Sau Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Washington, Tổng thống Obama đã có cuộc họp báo, trong đó ông giải đáp những thắc mắc của phóng viên xung quanh những vấn đề được thảo luận, kết quả đạt được và thách thức sau hội nghị.
Hãng CBS: Thông cáo không phát rõ ràng rằng tất cả sự hợp tác chưa từng có mà ông đang kêu gọi sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện chứ không phải là một cam kết ràng buộc. Liệu có khả năng các nước vốn mâu thuẫn về những vấn đề này từ lâu nay giờ đây sẽ hợp tác với nhau? Làm sao để điều này có thể được thực thi?
Tổng thống Obama: Hãy lấy một ví dụ cụ thể. Từ khoảng 10 năm nay, chúng ta đã khuyến khích Ukraine hoặc là di dời chất uranium làm giàu cao đi hoặc là biến đổi thành uranium làm giàu cấp thấp hơn.
Và một phần bởi vì hội nghị này, Ukraine đã lựa chọn cách làm đó, tuyên bố sẽ hoàn tất bước đi này trong khoảng 2 năm nữa. Vì thế, tất cả những cam kết mà chúng tôi nói tới là những cam kết chúng tôi đã đăng ký rồi, ngay cả trước khi thông cáo và kế hoạch làm việc được đưa ra.
Điều đó cho thấy mức độ mà tôi nghĩ rằng thực tế sẽ có thống nhất hoàn toàn mạnh mẽ về tầm quan trọng của vấn đề như là mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế và toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị An ninh hạt nhân ngày 13/4. Ảnh: AP |
Hiện nay, hãy nhớ rằng chúng ta cũng có nhiều điều ước quốc tế. Không phải tất cả đều đã được thông qua. Thực tế, Mỹ cần thúc đẩy một số điều ước đối phó với những vấn đề khủng bố và buôn lậu hạt nhân. Nhưng những gì hội nghị này làm được đã khởi đầu cho một kế hoạch táo bạo.
Và những gì khiến tôi được khích lệ là thực tế rằng chúng ta đã thấy các nỗ lực từng bị trì hoãn nhiều năm qua, trong một số trường hợp, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, cuối cùng lại đạt được kết quả ở đây, tại hội nghị này.
CBS: Vậy có phải tất cả dựa vào sự thiện chí không, thưa ông?
Tổng thống Obama: Điều quan trọng là chúng ta có các nhà lãnh đạo thế giới ở đây, những người vừa tuyên bố rằng, thực tế đây là cam kết họ đã đưa ra. Tôi tin rằng họ sẽ nhìn nhận các cam kết của mình một cách hết sức nghiêm túc.
Nếu những gì ông đang hỏi là chúng ta có một cơ chế thực thi pháp luật "một thế giới" trên toàn cầu hay không, thì chúng ta không có. Chúng ta không bao giờ có được.
Vì thế, trong tất cả những nỗ lực của chúng ta trên toàn cầu, trong mọi điều ước chúng ta ký, chúng ta đều dựa vào thiện chí về mặt của các bên tham gia ký kết vào các nỗ lực đó. Đó là bản chất của quan hệ quốc tế.
ABC: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, về chương trình hạt nhân của Iran, áp lực và trừng phạt không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Tôi tự hỏi, liệu ông có thể làm rõ chính xác điều gì ông tin tưởng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đồng tình với, liệu ông có nghĩ rằng thực tế có những lệnh trừng phạt kinh tế mà Trung Quốc sẽ tán thành; và những gì ông nói với Trung Quốc về những quan ngại của họ đối với việc họ mua rất nhiều dầu từ Iran, Mỹ có thể giúp gì cho họ trong khía cạnh này?
Tổng thống Obama: Đây là những gì tôi biết. Trung Quốc vừa cử các đại diện chính thức tới các cuộc đàm phán ở New York để bắt đầu quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết trừng phạt. Đó là một phần trong nỗ lực của P5+1.
Mỹ không phải đơn độc thúc đẩy quá trình này; chúng ta đã có sự tham gia của Nga cũng như các thành viên khác của P5+1, tất cả đều tin rằng việc chúng ta gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới Iran là hết sức quan trọng, việc họ liên tục vi phạm nghị quyết Hội đồng Bo an LHQ cũng như các quy định theo NPT sẽ có những hậu quả, và rằng họ có con đường tốt hơn để lựa chọn.
Trung Quốc rõ ràng quan ngại về những hậu quả mà điều này có thể gây ra đối với nền kinh tế nói chung. Iran là nước sản xuất dầu. Tôi nghĩ nhiều nước trên thế giới có quan hệ với Iran. Và chúng tôi ý thức được điều đó.
