- Sắp tới, nếu người dân không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn giao thông, dừng đỗ xe, quay đầu xe không đúng chỗ trong nội thành Hà Nội và TP.HCM sẽ chịu mức xử phạt từ 40 - 200%, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ chiều nay (1/4).
Theo ông Trường, trong phiên họp thường kỳ vừa kết thúc hôm nay sau 3 ngày làm việc, Chính phủ đã đồng ý với các nội dung của dự thảo Nghị định thí điểm về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông cho Hà Nội, TP.HCM, đúng như 2 thành phố lớn này đề xuất lâu nay.
Thời gian thí điểm mức phạt đặc thù ở Hà Nội và TP.HCM sẽ kéo dài 3 năm. Ảnh: VNN |
Theo đó, một số hành vi vi phạm phổ biến của người dân khi tham gia giao thông sẽ bị tăng mức xử phạt. Thời gian thí điểm kéo dài trong vòng 36 tháng, hàng năm sẽ báo cáo Thủ tướng. Sau khi thí điểm, Chính phủ sẽ tổng kết đánh giá trước khi cho phép áp dụng lâu dài.
Cho vay theo cơ chế thỏa thuận lãi suất
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho hay, việc thực hiện lãi suất theo thỏa thuận sẽ được áp dụng với các khoản vay ngắn hạn, được áp dụng ở các dự án kinh tế cấp bách.
Chủ trương này sẽ được hiện thực hóa trong nghị quyết của Chính phủ, dự kiến ban hành ngày mai. Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đang bàn các biện pháp triển khai việc cho vay lãi suất theo thỏa thuận.
Từ ngày 26/2, cơ chế lãi suất thỏa thuận bắt đầu được áp dụng với các khoản vay trung dài hạn. Tuy nhiên, điều này cũng đã đẩy lãi suất cho vay thực tế lên cao.
Ông Tiến cho hay, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, phấn đấu thấp hơn năm 2009 và tạo mặt bằng lãi suất phù hợp với quan hệ cung - cầu theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất.
Giãn thời gian tăng giá xăng dầu lên 30 ngày
Đánh giá tình hình kinh tế, Thủ tướng cũng nhìn nhận, tình hình kinh tế quý I còn khó khăn, thể hiện ở việc thu hút đầu tư giảm mạnh. Kinh tế vĩ mô có biểu hiện chưa ổn định vững chắc. Tỷ số giá tiêu dùng quý I tăng khá cao. Thị trường tài chính, tiền tệ chưa ổn định, tăng trưởng tín dụng đạt chưa cao. Nhập siêu lớn tiếp tục ảnh hưởng đến cán cân thanh toán tổng thể.
Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô để giải quyết các vấn đề trên.
Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính phi ngân hàng; điều chỉnh bổ sung các quy định về quản lý rủi ro và an toàn tài chính, trước hết là đối với các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.
Bộ Công Thương đánh giá tình hình cung - cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, ngăn chặn kịp thời hiện tượng nâng giá các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, xi măng, thép.
Có mặt tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nói, Bộ này vừa trình Thủ tướng đề xuất giãn thời gian tăng giá xăng dầu lên 30 ngày và yêu cầu, nếu giá xăng dầu thế giới giảm, thì doanh nghiệp trong nước cũng phải giảm. Các DN trước khi tăng giá phải báo cáo với liên bộ để có biện pháp xử lý phù hợp.
"Đừng để các lĩnh vực khác lấy giá xăng dầu để tăng giá các mặt hàng của mình theo tâm lý tát nước theo mưa", ông Hiếu nói.
-
L. Nhung