- Tuyên bố của Trung Quốc trong việc sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước hạ nguồn Mekong phần nào thể hiện thiện chí, nhưng sẽ cần làm nhiều hơn hứa hẹn.
>> Toàn cảnh: Khi dòng Mekong khát
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào khi tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) ngày 5/4 ở Hua Hin (Thái Lan) đã khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với các quốc gia hạn nguồn Mekong trong giảm nhẹ hạn hán và lũ lụt, chia sẻ kỹ thuật và thông tin thuỷ văn, trao đổi hợp tác đào tạo các chuyên gia thủy văn...
Mực nước sông Mekong, con sông dài nhất Đông Nam Á - đã xuống thấp nhất trong vòng 50 năm. Từ cuối năm ngoái, khu vực tây nam Trung Quốc và nhiều nơi thuộc 4 nước thành viên MRC: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã trải qua tình trạng khô hạn khắc nghiệt.
Lần đầu tiên sau 15 năm thành lập, MRC tổ chức Hội nghị cấp cao với sự tham dự của Thủ tướng các quốc gia thành viên và đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc, Myanmar (với tư cách là quan sát viên).
Giữa mùa khô cạn, câu chuyện sông Mekong trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Trung Quốc vẫn phủ nhận chuyện các con đập tác động tới lượng nước hạ nguồn Mekong. Ảnh: courrierinternational
Về phía Trung Quốc, trong suốt quá trình diễn ra các sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị, từ người đại diện tham dự Hội nghị quốc tế sông Mekong tới Thứ trưởng Ngoại giao tham dự cuộc gặp thượng đỉnh, đều dẫn chứng việc Trung Quốc cũng là "nạn nhân" của tình trạng hạn hán khắc nghiệt chưa từng xảy ra trong hàng chục năm nay và phủ nhận chuyện các con đập tác động tới lượng nước hạ nguồn.
"Các thống kê cho thấy, hạn hán gần đây xảy ra ở lưu vực sông Mekong là do thời tiết khô khắc nghiêt và mực nước sông Mekong giảm sút không liên quan tới việc phát triển thủy điện trên sông Lan Thương. Bản thân Trung Quốc cũng là nạn nhân của tình trạng khô hạn hiện tại", ông Tống Đào trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao MRC sáng 5/4 nhấn mạnh.
Dẫn chứng cho nỗ lực hợp tác, phía Trung Quốc nói tới chuyện kể từ giữa tháng 3 năm nay đã cung cấp cho MRC dữ liệu thủy điện tại hai trạm Cảnh Hồng và Mạn Loan. Ông Tống Đào còn đưa ra nhiều biện pháp mà ông nói là sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với MRC và các quốc gia hạ nguồn.
Còn Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, khoa học và công nghệ thuộc Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc Trần Minh Trung tại Hội nghị quốc tế sông Mekong (2-3/4) thì khẳng định, mực nước sông Mekong giảm kỷ lục là do thời tiết khô hạn và biến đổi khí hậu. Chỉ có 13,5% dòng chảy của sông Mekong là từ sông Lan Thương. Dòng chính Mekong chủ yếu từ khu vực trung và hạ nguồn, chiếm khoảng 86,5%.
Tuy nhiên, người dân các nước hạ nguồn, một số tổ chức quản lý tài nguyên nước thế giới, nhóm bảo vệ môi trường cho rằng, không thể phủ nhận tác động của việc xây dựng hệ thống đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) với mực nước hạ nguồn.
Trung Quốc cũng bị đổ lỗi trong tình trạng khan hiếm cá trên sông với lý lẽ: cá không thể bơi qua các đập thủy điện.
Trung Quốc cho rằng, các hồ chứa nước quá nhỏ để giữ lại lượng nước lớn. Đây là thực tế và thậm chí đập thủy điện còn có thể duy trì lượng nước trên một con sông và ngăn chặn các vấn đề liên quan tới lũ lụt, thảm họa.
Điều cần nói ở đây là cung cấp thông tin dữ liệu. Cho tới thời điểm hiện tại, dữ liệu về mực nước sông Mekong đoạn chảy trên lãnh thổ Trung Quốc trước và sau khi xây đập thủy điện vẫn chưa hề được công bố.
Bình luận về việc chấp thuận công bố dữ liệu về hai con đập nói trên, Giám đốc điều hành MRC Jeremy Bird nói: "Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc chia sẻ dữ liệu mùa kiệt với các nước hạ nguồn".
Bên lề Hội nghị quốc tế sông Mekong, quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam Nguyễn Ngọc Anh khẳng định, ngoài lý do thời tiết, không loại trừ vai trò của các hồ chứa thủy điện trong tình trạng hạn hán hiện nay.
"Bất kỳ hoạt động nào xảy ra trong lưu vực đều có tác động tới hạ lưu dù lớn hay nhỏ. Các đập thủy điện với tính năng giữ nước sẽ có những ảnh hưởng nhất định, kể cả tức thời hay trong quá trình vận hành hồ chứa. Năm 2003, khi Trung Quốc tiến hành hợp long đập Mạn Loan, Lào đã có phản hồi do chặn dòng khiến khô hạn xảy ra", ông nói.
Từ năm 1986-1993, Trung Quốc đã xây đập Mạn Loan ở một khu vực xa xôi và không có sự tham gia của bất kể nước nào vùng hạ nguồn. Đại lục tới nay vẫn không gia nhập MRC và chưa cung cấp thông tin về những dự án họ khai thác trên sông Mekong.
Cam kết hợp tác là điều cần thiết, nhưng nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ rằng, hạn hán đã đặt Trung Quốc dưới áp lực của các nước hạ nguồn khiến họ có động thái lần đầu tiên chia sẻ dữ liệu ở hai đập thủy điện.
Tuyên bố của Trung Quốc trong việc sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước hạ nguồn của Mekong phần nào thể hiện thiện chí của đại lục. Tuy nhiên, để tuyên bố thành một giải pháp thực tế, Trung Quốc sẽ cần phải làm nhiều hơn hứa hẹn.
-
Thái An