- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho hay tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng 5 này, sẽ báo cáo lên Quốc hội Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, sau đó sẽ có thảo luận nhưng không ra nghị quyết.
Ông Toàn đã có mặt ở buổi thuyết minh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội sáng nay (8/4).
Không sợ hết đất
Ông nhận xét thế nào về tổng vốn đầu tư mà bên tư vấn có gợi ý khoảng 60 tỷ USD trong tương lai, phần lớn là vốn vay?
60 tỷ USD ở đây chủ yếu là xây dựng hạ tầng nhưng không phải là vay đâu mà là có quỹ đất đổi lấy hạ tầng.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn: Chúng tôi sẽ báo cáo lên Quốc hội, sau đó sẽ có thảo luận nhưng không ra nghị quyết. Ảnh: CN |
Ví dụ như đường vành đai 4 có thể không cần vốn của chính phủ mà các doanh nghiệp làm từng đoạn một. Sau đó Thành phố đổi cho doanh nghiệp các khu đất ở các dự án và anh phải làm theo quy hoạch của tôi.
Các đô thị vệ tinh nữa, công bố công khai cho người ta lựa chọn nữa chứ không phải đồng vốn ngân sách bỏ ra hoàn toàn.
Trên 700 dự án hiện nay đã chiếm khá nhiều đất rồi, trong tương lai còn nhiều đất không?
Vẫn còn nhiều đất, không sợ hết, vấn đề là các dự án đó phải đưa vào quy hoạch, sắp xếp lại, điều chỉnh phù hợp với các quy hoạch kinh tế xã hội nữa.
Nhiều người nghi ngờ tính khả thi của quy hoạch này, vì như tuyến vành đai 3 của mình mất gần 10 năm vẫn chưa xong?
Đây là bài toán của những người làm quản lý, cũng như người ta thiết kế xong một cái nhà, có làm theo đúng thiết kế hay không còn do ông chủ nhà nữa. Phải tăng cường biện pháp quản lý và có quy chế phù hợp thực tiễn.
Liệu có chuyện quy hoạch một kiểu mà thực hiện lại một kiểu không?
Điều đó không thể nói trước được.
"Không hề lãng phí"
Trong định hướng của quy hoạch, giai đoạn đầu sẽ chuyển một số cơ quan hành chính nhà nước ra khu Mỹ Đình, sau 2030 thì Trung tâm Hành chính quốc gia lại được xây dựng ở Ba Vì hoặc phía Bắc đô thị Hòa Lạc, như vậy có lãng phí quá không?
Tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội hôm 17/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay quy trình thông qua Quy hoạch chung Hà Nội sẽ có thay đổi. Quốc hội thảo luận, thông qua trước rồi mới trình Bộ Chính trị và BCH TƯ Đảng.
Không hề lãng phí vì một số công trình của các bộ ngành, hiện nay các bộ ngành đã ra đó tương đối nhiều rồi, còn khoảng 7-8 bộ nữa thôi, trong vòng 30 đến 40 năm sau mới dự kiến đưa lên Ba Vì.
Bản thân các bộ ngành là các văn phòng, lúc đó có thể các doanh nghiệp mua lại, chuyển đổi chức năng nên không có gì là lãng phí cả.
Thủ tướng đã có chỉ đạo dừng xây cao ốc trong nội thành nhưng gần đây một số trung tâm thương mại và một số khu khác vẫn được cho chủ trương, ý kiến của ông thế nào?
Đây là những dự án cũ người ta đã được duyệt rồi, được cho phép đầu tư xây dựng trước đó rồi, bây giờ mới tiến hành.
Bây giờ tạm dừng xây dựng cao ốc về mặt chủ trương cũng cần có sự điều chỉnh ví dụ từ vành đai 2 trở vào xây đến mức độ nào, vành đai 3 xây mức độ nào.
Tôi nghĩ điều đó không có nghĩa là cấm tất cả vì có những chỗ cũng cần phải có điểm nhấn, cần cụm công trình cao tầng, rất cao nhưng mật độ rất là thấp, phía dưới nó là cây xanh vườn hoa hồ nước chứ không phải xây xen đặc vào.
Cái này sẽ phải làm rất cụ thể vào quy hoạch chi tiết, chúng tôi cũng đã làm việc với thành phố Hà Nội và đã gợi ý cái hướng như vậy.
Việc dừng các dự án này nên như thế nào để tránh chuyện đòi bồi thường như dự án khách sạn SAS?
Câu chuyện của dự án khách sạn SAS khác hẳn với câu chuyện các dự án trong khu trung tâm cũ này vì bây giờ nó vẫn đang còn trên giấy.
Giữa đô thị trung tâm và đô thị chuỗi hiện đang vướng một số dự án đã được cấp phép, quan điểm riêng của ông thế nào về các dự án này?
Chúng tôi cho rằng ở đó chỉ nên là các dự án về sinh thái, nhiều cây xanh nhiều mặt nước, không nên xây dựng với mật độ cao và tập trung chuyển dân cư ở trong khu vực này ra theo các giai đoạn khác nhau.
Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án di dân phố cổ?
Hiện nay tôi chưa nắm được rõ dự án đó lắm, phải đọc kỹ mới đánh giá được.
Hiện nay chúng ta đang lúng túng là bảo tồn thì theo phong cách gì, như thế nào. Nhưng bây giờ thì không ai có quan điểm cực đoan là phá đi để làm lại.
Còn chuyện di dân phố cổ ra ngoài khu đô thị mới Việt Hưng hiện nay tôi cũng chưa thấy có động thái gì lớn, người dân vẫn không muốn đi.
Thế còn việc giãn mật độ dân cư tại các nhà chung cư cũ?
Đô thị vành đai 4 là đô thị mới dự kiến chỉ xây cao tầng thôi, các khu chung cư cũ kia người ta sẽ ra đấy.
Nhưng tại sao người dân chưa ra? Vì chúng ta chưa làm được khu nào thỏa mãn bằng hoặc hơn các khu họ đang sống, không thể chỉ có cái nhà mà còn có các dịch vụ đi kèm, phải có cả cơ hội kiếm sống.
Tiếp thu có chọn lọc
Dự kiến quy trình Quy hoạch này sẽ được thông qua như thế nào?
Trong kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 5 này, chúng tôi sẽ báo cáo lên Quốc hội, sau đó sẽ có thảo luận nhưng không ra Nghị quyết.
Các đại biểu Quốc hội sẽ có tài liệu để nghiên cứu và phát biểu ý kiến, sau đó tư vấn sẽ tiếp thu để hoàn thiện tiếp.
Sau khi trình tiếp lên các cấp trung ương và Bộ Chính trị, dự kiến đầu tháng 9/2010, bản quy hoạch chung sẽ được trình và phê duyệt bởi Thủ tướng.
Từ đây đến thời điểm đó chúng tôi vẫn tiếp tục nhận ý kiến đóng góp, nhưng trong quá trình tiếp thu chúng tôi cũng sẽ chọn lọc.
Chúng tôi đón nhận những ý kiến phản biện mang tính xây dựng, có nêu ra các giải pháp thay thế chứ không bận tâm nhiều đến những ý kiến chỉ có phê phán và chỉ trích.
-
Cao Nhật ghi