- Tại Hội nghị quốc tế "Quản lý các nguồn nước xuyên biên giới trong một thế giới đang thay đổi" với các đại diện từ Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) khai mạc sáng nay (2/4), Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, khoa học và công nghệ thuộc Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc Trần Minh Trung khẳng định, mực nước sông Mekong giảm kỷ lục là do thời tiết khô hạn và biến đổi khí hậu.
Trong suốt bài phát biểu, đại diện Trung Quốc nhiều lần đưa ra các hình ảnh minh họa thực tế về tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Ông Trần Minh Trung (thứ 2 từ phải sang): Mực nước sông Mekong sụt giảm vì lượng mưa thấp bất thường. |
Câu khẳng định "hệ thống đập thủy điện của Trung Quốc ở vùng thượng nguồn Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) không ảnh hưởng tới việc nước sông sụt giảm và khô hạn vùng hạ nguồn" được ông Trần nhắc lại nhiều lần.
Theo đại diện Trung Quốc, "khô hạn từ 6 tháng nay đã ảnh hưởng tới 97,16 triệu mẫu đất trồng tại tỉnh Vân Nam. Trung Quốc đã phải đối mặt với hạn hán khắc nghiệt nhất trong một thế kỷ tại khu vực phía tây nam, 24 triệu người thiếu nước uống, tổn thất tính riêng ở tỉnh Vân Nam là 17 tỉ nhân dân tệ".
Ông Trần nói: "Cả Trung Quốc thực hiện cuộc chiến chống hạn, với sự lãnh đạo trực tiếp từ cấp cao nhất. Tỉnh Vân Nam tuyên bố chiến dịch đối phó tình trạng khẩn cấp cấp 1. Quân đội được điều động tham gia phân phát nước uống cho người dân vùng hạn hán".
Cục trưởng Trần đã đưa ra hàng loạt con số trong biểu đồ phân tích thủy văn tại Vân Nam như: dòng chảy của sông giảm 40-60% so với cùng kỳ năm trước; 309 hồ chứa nước nhỏ khô cạn; 662 sông cạn nước...
Quan chức Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc khẳng định, lý do thiếu nước là lượng mưa thấp bất thường chứ không phải từ những công trình xây dựng của con người. Ông Trần kết luận: "Từ tháng 11 đến tháng 3, nước ở các nhánh sông đổ vào dòng chính Mekong tại Lào và Thái Lan giảm mạnh vì thời tiết khô hạn". Chỉ có 13,5% dòng chảy của sông Mekong là từ sông Lan Thương.
Theo ông, hàng loạt đập thủy điện lớn mà nước này đã và đang lên kế hoạch xây dựng ở vùng thượng nguồn sông Mẹ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng, về lâu dài sẽ thực hiện chức năng xả nước mùa khô, ngăn chặn lũ lụt trong những tháng mùa mưa.
Ông Trần cho hay, Trung Quốc đã có nhiều biện pháp thể hiện nỗ lực hợp tác với các nước sông Mekong như các chương trình trao đổi thông tin, thảo luận, hội thảo... Gần đây nhất là quyết định cung cấp dữ liệu thủy văn tại hai đập Cảnh Hồng và Mạn Loan.
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet bên lề hội nghị, một chuyên gia tài nguyên nước Việt Nam nói, điều cần thiết là sự hợp tác cung cấp thông tin, dữ liệu vận hành các đập thủy điện. Hiện Trung Quốc mới chỉ đồng ý cung cấp dữ liệu thủy văn dòng chảy khu vực đập.
Song vị chuyên gia này cũng cho rằng, hội nghị lần đầu tiên của MRC là một bước tiến lớn, chứng tỏ sự hợp tác giữa các bên liên quan đã đạt cấp cao nhất. Việc giải quyết các vấn đề tồn tại là cả một quá trình, phụ thuộc vào thiện chí hợp tác, chính sách, lợi ích của tất cả các nước chung dòng Mekong.
-
Thái An (từ Hua Hin)