- “Giao Bộ Tài chính phối hợp với UBND TP.HCM xây dựng cơ chế đặc thù về quản lý, lập các ban ngành sao cho hiệu quả với thành phố 10 triệu dân. Về kiểm soát phương tiện giao thông, Chính phủ đồng ý cho thành phố thí điểm tăng mức đăng ký xe cá nhân; thí điểm lấy quỹ đầu tư hạ tầng giao thông chống ùn tắc” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Giao thông: Rất khó nói khi nào hết kẹt xe
TP.HCM sẽ chống kẹt xe bằng thu phí và phạt
Ngày 15/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thường trực Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM về những vấn đề “nóng” của thành phố.
Thủ tướng cho rằng một thành phố năng động, phát triển nhưng gặp thách thức không nhỏ bởi tình trạng ngập nước, kẹt xe ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Chính vì vậy, trong năm nay, TP.HCM cần thực hiện những bước đột phá về hạ tầng giao thông làm sao để kiềm chế và kéo giảm ùn tắc giao thông, ngập nước.
Muốn giải quyết vấn nạn kẹt xe, ùn tắc, Thủ tướng chỉ đạo cần phải rà soát các quy hoạch tổng thể, tính toán lại các dự án đã, đang thực hiện nhằm đảm bảo đúng tiến độ.
Theo kiến nghị của UBND TP.HCM, Thủ tướng chấp thuận cho điều chỉnh tăng mức phí đăng ký mới và cấp biển số xe ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách từ 2 triệu đồng lên 20 triệu đồng. Ban hành lệ phí lưu hành xe hàng năm đối với khu vực TP.HCM (mô tô, xe máy: 500.000 đồng/năm; xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt đông kinh doanh vận tải hành khách 5 triệu đồng/năm).
Thủ tướng xem bản đồ hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. Ảnh: Chinhphu.vn |
Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng được Thủ tướng chấp thuận cho điều chỉnh Nghị định 146 theo hướng quy định đặc thù của TP.HCM như tăng mức phạt thấp nhất từ 100.000 đồng lên 1 triệu đồng đối với xe ô tô dừng đỗ không đúng quy định; tăng mức phạt từ 80.000 đồng lên 500.000 đồng nếu xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…
Trong 3 hướng đột phá mà Thủ tướng chỉ đạo thành phố cần phải thực hiện ngay là đột phá về cơ chế quản lý, về nguồn nhân lực và về hạ tầng kỹ thuật thì TP.HCM gặp rào cản không nhỏ bởi hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Chẳng hạn, đường vành đai 3 là dự án cấp thiết liên quan đến các tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An cần do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Sau đó, dự án cần được phân đoạn đầu tư hợp lý, phân công trách nhiệm cho từng tỉnh, đơn vị cụ thể nhằm huy động tối đa các nguồn lực…
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) với các dự án trọng điểm phải được ưu tiên lên hàng đầu. Phải dành quỹ đất cho giao thông, tái định cư cho người dân ảnh hưởng bởi dự án… “Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ chỉ vì GPMB. Vì vậy, cần lên phương án GPMB trước cho các dự án chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất tái định cư cho người dân. Nếu không làm tốt khâu này, cứ loay hoay vướng GPMB rồi lại chậm tiến độ” - Thủ tướng chỉ đạo.
Muốn chống ùn tắc hiệu quả, TP.HCM cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp như xây dựng, hoàn thiện các qui định về quản lý đô thị. Việc xây dựng hệ thống giao thông động và tĩnh, bãi đỗ xe ngầm, trung tâm điều hành giao thông hoặc tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm để răn đe… cũng là cần thiết.
“Giao thông tĩnh cũng rất quan trọng, một đô thị lớn như TP.HCM mà chưa có bến đậu xe, bãi đỗ xe ngầm nào đàng hoàng. Chưa kể diện tích cho bãi đậu xe cứ bị hẹp dần, nhường chỗ cho khách sạn, cao ốc thì cần phải tính toán lại”, Bộ Trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nhận xét.
Liên quan đến các kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng đồng ý bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho một số dự án đầu tư trên địa bàn thành phố như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án xây dựng vành đai 3, xây dựng các tuyến đường trên cao, tuyến đường sắt đô thị số 5, các công trình kiểm soát nước triều dâng, xây dựng cơ chế kiểm soát nhập cư…
Đây là các dự án, biện pháp mang tính cấp bách, quan trọng cần được tiến hành đồng bộ trong mục tiêu chống ùn tắc ngập úng cho TP.HCM.
-
Thái Phương