221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1275967
Thái Lan: Tương lai nằm trong tay Tòa Hiến pháp?
1
Article
null
Thái Lan: Tương lai nằm trong tay Tòa Hiến pháp?
,

- Tòa án Hiến pháp đã từng phế truất cựu Thủ tướng Samak với cáo buộc vi hiến, từng phán quyết giải thể đảng Quyền lực Nhân dân năm 2008...

Hỗn loạn đang xảy ra khắp nơi trên đất Thái Lan và sẽ khó đoán được khi nào tình trạng này sẽ chấm dứt. Sự yếu kém của Chính phủ trong việc trấn áp lực lượng biểu tình của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) hay còn gọi là lực lượng Áo đỏ, việc chống đối quyết liệt của UDD với các tuyên bố không nhượng bộ Chính phủ là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Sáng nay (27/4), hàng trăm người biểu tình Áo đỏ đã xông vào chiếm ga Chitlom của hệ thống tàu điện trên cao ở Bangkok, chèn lốp xe ô tô cũ vào đường ray khiến hệ thống bị gián đoạn tới 5 tiếng.

Chiều tối hôm qua, lực lượng biểu tình UDD đã ngang nhiên chặn và lục soát một số ô tô dân sự trên tuyến đường Phahol Yothin, cửa ngõ nối Bangkok với các tỉnh bắc và đông bắc, bắt một số hành khách là binh sỹ, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ liền.

Mặc dù sau đó, lực lượng quân đội đã truy bắt những người Áo đỏ nhưng điều đó cho thấy sự bất lực của chính quyền trong việc đối phó với các hành vi chống đối đang ngày càng gia tăng của UDD trên phạm vi toàn quốc.

Mô tả ảnh.
Những người áo đỏ trên chiếc xe quân sự vừa chiếm tại tỉnh Pathum Thani, miền bắc Thái Lan ngày 26/4. Ảnh: Reuters

Cuối tuần trước, xảy ra hàng loạt vụ UDD tại các tỉnh thành chặn bắt các đoàn xe cũng như binh sĩ Chính phủ với lý do ngăn cản lực lượng này tăng viện về Bangkok nhằm giải tán cuộc biểu tình sau khi xảy ra cuộc đối đầu đẫm máu đêm 10/4 tại Bangkok giữa UDD với quân đội Thái Lan làm 25 người bị chết, hơn 1.000 người bị thương và gần đây là vụ đụng độ đêm 22/4 cũng tại Bangkok.

Đã có trường hợp binh sĩ và các phương tiện khí tài được huy động để phục vụ việc trấn áp các lực lượng Hồi giáo nổi dậy tại 3 tỉnh cực nam bị lực lượng UDD bắt giữ khi đang hành quân. Điều đó cho thấy những hành động vi phạm pháp luật của lực lượng biểu tình đã nghiêm trọng thế nào, thể hiện sự kinh nhờn và coi thường pháp luật, bất chấp điều đó có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hay không.

Vẫn còn nhớ hồi năm ngoái, cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN tại Pataya đã bị hoãn lại vào phút chót do cuộc biểu tình chống Chính phủ của UDD. Chính phủ của Thủ tướng Abhisit đã bị bẽ mặt với các nước ASEAN như thế nào bởi điều đó chưa từng xảy ra từ khi thành lập khối và nhất là tại một đất nước vốn nổi tiếng có “công nghệ” tổ chức hội nghị quốc tế là Thái Lan.

Hôm qua, Thủ tướng Abhisit lại một lần lên tiếng yêu cầu lực lượng an ninh phải thực thi nhiệm vụ của mình đối với những người "gây ra khó khăn cho người dân", nếu không có thể sẽ bị quy trách nhiệm. Đây không phải lần đầu tiên ông Abhisit đưa ra cảnh báo như vậy để nhắc nhở lực lượng an ninh phải thực hiện nhiệm vụ trấn áp những người biểu tình quá khích mà pháp luật trao quyền cho họ.