Nhưng những gì tôi nói với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và với mỗi nhà lãnh đạo trên thế giới mà tôi hội đàm là thông điệp phải hướng tới điều gì đó, phải có những hậu quả nào đó. Và nếu chúng ta nói NPT là quan trọng, không phổ biến hạt nhân là quan trọng, thì khi những quy định đó bị vi phạm liên tục, cộng đồng quốc tế cần phải ngồi lại với nhau.
Những gì tôi nói là, nếu xét tới vị trí chúng ta đang ở 1 năm trước đây, về triển vọng của các lệnh trừng phạt, thực tế chúng ta đã có Nga và Trung Quốc, cũng như các thành viên P5+1 khác thảo luận nghiêm túc xung quanh cơ chế trừng phạt, tiếp sau cơ chế trừng phạt nghiêm túc đã được thông qua khi CHDCND Triều Tiên vi phạm các quy định của NPT, đó là dấu hiệu về mức độ mà ngoại giao quốc tế khiến cho chúng ta có thể cô lập những nước đang vi phạm luật pháp quốc tế này.
Tôi đã nói nhiều lần rằng, theo NPT, Iran có quyền phát triển năng lượng hạt nhân dân sự hòa bình - như các nước tham gia ký kết NPT. Nhưng xét tới những lần liên tục vi phạm mà chúng ta đã thấy về phía Iran, tôi nghĩ rằng có thể dễ hiểu khi cộng đồng thế giới nghi ngờ cam kết của họ đối với chương trình năng lượng dân sự hòa bình.
Họ có cơ hội để lấy lại lòng tin. Ví dụ, chúng tôi đề ra cho họ một giải pháp hết sức hợp lý, cho phép họ tiếp tục nhu cầu năng lượng hạt nhân hòa bình dân sự, nhưng phải xóa đi những quan ngại xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Cho tới nay, họ vẫn từ chối. Đó là lý do tại sao điều đó lại quan trọng. Chúng ta sẽ đi theo chiến lược đối phó song hành và một phần của chiến lược đó là đảm bảo có một cơ chế trừng phạt.
Điều cuối cùng tôi muốn nói về lệnh trừng phạt. Đôi khi tôi nghe thấy rằng lệnh trừng phạt không thực sự có hiệu quả. Lệnh trừng phạt không phải là cây đũa thần. Những gì người ta hy vọng lệnh trừng phạt đạt được là làm hay đổi tính toán của một nước như Iran để họ thấy rằng có nhiều rủi ro và không lợi gì khi theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân.
Trong quá trình đó, những gì chúng tôi hy vọng là, nếu cái giá trở nên quá cao và cái lợi thì quá thấp, rằng việc họ đưa ra quyết định đúng đắn, đúng lúc không chỉ vì sự an ninh và thịnh vượng của thế giới, mà còn vì chính người dân của họ.
Washington Post: Ông thường nói về sự cần thiết phải đặt chính sách của Mỹ trong sự phù hợp với trách nhiệm của Mỹ trong các điều ước quốc tế để xóa đi cảm giác đạo đức giả mà một số nước trên thế giới nhìn về nhận Mỹ và đồng minh. Theo tinh thần đó và theo cách nghĩ như vậy, liệu ông có sẽ kêu gọi Israel công bố chương trình hạt nhân của mình và ký vào Hiệp ước không phổ biến hạt nhân hay không? Và nếu không, tại sao các nước khác sẽ không coi điều đó là điều khuyến khích họ không ký vào hiệp ước mà ông nói là cần phải củng cố?
Tổng thống Obama: Là thành viên của NPT, trách nhiệm của chúng ta với vai trò là cường quốc hạt nhân lớn nhất trên thế giới là phải thực hiện các biện pháp cắt giảm kho dự trữ hạt nhân của chúng ta. Và đó là những gì hiệp ước START quy định - gửi đi tín hiệu rằng chúng ta sẽ làm đúng trách nhiệm của chúng ta.
Đối với Israel, tôi sẽ không bình luận về chương trình của họ. Những gì tôi chỉ ra là chúng ta trước sau như một luôn hối thúc tất cả các nước trở thành thành viên của NPT.
Vì thế, không có mâu thuẫn nào ở đây. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là có cách tiếp cận toàn cầu mang tính phổ quát và dựa trên 3 trụ cột: những nước nào trong chúng ta có vũ khí hạt nhân đang nỗ lực cắt giảm số kho dự trữ một cách nghiêm túc; tất cả chúng ta đang cùng chống lại sự phổ biến vũ khí hạt nhân và những nước hiện đang không có vũ khí hạt nhân quyết định không theo đuổi vũ khí hạt nhân; và tất cả các nước có quyền được tiếp cận năng lượng hạt nhân dân sự.
Vì thế, dù chúng ta có đang nói về Israel hay bất kỳ nước nào khác, chúng tôi nghĩ rằng trở thành thành viên của NPT là quan trọng. Và đó không phải là quan điểm mới. Đó là quan điểm nhất quán của chính phủ Mỹ ngay cả trước chính quyền của tôi.
