221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1271018
"Ngụy trang" cho lý lẽ phát triển thủy điện
1
Article
null
'Ngụy trang' cho lý lẽ phát triển thủy điện
,

Những con đập lớn có sức tàn phá môi trường và xã hội ghê gớm. Dù có rất nhiều lựa chọn thay thế, tại sao các quốc gia cứ xây đập?

Một ngày tháng 5 nóng bức, anh nông dân Bounsouk nhìn qua bên kia một vùng nước mênh mông trước mặt, đó là hồ chứa 450km² đằng sau đập Nam Theun 2 ở Lào. Giữa lòng hồ là nơi anh từng sinh sống, cấy lúa, chăn trâu, hái lượm hạt, trái cây rừng, thảo dược. Giờ đây chỉ toàn là nước, nước ở mọi nơi.

Anh nói: "Trước khi người ta dồn nước, tôi có thể trồng đủ lúa để nuôi sống gia đình và tôi có 10 con trâu. Tôi thích những ngôi nhà mới, vui khi có điện ở ngôi làng mới, nhưng chúng tôi không có đủ đất, mà chất đất thì lại quá kém. Giờ đây tôi không thể trồng ra đủ gạo cho gia đình tôi nữa, 3 con trâu đã chết vì thiếu thức ăn".

Bounsouk là một trong 6.200 người địa phương có đất được sử dụng để dồn nước cho dự án Thủy điện Nam Theun 2 ở đất nước nhỏ bé của vùng Đông Nam Á này. Câu chuyện của anh cũng chỉ là chuyện được kể đi kể lại trong khu tái định cư của dự án. Người dân nhìn chung vui vẻ với căn nhà mới, với điện, đường sá thuận lợi, nhưng lại thiếu lựa chọn để có thu nhập ở vùng đất xa xôi đó, khiến tương lai của họ trở nên hết sức u ám.

Đập lớn thường gây ra những tổn hại lớn tới xã hội, môi trường và phải đánh đổi bằng những chi phí kinh tế dài hạn, như mất đi nghề cá, tiềm năng du lịch và nhấn chìm nhiều đất rừng, đất nông nghiệp.

Đập mạn Loan năm 2007. Ảnh: Savuth
Đập mạn Loan năm 2007. Ảnh: Savuth

Theo Ủy ban đập nước thế giới, hầu hết các dự án đều không thể bù đắp thỏa đáng cho người bị ảnh hưởng cho những mất mát của họ và không làm giảm nhẹ những ảnh hưởng về môi trường. Người dân vùng có đập xây dựng hiếm khi có tiếng nói đáng kể về việc có nên xây đập hay xây đập như thế nào, và cũng gần như không hề nhận được phần xứng đáng từ lợi nhuận của dự án.

Nhưng Electricité de France, công ty xây dựng đập Nam Theun 2, cùng với Chính phủ Lào, Ngân hàng Thế giới, và các ngân hàng khác đã cam kết, Nam Theun 2 sẽ khác. Họ gọi đó là "dự án giảm nghèo". Công ty này cam kết đảm bảo thu nhập của những cộng đồng trong vùng ảnh hưởng. Ngân hàng Thế giới cho rằng, Chính phủ Lào vốn đang thiếu thốn về tài chính sẽ sử dụng doanh thu từ xuất khẩu điện từ Nhà máy Nam Theun cho Thái Lan hoàn toàn để làm lợi cho người nghèo.

Những lời hứa này giúp "ván đóng thuyền", đưa tới các công ty phát triển, ngân hàng và các công ty tín dụng xuất khẩu châu Âu, cùng với hàng trăm triệu đôla trợ cấp, cho vay, bảo hiểm cho dự án 1,45 tỷ đôla này, khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Lào từ trước tới nay.

Nhưng trong khi điện từ Nhà máy Nam Theun 2 đã bắt đầu được xuất khẩu, thì các chương trình xã hội và môi trường vẫn giậm chân tại chỗ, khiến cho cuộc sống của các dân làng Lào càng thêm lao đao.

