- Hôm nay (5/4), tại Hà Nội, bắt đầu diễn ra các hội nghị trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 16 do Việt Nam chủ trì.
Ngoài Hội nghị cấp cao chính thức khai mạc chiều 8/4, từ ngày 5 đến 7/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, diễn ra các Hội nghị các quan chức cao cấp ngoại giao (SOM), quan chức cao cấp kinh tế (SEOM), quan chức cao cấp văn hóa xã hội (SOCA), các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM), Bộ trưởng Kinh tế (AEM), Bộ trưởng Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 16.
Bên lề các hoạt động chính thức, Việt Nam sẽ tổ chức một loạt các hoạt động văn hóa nghệ thuật và sự kiện nhằm quảng bá về ASEAN, đất nước, con người Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao chính thức của ASEAN cùng với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao chính phủ, trưởng đoàn các nước ASEAN.
Hà Nội chuẩn bị cho cuộc sinh hoạt chính trị thường niên lớn nhất của khu vực ASEAN. Ảnh : XL |
Hội nghị cấp cao ASEAN 16 là Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng hợp tác ASEAN.
Các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận các nhóm vấn đề lớn, bao gồm đẩy mạnh thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai Hiến chương khu vực, tăng cường hợp tác nâng cao năng lực của khu vực ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó tập trung vào thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển bền vững cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 16, các nước ASEAN sẽ chính thức thành lập Ủy ban ASEAN về việc đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em. Đây là một phần trong cơ chế Hội đồng nhân quyền ASEAN, được xúc tiến thành lập theo Hiến chương chung của khu vực.
Sau 4 thập kỷ tồn tại, ASEAN đã lớn mạnh, trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết, có vai trò quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và là đối tác không thể thiếu của các nước và các tổ chức lớn trên thế giới.
Trên nền tảng đó, ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác và tăng cường liên kết nhằm hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh dựa trên ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội vào năm 2015.
ASEAN đã lớn mạnh, trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết, có vai trò quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Ảnh: XL |
Với tổng diện tích khu vực 4,43 triệu km2, dân số gần 592 triệu người, ASEAN đang ngày càng gắn kết khi mở rộng và đi vào chiều sâu hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ chính trị - an ninh đến kinh tế - thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, khoa học - công nghệ…
ASEAN cũng thiết lập được quan hệ hợp tác nhiều mặt với các đối tác trong và ngoài khu vực thông qua các tiến trình như ASEAN+1, ASEAN+3 (với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Cấp cao Đông Á với 3 nước Đông Bắc Á và Ấn Độ, Australia, New Zealand, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)….
Việt Nam - nước chủ nhà ASEAN 2010 - là một trong 5 nước đầu tiên phê chuẩn Hiến chương ASEAN, đã tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình xây dựng cũng như triển khai các chương trình, kế hoạch trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Trong đó, đáng chú ý đó là vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN, hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á, mở ra giai đoạn hợp tác, hữu nghị cùng phát triển ở khu vực.
Với chủ đề xuyên suốt năm ASEAN 2010 “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ tầm nhìn tới hành động”, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam tích cực cùng các nước thành viên đẩy mạnh hành động triển khai các chương trình hợp tác nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng.
-
X.Linh