AFP: Trong cuộc gặp của ông với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông ấy có đưa ra dấu hiệu nào rằng ông ấy sẽ lưu tâm lời kêu gọi để tỷ giá đồng nhân dân tệ mang tính thị trường hơn? Nếu có một sự thay đổi, khi nào ông nghĩ điều đó xảy ra? Những gì diễn ra trong vài tuần gần đây có giúp ông vượt qua giai đoạn sóng gió trong bất đồng chính phủ với Trung Quốc?
Tổng thống Obama: Thực tế là quan hệ giữa chính phủ của tôi với chính phủ Trung Quốc đã trở nên rất tốt đẹp trong 1 năm rưỡi trở lại đây. Chúng tôi đã bắt đầu hợp tác trên các diễn đàn quốc tế - mà lần đầu tiên là tại London với hội nghị G20.
Tôi khi đó, ngoài các cuộc gặp song phương mà chúng tôi có được, đã làm việc với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để thực hiện cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế liên quan tới tất cả các lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác. Tôi đã có chuyến thăm tới Trung Quốc mà cả hai chúng tôi đều coi là thành công.
Hiện nay, có một số lĩnh vực chúng tôi còn bất đồng. Những bất đồng này không phải là mới, và tôi phải nói rằng sự rối loạn, như ông diễn tả, diễn ra thực tế tương đối khiêm tốn khi ông nhìn vào toàn bộ quá trình quan hệ Mỹ - Trung.
Tôi muốn nói là, hợp tác trên bất cứ mặt nào đều có lợi cho cả hai nước, và chúng ta không chỉ có mối quan hệ song phương quan trọng mà chúng ta còn là hai quốc gia rất quan trọng trong các cơ cấu đa phương giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu và kinh tế thế giới nói chung.
Về vấn đề tiền tệ, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng tôi có cuộc nói chuyện thẳng thắn. Là một phần của quá trình G20, tất cả chúng ta đều ghi nhận rằng tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu sẽ quan trọng đối với cả tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn ngừa khủng hoảng trong tương lai. Và Trung Quốc, giống như Mỹ, đã đồng tình về khuôn khổ đó.
Chúng tôi tin rằng một phần của việc tái cân bằng bao gồm việc bảo đảm tiền tệ được định giá theo đúng giá trị thị trường và không tạo cho bất cứ nước nào lợi thế so với nước kia.
Tôi hiểu rõ thực tế rằng đồng nhân dân tệ bị định giá thấp và quyết định của chính Trung Quốc trong những năm trước - bắt đầu thay đổi cách tiếp cận mang tính định hướng thị trường hơn - là đúng đắn. Tôi đã truyền đạt điều đó một lần nữa với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Tôi nghĩ, Trung Quốc đã đúng đắn khi coi vấn đề tiền tệ là vấn đề chủ quyền. Họ chống lại áp lực từ quốc tế khi họ bị buộc đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá của mình.
Nhưng tôi tin rằng thực tế việc đạt được việc tái cân bằng này nằm trong lợi ích của Trung Quốc, bởi vì theo thời gian, Trung Quốc sẽ thay đổi từ nền kinh tế hoàn toàn định hướng xuất khẩu, chuyển sang hướng nền kinh tế chú trọng tiêu dùng và sản xuất trong nước, và sẽ ngăn cản bong bóng hình thành từ trong nền kinh tế. Tất cả điều đó sẽ được tạo thuận lợi hơn với cách tiếp cận tiền tệ định hướng thị trường hơn.
Vì thế, dù tôi không có một lịch trình, nhưng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đưa ra quyết định mà cuối cùng sẽ đảm bảo lợi ích tốt nhất của họ.
AP: Thưa Tổng thống, vài phút trước, khi ông giải thích mục đích trừng phạt Iran, ông nói rằng điều quan trọng là phải thay đổi được tính toán của chính quyền Iran, dẫn tới thay đổi thái độ. Tại sao điều này chưa diễn ra với trường hợp CNDCND Triều Tiên, nước cũng giống như Iran, thực tế đã có vũ khí hạt nhân?
Tổng thống Obama: Tôi sẽ không trình bày với ông một bài bình luận hoàn chỉnh về thái độ của CHDCNH Triều Tiên. Tôi nghĩ, công bằng mà nói, CHDCND Triều Tiên đã lựa chọn con đường tự cô lập nghiêm trọng, gây ảnh hưởng ghê gớm đối với người dân của họ, và chúng ta hy vọng, áp lực đặt lên CHDCND Triều Tiên, ví dụ, phải cải thiện tình hình kinh tế để phá vỡ sự cô lập sẽ dẫn tới việc họ trở lại bàn đàm phán 6 bên và chúng ta sẽ thấy họ thay đổi thái độ.