Những thỏa thuận pháp lý đã bị vi phạm, còn các cam kết về xã hội, môi trường thì bị phá bỏ. Theo nét "đặc trưng" của các dự án thủy điện trên toàn thế giới, lời hứa để "lấy lòng" dân cho dự án sau đó gần như đều không được những người thực hiện dự án và chính phủ thực hiện.

Xuôi xuống, hơn 120.000 người đang "chờ" để xem cuộc sống của mình sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi dự án đi vào hoạt động đầu năm 2010. Họ có thể sẽ phải gánh chịu những tác động nặng nề nhất từ dự án, trong đó có việc mất đi cá, ngập lụt các khu vườn bên bờ sông, và các vấn đề chất lượng nước. Tuy thế, những chương trình đảm bảo cuộc sống ở khu vực này lại không được đầu tư đúng mức, trong khi hoạch định thì yếu kém.

Thay vì là mô hình mới cho phát triển thủy điện, những gì đang diễn ra ở Nam Theun 2 cho tới nay chỉ càng làm thấm thía hơn bài học rút ra từ những dự án thủy điện lớn trên thế giới. Thay vì tạo ra hy vọng cho tương lai, Nam Theun 2 còn tạo ra mối đe dọa còn hơn thế: lời hứa dở dang, cuộc sống đảo lộn, hệ sinh thái bị tàn phá.

Bùng nổ thủy điện

Ngành xây dựng đập nước đang gán mác "thân thiện với môi trường" cho các thủy điện hòng thuyết phục thế giới rằng thế hệ các đập tiếp theo sẽ tạo thêm nguồn năng lượng sạch và giúp giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ở một vài trong những lưu vực sông có dòng chảy tự do lớn cuối cùng của thế giới như Amazon, Mekong, Congo, và các sông Patagonia, các chính phủ đang dựng lên hàng loạt các đập lớn, tất cả đều được "ngụy trang" bằng năng lượng sạch.

Sau thời gian tạm lắng khoảng một thập kỷ, "phong trào" xây dựng đập trên thế giới giờ đây lại nở rộ, được thúc đẩy bởi những luồng vốn mới từ Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, Ấn Độ, và các nước có thu nhập trung bình khác.

Đặc biệt, các thể chế tài chính Trung Quốc đã thay thế Ngân hàng Thế giới để trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án đập thủy điện trên toàn cầu. Các ngân hàng và công ty Trung Quốc tham gia xây dựng khoảng 216 đập lớn (đập lớn là đập cao ít nhất 15m, hoặc từ 5m-15m với dung tích bể chứa ít nhất 3 triệu m³) ở 49 quốc gia khác nhau, đặc biệt là ở châu Phi và Đông Nam Á.

Hãy nhìn vào hoạt động xây dựng đập mạnh mẽ tại Trung Quốc trên sông Mekong sẽ thấy những rủi ro tiềm ẩn.

Ngay tại Trung Quốc cũng đã có hơn 25.000 đập lớn, chiếm khoảng một nửa con số thế giới. Những dự án này đã khiến hơn 23 triệu người phải chuyển nhà, chuyển đất. Khoảng 30% sông Trung Quốc bị ô nhiễm nặng với các chất thải, phế phẩm nông nghiệp và khai mỏ, các chất hóa học công nghiệp, và dòng chảy của một số sông (như sông Vàng) đã thay đổi nhiều đến mức chúng không còn đổ ra được tới biển nữa.

Sông có dòng chảy tự do với lượng oxy đủ và cân bằng dinh dưỡng tự nhiên có thể làm biến mất hoặc làm giảm chất độc từ các chất gây ô nhiễm, đập nước làm phức tạp thêm vấn đề ô nhiễm khi làm giảm khả năng xả sạch các chất gây ô nhiễm, và bởi vì các hồ chứa tích tụ chất ô nhiễm ở thượng nguồn và nhấn chìm trước khi làm thối rữa thảm thực vật. Nước sau đó xả ra có thể nhiễm độc rất cao và gây nên những ảnh hưởng rất lớn về mặt sinh thái và sức khỏe con người ở hạ nguồn.

