- Một trong những nội dung của đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam" vừa được Thủ tướng phê duyệt là báo chí cần tăng thông tin, đổi mới hình thức tuyên truyền để khẳng định vị thế, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Một trong những mục tiêu của đề án là nâng cao nhận thức của người dân về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo.
Mỗi người dân sẽ là một đại sứ tiếp thị thương hiệu biển. Ảnh: Ngọc Lê
Các địa phương ven biển xây dựng chiến lược thương hiệu biển cho địa phương mình, tập trung vào các nhóm thương hiệu như: Các sản vật tự nhiên hoặc sản phẩm thủ công truyền thống; các khu dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; các địa điểm và quần thể tham quan ven biển, các khu bảo tồn biển, đất ngập nước...
Mỗi người dân sống ven biển sẽ trở thành "đại sứ tiếp thị" cho thương hiệu biển Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo thông qua việc tập huấn và trang bị tài liệu phổ biến những kiến thức pháp lý cơ bản về biển cho cán bộ trong lĩnh vực khai thác biển và dân ven biển.
100% xã, phường, thị trấn vùng ven biển, hải đảo được tuyên truyền để nâng cao nhận thức về nguy cơ, hiểm họa liên quan đến chính lợi ích người dân sống ven biển.
Theo đó, Nhà nước sẽ tổ chức cho phóng viên báo chí, người dân, học sinh, sinh viên, ngư dân và người lao động tham quan thực tế, nghe phổ biến hoặc xem phim tài liệu về các hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững một số hệ sinh thái biển.
Ngoài ra, người dân sẽ được trang bị kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển.
Các nội dung trên sẽ được làm từ nay đến năm 2015, với kinh phí dự kiến khoảng 175 tỷ đồng.
-
L. Nhung