Như tôi đã nói, lệnh trừng phạt không phải là cây đũa thần. Thật không may, không có gì trong quan hệ quốc tế có thể là cây đũa thần. Nhưng tôi nghĩ rằng biện pháp mà chúng ta đã lựa chọn đối với CHDCND Triều Tiên khiến họ có khả năng sẽ thay đổi hơn nếu không có tác động nào đối với việc họ thử vũ khí hạt nhân.
Bloomberg: Nói về tiến bộ ông đã dẫn ra trong những ngày gần đây về nghị trình chính sách đối ngoại, ông cảm thấy đã đạt được những mục tiêu chính trị đến đâu để đi xa hơn trên trường quốc tế trong thời gian còn lại của năm nay, có lẽ để làm sống lại một số sáng kiến tại các điểm nóng như Trung Đông hay một số nơi nào đó?
Tổng thống Obama: Tôi nghĩ công việc chúng ta đã làm trong những ngày gần đây xung quanh vấn đề an ninh hạt nhân và giải trừ hạt nhân về thực chất là tốt. Và vì thế, tôi rất hài lòng với những tiến bộ chúng ta đã đạt được.
Chúng ta không thể làm việc này nếu không có sự hợp tác đặc biệt từ Tổng thống Medvedev khi đạt được hiệp ước START, và sau đó từ các đồng nghiệp của tôi, những người hôm nay ở đây khi diễn ra Hội nghị An ninh hạt nhân này.
Có quá nhiều thách thức chúng ta phải đương đầu trên thế giới ngày nay không thể giải quyết được bởi một quốc gia đơn lẻ. Nhưng tôi nghĩ rằng sự lãnh đạo của Mỹ là quan trọng để đưa các vấn đề lên các chương trình nghị sự quốc tế và phối hợp với các nước khác để có được một giải pháp hiệu quả.
Có nhiều vấn đề khác cần phải xử lý. Một điểm quan trọng được ghi nhận trong thông cáo là chúng ta đang nói tới ở đây về các công cụ trong một cuộc chiến hay khủng bố tiềm tàng, nhưng rõ ràng, cũng có những lý do, nhân tố và lời bào chữa cho xung đột, cũng cần phải giải quyết.
Tôi vẫn cam kết là một đối tác với các nước trên thế giới, đặc biệt tại các điểm nóng toàn cầu, để thấy liệu chúng ta có thể hạ bớt những căng thẳng này và giải quyết hoàn toàn những cuộc xung đột đó. Trung Đông sẽ là một ví dụ điển hình. Tôi nghĩ nhu cầu hòa bình giữa Israel và Palestine và các nhà nước Ả-rập vẫn cấp thiết như tự bao giờ.
Đó là điều rất khó thực hiện. Tôi biết rằng ngay cả nếu chúng ta áp dụng tất cả các quan điểm chính trị của chúng ta đối với vấn đề đó, thì người Israel thông qua chính phủ của mình và người Palestine thông qua chính quyền Palestine, cũng như các nhà nước Ả-rập, có thể tự nhủ rằng chúng ta không sẵn sàng giải quyết một hay những vấn đề này.
Sự thực là, trong một số cuộc xung đột này, Mỹ không thể đặt ra cách giải quyết, trừ khi các bên tham các cuộc xung đột này sẵn sàng phá vỡ kiểu đối kháng cũ.
Nhưng những gì chúng ta có thể chắc chắn là chúng ta liên tục có mặt, liên tục can dự và nói rõ với cả hai bên niềm tin của chúng ta. Điều đó không chỉ thuộc lợi ích của mỗi bên khi giải quyết xung đột mà còn là chính lợi ích của nước Mỹ.
Lợi ích an ninh quốc gia quan trọng của Mỹ là làm giảm xung đột vì dù chúng ta có thích xung đột hay không thì chúng ta vẫn là một siêu cường quân sự có ưu thế. Khi các cuộc xung đột nổ ra, bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ bị kéo vào. Rồi cuối cùng lại chính là tổn thất của chính chúng ta, cả máu và tiền bạc.
Vì thế tôi sẽ tiếp tục theo quan điểm như vậy. Nhưng tôi nghĩ về tất cả những vấn đề này - giải trừ hạt nhân, phổ biến hạt nhân, hòa bình Trung Đông - tiến bộ đạt được không phải qua vài ngày, không phải qua vài tuần. Chúng ta cần thời gian.
Tiến bộ sẽ tạm ngừng lại. Đôi khi chúng ta sẽ tiến lên một bước, lùi hai bước và sẽ có những thất bại. Nhưng nếu chúng ta bền bỉ, có cách tiếp cận hợp lý, thì theo thời gian, tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được tiến bộ.
- Đình Ngân (Lược dịch, từ america.gov)