Qua các cuộc biểu tình biến thành bạo động vừa qua tại Thái Lan, có thể thấy lực lượng cảnh sát gần như không có phản ứng phù hợp và đủ mạnh để trấn áp người biểu tình. Người ta cảm thấy họ thực thi nhiệm vụ như kiểu lấy lệ nên thường tháo chạy khi đối đầu với các nhóm biểu tình.

Trong 5 năm cầm quyền trước khi bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự vào tháng 9/2006, rất nhiều tướng lĩnh quân đội và sĩ quan cảnh sát cấp cao đã được cựu Thủ tướng Thaksin cũng như sau đó là hai "đồng minh" của ông Thaksin là cựu Thủ tướng Samak Sundaravej và cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng mà không phải một sớm một chiều Thủ tướng Abhisit có thể "điều chuyển" dễ dàng.

Vì vậy có thể thấy rằng, việc khó có thể giải quyết dứt điểm các cuộc biểu tình là do sự đối phó lừng chừng của cảnh sát và không quyết liệt của lực lượng quân đội.

Việc Tư lệnh lục quân Anupong Phauchinda được Thủ tướng Abhisit chỉ định thay thế Phó Thủ tướng Suthep Thausuban để đảm nhiệm việc trấn áp lực lượng biểu tình cũng cho thấy sự yếu kém trong điều hành của chính phủ Thái Lan.

Bắt đầu từ hôm 26/4, những người biểu tình Áo đỏ đã cởi bỏ trang phục đỏ truyền thống để khoác lên người những chiếc áo đủ mầu sắc theo như lời kêu gọi của các thủ lĩnh UDD, những người mà nực cười là đang trong diện có trát bắt của tòa án nhưng vẫn công khai dẫn đầu các đoàn biểu tình hô hào chống đối và lên kế hoạch để lật đổ chính phủ.

Việc đổi màu áo này được coi là chiến thuật mới của UDD và chắc chắn sẽ gây khó khăn không ít cho lực lượng thực thi pháp luật Thái Lan.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc "thay áo" đó cũng có thể là sách lược tạm lùi của UDD để nghe ngóng tình hình khi đảng Dân chủ của Thủ tướng Abhisit đang đứng trước nguy cơ bị giải thể theo một tiến trình mà nếu đúng sẽ không thể cưỡng lại được.

Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) hôm qua đã chính thức trình kiến nghị giải thể đảng Dân chủ lên Tòa án Hiến pháp sau khi thông qua quyết định này vào ngày 12/4.

Mặc dù lên nắm quyền hợp hiến sau chiến thắng của cuộc bầu cử đại biểu quốc hội bổ sung hồi tháng 1/2009, nhưng theo cáo buộc của EC, với việc nhận các khoản đóng góp bất hợp pháp từ công ty TPI Polene, doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán và sử dụng sai mục đích số tiền trợ cấp 29 triệu bạt (khoảng 900.000 USD), đảng Dân chủ của Thủ tướng Abhisit đối mặt với việc bị giải thể và lãnh đạo đảng sẽ bị nghiêm cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.

Tòa án Hiến pháp, cơ quan tư pháp cao nhất quyết định sự tồn vong của các chính đảng tại Thái Lan đã từng phế truất cựu Thủ tướng Samak với cáo buộc vi hiến hồi tháng 9/2008, từng phán quyết giải thể đảng Quyền lực Nhân dân hồi tháng 12/2008 dẫn đến việc cựu Thủ tướng Somchai phải từ chức thì lần này sẽ đưa ra những phán quyết như thế nào trước những cáo buộc mà EC đệ trình lên?

Với việc lãnh đạo UDD quyết tâm biểu tình đến cùng với yêu cầu giải tán Hạ viện vào đầu tháng sau cũng như đứng trước khả năng sắp tới đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit có thể bị giải thể, chắc chắn tình hình tại Thái Lan sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt sau những tuyên bố của người phát ngôn Trung tâm Tình trạng khẩn cấp, đại tá Sansern Kaewcamnerd chiều qua về một âm mưu lật đổ Hoàng gia do một số lãnh đạo chủ chốt của UDD, thành viên đảng đối lập Vì nước Thái đứng đằng sau.

  • Xuân Núi
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,