nơi khác trên Thái Bình Dương, trong đó có Guam. Thực tế, những cuộc phản đối đang nhen nhóm tại Guam, chống kế hoạch mở rộng căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Guam để làm nơi trú ngụ cho những lính thủy đánh bộ từ Okinawa. Điều này không khỏi làm các nhà hoạch định tại Lầu Năm Góc phải đau đầu.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã triển khai chiến lược "nhảy đảo" để di chuyển gần hơn vào đất liền của Nhật. Okinawa là đảo cuối cùng và cũng là trận đánh lớn cuối cùng cho chiến dịch đó, và số người đã hy sinh cuộc tranh đấu còn nhiều hơn cả trong trong vụ ném bom sau đó vào Hiroshima và Nagasaki cộng lại: 12.000 lính Mỹ, hơn 100.000 quân Nhật, và khoảng 100.000 dân thường Okinawa. Trải nghiệm lịch sử càng mài sắc thêm quyết tâm của những người yêu hòa bình trên đảo Okinawa.
"Cuộc chiến" hiện tại về Okinawa một lần tạo một hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và Nhật, một lần nữa người dân Okinawa có thể sẽ lại là nạn nhân. Nhưng có một cơ may là người Okinawa, giống như người Na’vi trong bộ phim Avatar, sẽ chiến thắng trong "trận" này.
Thắng lợi trong việc đóng cửa Futenma và ngăn cản xây dựng căn cứ mới có thể là bước đầu tiên trong quá trình làm đảo lộn chiến lược "nhảy đảo". Phong trào NIMPY có thể vào một ngày đó đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Nhật Bản và khỏi hòn đảo Okinawa.
Nhưng đó dĩ nhiên không phải là quá trình dễ dàng, và càng không thể xảy ra một sớm một chiều. Nhưng dòng chữ kanji (một dạng tiếng Nhật) đã ở trên tường. Ngay cả người Mỹ không biết các ký tự tiếng Nhật đó nghĩa là gì, họ ít nhất cũng phải biết được hướng nào mũi tên đang chỉ về.
-
John Feffer (đồng giám đốc Trung tâm Chính sách đối ngoại tại Viện Nghiên cứu chính sách và là tác giả nhiều bài báo cho mục World Beat)
Đình Ngân dịch