- Trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 (từ 5 đến 9/4 tại Hà Nội) cho hay ASEAN sẽ tăng cường sử dụng các cơ chế và công cụ hiện có như Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực.
DOC là bản quy ước về ứng xử Biển Đông được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc hồi năm 2002. Văn bản này không có tính ràng buộc về pháp lý nhưng cũng đã bị Trung Quốc gạt ra khỏi chương trình nghị sự của ASEAN trong những lần họp thượng đỉnh nửa năm một lần của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong suốt năm ngoái.
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 16, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN, bao gồm 56 điểm đề ra chương trình hành động hợp tác của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh việc triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015 cũng như thực hiện liên kết nội khối, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN…
ASEAN cũng ra Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Ứng phó chung đối với Biến đổi khí hậu. Xin giới thiệu lược trích một vài nội dung thuộc Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị ASEAN:
Kết nối ASEAN
ASEAN nhất trí cần hành động khẩn trương ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm giúp ASEAN phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Theo đó quyết tâm triển khai hiệu quả những thỏa thuận hợp tác hiện có của ASEAN thông qua việc giám sát hiệu quả, tăng cường phối hợp, bảo đảm nguồn lực đầy đủ, và sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân. Nhất trí cần tập trung nỗ lực bảo đảm ổn định tài chính, tăng cường xây dựng và kết nối hạ tầng khu vực, thúc đẩy phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển…
ASEAN nhấn mạnh ưu tiên tăng cường kết nối trong ASEAN |
ASEAN nhấn mạnh ưu tiên tăng cường kết nối trong ASEAN, trong đó có việc cần hoàn thiện các kết nối còn thiếu về vận tải đường không, đường biển và đường bộ ở khu vực tiểu vùng Mekong và các tiểu vùng khác của ASEAN, tái khẳng định ưu tiên cho lĩnh vực giao thông vận tải, công nghệ thông tin, năng lượng và thuận lợi hoá để việc di chuyển thể nhân, hàng hoá và dịch vụ qua biên giới được suôn sẻ.
Duy trì vai trò trung tâm của ASEAN
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng và quyết tâm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang nổi lên và trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những biến chuyển nhanh chóng. ASEAN nhất trí với cách tiếp cận 2 chân kiềng, vừa ưu tiên thúc đẩy liên kết và xây dựng cộng đồng trong ASEAN, vừa tăng cường quan hệ đối ngoại và bảo đảm vai trò "chủ đạo" của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác khu vực. Nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chiến lược của ASEAN với các đối tác quan trọng và củng cố lập trường và cách tiếp cận chung của ASEAN đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu quan trọng.
ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đưa Hiến chương vào cuộc sống trên mọi phương diện. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh nhu cầu nâng cao tinh thần cộng đồng trong các dân tộc ASEAN và nhận thức về ASEAN của các đối tác cũng như trên thế giới.
Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC)
Tuyên bố nêu rõ : “Chúng tôi vui mừng ghi nhận những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong triển khai Kế hoạch Thực hiện APSC và giao cho các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao liên quan tăng cường sử dụng các cơ chế và công cụ hiện có của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố của các bên về Ứng xử ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC), và Công ước ASEAN về chống khủng bố và các văn kiện khác nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều phối và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan đa lĩnh vực trong phạm vi của APSC và nhu cầu có cách tiếp cận chiến lược trong quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể về APSC. Chúng tôi hoan nghênh Hội đồng APSC đã thông qua Kế hoạch tuyên truyền cho APSC trong tháng 1/2010”.
ASEAN nhắc lại cam kết thực hiện Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân (SEANWFZ) và Kế hoạch Hành động của Hiệp ước và thúc giục các quốc gia có vũ khí hạt nhân xem xét sớm tham gia Nghị định thư của SEANWFZ nhằm thúc đẩy hơn nữa Khu vực Phi Vũ khí Hạt nhân ở Đông Nam Á .
Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh tiến bộ đạt được trong đối thoại và hợp tác về quốc phòng trong khuôn khổ Hội nghị Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), cho rằng ADMM mở rộng sẽ giúp tăng cường sự hợp tác hiện có về an ninh và quốc phòng ở khu vực giữa ASEAN và các đối tác, phù hợp với tính chất mở, linh hoạt và hướng ra bên ngoài của ADMM. Theo đó, đồng ý về việc tổ chức ADMM+8 định kỳ và giao cho các Bộ trưởng Quốc phòng bảo đảm sớm thực hiện việc này.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)
ASEAN khẳng định lại các cam kết tự do hoá các dòng vốn với việc thông qua Kế hoạch Thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển thị trường vốn ASEAN thống nhất, nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của các nỗ lực đồng bộ về năng lượng và an ninh lương thực, tự do hoá vận tải, kể cả việc thành lập một thị trường hàng không duy nhất trong ASEAN vào 2015 như đã nêu trong Kế hoạch Thực hiện AEC và các hợp tác chuyên ngành khác.
Để thúc đẩy hơn nữa hơn nữa tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện theo đúng tiến độ các biện pháp được xác định trong Kế hoạch thực hiện của Cộng đồng Kinh tế ASEAN….
Ứng phó với biến đổi khí hậu của ASEAN:
ASEAN tái khẳng định mạnh mẽ cam kết tăng cường các nỗ lực ứng phó ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu với biến đổi khí hậu và các thách thức xuyên quốc gia khác.
Do Thỏa thuận Copenhagen có nhiều nước tham gia, các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu có tính toàn diện và ràng buộc về pháp lý về biến đổi khí hậu theo Lộ trình Bali nhằm đảm bảo thành công của Phiên họp thứ 16 (COP 16) Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung LHQ về Biến đổi khí hậu và Kỳ họp thứ 6 của các Bên tham gia Hội nghị hay còn gọi là Hội nghị các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP 6).
Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Ứng phó chung đối với Biến đổi khí hậu là một biểu hiện cụ thể cam kết chung của chúng tôi ứng phó với biến đổi khí hậu……
-
L.Thư