Mặc dù không có nhiều tài liệu về việc xây đập ở Trung Quốc, nhưng chính phủ nước này có những kế hoạch mở rộng sản xuất thủy điện đầy tham vọng, tăng gấp đôi công suất lên 250.000 megawat vào năm 2020. Các thác thủy điện lớn được kiến nghị và đang được xây dựng ở một số lưu vực sông nguyên thủy và đa dạng nhất ở miền tây bắc xa xôi của nước này.

Đập Tam Hiệp, có lẽ là con đập nổi tiếng nhất thế giới, sản xuất ra lượng điện tương đương với khoảng 25 nhà máy nhiệt điệt. Nhưng cái giá phải trả cũng không phải là nhỏ.

Hơn 1,3 triệu người đã phải chuyển đi để nhường đất cho con đập. Hàng trăm nghìn người trong số này chỉ nhận được những lô đất nhỏ khô cằn hoặc bị chuyển tới các khu nhà ổ chuột ở thành phố với khoản tiền đền bù và nhà cửa ít ỏi.

Những người tái định cư tại các thị trấn ở rìa hồ Tam Hiệp đã chứng kiến bờ sạt lở tại không dưới 91 vị trí, làm chết không ít người và khiến cả các ngôi làng lại phải di dời.

Thật không may, đập Tam Hiệp chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Ở tây nam Trung Quốc, ít nhất 114 con đập trên 8 dòng sông của vùng đang được kiến nghị xây xựng hoặc đang trong quá trình phát triển, như sông Lan Thương (thượng lưu Mekong), sông Nu (thượng lưu sông Salwee), và sông Jinsha (thượng nguồn sông Yangtze).

Nhiều trong số các dự án này thuộc loại lớn nhất trên thế giới, với những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh thái sông, di chuyển hàng trăm nghìn người các dân tộc thiểu số và quan ngại về sự an toàn ở các nước hạ nguồn. Một số dự án thì ở trong hoặc sát ngay khu Di sản văn hóa thế giới sông Tam Giang, đe dọa hủy hoại sinh thái của một trong những khu vực đa dạng sinh học và kỳ thú nhất trên thế giới.

Trong những điều đáng lo ngại là nguy cơ các đập ở tây nam Trung Quốc có thể gây ra động đất. Bằng chứng mới đây cho thấy rằng, trận động đất kinh hoàng 7,9 độ richter ở Tứ Xuyên hồi tháng 5/2008, làm chết khoảng 90.000 người, có thể do đập Zupingpu gây ra.

Theo nhà nghiên cứu biến động địa chất Christian Klose tại Đại học Columbia, "khoảng vài trăm tấn nước lưu trữ sau đập Zipingpu đã đặt quá nhiều áp lực lên đường đứt đoạn ở huyện Bắc Xuyên". Các nhà nghiên cứu địa chất xác định rằng, sức nặng của hồ nước (325 triệu tấn) đã đè lên các đường rãnh nứt nằm sâu trong lòng đất, ép hai bờ của rãnh nứt chồng chéo lên nhau, gây va chạm và sau đó khiến chúng tách rời nhau, tạo ra động đất.

Nhiều dự án đập của Trung Quốc được xây dựng trên các sông quốc tế, mà không có những đánh giá về ảnh hưởng tiềm tàng "xuyên biên giới". 8 con đập đang được xây dựng trên sông Lan Thương sẽ làm thay đổi đáng kể chu kỳ lũ lụt/hạn hán tự nhiên của sông Mekong và ngăn cản sự di chuyển cặn lắng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và nguồn sống của hàng triệu người sống ở hạ nguồn tại Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Những biến động mực nước và suy giảm các loài cá do 3 đập đã hoàn thiện gây ra đã được ghi nhận tại biên giới Thái Lan - Lào. Mặc dù vậy, việc xây dựng vẫn tiếp tục mà các nước láng giềng ở cuối sông không hề được hỏi ý kiến, không có đánh giá về những ảnh hưởng tiềm tàng đối với con sông và người dân sống hai bên bờ sông.

