- "VN chia sẻ mong muốn chung của các nước thành viên chính thức kêu gọi Trung Quốc, Myanmar xem xét tích cực việc sớm trở thành thành viên đầy đủ MRC" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) ở Hua Hin, Thái Lan hôm nay (5/4).
>> Toàn cảnh: Khi dòng Mekong khát
Thủ tướng 4 quốc gia thành viên MRC (Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam) cùng đoàn đại biểu cấp cao của Trung Quốc, Myanmar (với tư cách quan sát viên) đã tham dự Hội nghị với tâm điểm quản lý tài nguyên nước.
Ảnh hưởng hàng triệu người dân
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Việt Nam cho hay là quốc gia cuối nguồn, Việt Nam thấy rõ những biến chuyển của sông Mekong do tác động của thiên nhiên và con người. Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, đang chịu tác động kép của khô hạn và xâm nhập mặn nặng nề nhất từ trước tới nay, ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng triệu người dân cũng như sản xuất nông nghệp, nuôi trồng thuỷ sản.
"Chúng ta cũng nhận thấy rằng, lưu vực sông Mekong đã và đang đứng trước nhiều thách thức. Sự phát triển năng động, nhanh chóng trong lưu vực Mekong đang gia tăng thách thức với các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước. Cùng với đó là tác động bất lợi, khó lường của thay đổi khí hậu và hậu quả ô nhiễm môi trường", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cũng cảnh báo: "Không có sự quản lý tốt và thận trọng về sông Mekong cũng như các tài nguyên tự nhiên liên quan, sông Mẹ sẽ không tồn tại. Sông Mekong đã và đang bị đe doạ bởi những vấn đề nghiêm trọng từ hậu quả của biến đổi khí hậu cũng như bất ổn trong sử dụng nước”.
Từ trái qua: Thủ tướng Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Theo Thủ tướng Thái Lan, lưu vực Mekong đang trải qua sự khắc nghiệt chưa từng có với mực nước sông giảm mạnh, tình trang khan hiếm nước nghiêm trọng, ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên...
Trước quan ngại của nhiều quốc gia hạ nguồn, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào cho hay, nước này đã có nhiều bước đi, sáng kiến để bảo vệ môi trường.
"Để tránh ảnh hưởng tới loài cá di trú, chúng tôi đã hoãn dự án thủy điện Mengsong trên dòng Lan Thương. Để ngăn chặn mức nước hạ nguồn lên xuống bất thường, chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng hồ chứa nước Ganlaba”, ông dẫn chứng.
Quan chức Trung Quốc cũng cho hay hiện đang lên kế hoạch xây dựng 8 đập trên dòng chính Mekong.
Trung Quốc khẳng định vai trò thủy điện
Thủ tướng Thái Lan quả quyết: “Chắc chắn những vấn đề này không một quốc gia nào có thể giải quyết đơn lẻ, chúng ta cần tích cực hợp tác để vượt qua”.
Ông nói "chia sẻ thông tin và dữ liệu là những biện pháp chủ yếu để giảm thiểu các vấn đề trong từng quốc gia, góp phần giảm nghèo trong khu vực”. Ông cũng cảm ơn Trung Quốc gần đây đã chấp thuận chia sẻ thông tin dữ liệu thủy văn từ 2 trạm thủy điện trong mùa khô. "Tôi cũng hy vọng những nỗ lực hợp tác sẽ trở nên thường xuyên hơn và trở thành một điển hình cho các nước khác trong tương lai”.
Đề cập giải quyết các thách thức, Thủ tướng Việt Nam kiến nghị một loạt phương hướng giải quyết: đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước, xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu với toàn bộ lưu vực, từ đó đề ra kế hoạch hành động ứng phó chung, hoàn thiện khung pháp lý và thiết lập cơ chế cụ thể để phối hợp thực hiện các thủ tục về sử dụng nguồn nước...
Với các nước đối thoại Trung Quốc và Myanmar, Thủ tướng nêu rõ mong muốn tiến hành nghiên cứu chung, tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật qua việc thực hiện các chương trình và dự án chung.
"Việt Nam chia sẻ mong muốn chung của các nước thành viên Ủy hội Mekong chính thức kêu gọi các nước trong cùng lưu vực là Trung Quốc, Myanmar xem xét tích cực việc sớm trở thành thành viên đầy đủ của Ủy hội để cùng với tất cả các nước ven sông Mekong cùng nhau hợp tác sử dụng bền vững và có trách nhiệm nguồn tài nguyên nước, vì sự phồn vinh chung của khu vực", Thủ tướng phát biểu.
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Tống Đào tiếp tục khẳng định: “Thủy điện là nguồn năng lượng thay thế, năng lượng sạch quan trọng. Phát triển và sử dụng thủy điện là một trong những cách quan trọng để cộng đồng quốc tế giải quyết và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Sông Lan Thương - Mekong giàu tài nguyên thủy điện và việc phát triển ổn định nguồn tài nguyên này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia trong lưu vực”.
Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên MRC đã thông qua Tuyên bố Huahin cam kết phát triển ổn định lưcu vực sông Mekong.
-
Thái An (từ Hua Hin)