Trong khi đó, dưới hạ nguồn Mekong, Chính phủ Lào, Thái Lan, và Campuchia đều đang lên kế hoạch xây dựng cho mình tới 11 con đập trên sông, và nhiều đập nữa trên các nhánh sông. Những dự án này đang được các nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan đề xuất, với khoản tài trợ từ các thể chế tài chính nhà nước hoặc tư nhân ở nước mình. Tăng trưởng vốn ở khu vực càng làm bùng nổ những dự án này, mà trước đó vẫn phải nằm trên bàn dự thảo hàng thế kỷ nay.

Khoảng 60 triệu người sống dựa vào con sông để kiếm con cá, làm thủy lợi, đi lại và lấy nước sinh hoạt. Người dân khu vực vẫn gọi với hai tiếng thân thương là "sông Mẹ", sông Mekong là một trong những con sông đa dạng cá nhất trên thế giới, đứng thứ 2 chỉ sau sông Amazon.

Các loài cá này là nguồn cung cấp protein chính cho người dân sống ở lưu vực Mekong, và thu hoạch cá hằng năm đạt giá trị tới 2 tỷ đôla. Nếu được xây dựng, các đập này sẽ phá hoại nghiêm trọng hệ sinh thái của dòng sông và ngăn cản di cư lớn của các loài cá, vốn đảm bảo an ninh lương thực tại khu vực và tạo thu nhập cho hàng triệu người.

Tham nhũng

Nếu các con đập còn tiếp tục tàn hệ sinh thái và cướp đi sinh mạng con người, thì ngày càng trở nên nguy hiểm hơn trong một thế giới vốn đang ấm lên thì tại sao người ta lại cứ tiếp tục xây? Và tại sao chúng lại được ngợi ca là nguồn năng lượng tái xanh và tái tạo?

Một trong những lý do chính là hai chữ "lợi lộc": Trong ngành thủy điện, có không ít lợi lộc đối với mạng lưới các nhà tư vấn, quan chức nước xây thủy điện, từ việc lên kế hoạch, xây dựng và vận hành các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Những sự hấp dẫn này át đi những ảnh hưởng tới con người, hệ sinh thái và nhu cầu phát triển nền kinh tế bền vững giữa lúc cuộc khủng hoảng nước và lương thực leo thang.

Các nhà tư vấn ngành và các công ty thiết kế, đảm nhận các nghiên cứu khả thi và đánh giá ảnh hưởng môi trường, biết rằng họ cần phải nhận xét dự án theo hướng "tạo điều kiện" nếu họ muốn có được những hợp đồng trong tương lai. Không có đánh giá toàn diện các lựa chọn thay thế, họ khẳng định rằng các ảnh hưởng có thể được giảm nhẹ đi và dự án đó chính là lựa chọn tốt nhất thỏa mãn nhu cầu của đất nước.

Rõ ràng, tham nhũng đóng một vai trò quan trọng. Ở Trung Quốc, các quan chức địa phương tham nhũng đã đút túi hàng triệu đôla đáng lẽ được dành cho những người phải di cư khi xây đập Tam Hiệp. Ít nhất 349 người đã bị phát hiện biển thủ khoảng 12% ngân sách tái định cư của dự án.

Vậy có lối thoát nào không? Một cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ và chuyển giao công nghệ cùng với hỗ trợ tài chính sẽ là chìa khóa cho phép các nước đang phát triển bước tới một học thuyết năng lượng bền vững của thế kỷ 21.

Các chính phủ cần hành động dứt khoát và phối hợp chặt chẽ với nhau, bởi lẽ sông Mẹ "khỏe", hệ sinh thái mới cân bằng chứa đựng những lợi ích vô giá.

  • Aviva Imhof là giám đốc vận động của tổ chức International Rivers, một tổ chức môi trường và nhân quyền có trụ sở tại Berkeley, California.
  • Đình Ngân dịch
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,