221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1277574
Bài 3: Chống dân chủ hình thức
1
Article
null
Bài 3: Chống dân chủ hình thức
,

- Nếu vẫn chủ trương "nghiêm cấm vận động bầu cử" thì không chỉ đại biểu mà cả cấp ủy cũ, đoàn chủ tịch cũng phải thực hiện.

>> Bài 1: ’Định vị’ đúng vấn đề dân chủ
>> Bài 2: Nhận diện bệnh dân chủ hình thức

Đấu tranh chống dân chủ hình thức là việc khó. Do khả năng biến tướng linh hoạt, nên những biểu hiện cụ thể của nó vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Cách tiếp cận cụ thể theo kiểu phê phán, xử lý từng vụ việc rất ít kết quả, nhất là khi các chủ thể có trách nhiệm (cấp trên và người đứng đầu) lạm dụng và biện hộ cho những việc làm mất dân chủ dựa vào một số quy định hiện hành.

Khắc phục tình trạng dân chủ hình thức cần tiến hành trên nhiều lĩnh vực.

Không có thông tin, không thể có dân chủ

Một là, hoàn thiện các quy chế, quy phạm, thể chế làm cơ sở pháp lý đảm bảo thực hành mở rộng dân chủ theo chủ trương đã đề ra: bỏ những định chế và tiền lệ không còn phù hợp với yêu cầu thực hành dân chủ; thay thế bằng những định chế mới, nhất quán, không nửa vời. Có thể nêu một số ví dụ:

Để Quốc hộị/ hội đồng nhân dân làm tốt hơn chức năng giám sát thì cần bãi bỏ những quy định khách quan có tính hạn chế quyền các đại biểu chất vấn, bày tỏ tín nhiệm nhân sự; cần phê phán mọi việc gây sức ép đối với đại biểu "tác nghiệp" theo luật định… Và do đó cuối cùng không thể không đổi mới cơ cấu đại biểu (chẳng hạn giảm đại biểu trong bộ máy hành pháp, quy chế và tổ chức làm việc của Quốc hội (chẳng hạn hoạt động thường xuyên)…;

Mô tả ảnh.
Thảo luận tổ tại đại hội đảng bộ phường 2, quận 8, TP.HCM. Ảnh: ĐQ

Để đại hội đảng thực sự là cơ quan lãnh đạo thì việc khẳng định điều này trong Điều lệ Đảng, nhắc lại trong các chỉ thị là cần. Nhưng thiết thực hơn là phải đổi mới cơ cấu và chất lượng đại biểu, đổi mới quy chế đại hội, thay đổi mối quan hệ giữa cấp ủy cũ, của đoàn chủ tịch với đại hội… để đảm bảo quyền quyết định thực sự nằm trong tay đại hội thông qua các phiên họp toàn thể…;

Để bầu cử trong Đảng thực sự dân chủ thì việc có số dư trong danh sách đề cử, việc đại hội trực tiếp bầu một số chức danh lãnh đạo (như thí điểm đang tiến hành)… cũng cần. Nhưng việc này chỉ thực sự có ý nghĩa nếu kèm theo việc đổi mới quy chế bầu cử và công tác nhân sự trong đại hội; thực hiện tranh cử công bằng, công khai, bỏ việc cấp trên, cấp ủy cũ… lập và chỉ đạo thực hiện một danh sách "quân đỏ".

Nếu vẫn chủ trương "nghiêm cấm vận động bầu cử" thì không chỉ đại biểu mà cả cấp ủy cũ, đoàn chủ tịch cũng phải thực hiện. Tức là không cho phép mọi việc làm có tính chất vận động cho một hoặc một nhóm ứng cử viên dưới bất cứ hình thức nào, của bất cứ cá nhân, tập thể nào, kể cả đoàn chủ tịch và cấp ủy cũ (một số việc làm của cấp ủy cũ và đoàn chủ tịch thực chất là "vận động bầu cử" hiện vẫn được xem là hợp thức).

Tương tự như vậy đối với nhiều vấn đề trên các lĩnh vực khác.

Cần phổ biến công khai, các thể chế, quy phạm nói trên, tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi cho mọi đối tượng. Phổ biến cả trong nhân dân các quy chế, quy phạm của Đảng. Nhân dân cần biết rõ các quy chế, quy phạm đó để tham gia xây dựng, giám sát Đảng.

Hai là, tăng cường thực hiện công khai hóa các mặt đời sống của đất nước và của Đảng, tăng cường chế độ thông tin bắt buộc và thông tin theo yêu cầu trước hết đối với cơ quan có trách nhiệm và cả đối với dân chúng.

Không có thông tin đầy đủ và chính xác thì không thể có dân chủ thực sự.

Nhiều đại biểu Quốc hội than phiền không được cung cấp thông tin cần thiết khi ra quyết định (biểu quyết). Ông Hữu Thọ đã có lần nói, với tư cách ủy viên trung ương, thực ra ông không có điều gì bị hạn chế, nhưng ông không có đủ thông tin để chủ động tham gia thảo luận và quyết định.

Một tổng biên tập báo Nhân Dân, một ủy viên trung ương, một Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương mà còn thiếu thông tin thì làm sao các tổ chức, các cá nhân ở cương vị thấp hơn có thông tin để thực hiện được quyền dân chủ đích thực?

Lỗi có thể thuộc tổ chức, cá nhân, "cơ chế" hay cũng có thể ở cả ba nơi đó. Nhưng muốn thực sự khắc phục bệnh dân chủ hình thức, cần sớm khắc phục triệt để điều này.

Khuyến khích phản biện

Ba là, khuyến khích và thực hiện phản biện xã hội rộng rãi. Chúng ta khẳng định mục tiêu định hướng phát triển đất nước, nhưng cũng thừa nhận rằng con đường đi đến mục tiêu đó là chưa có tiền lệ, phải tìm tòi.

Kinh nghiệm thất bại của người khác, cái giá lớn lao mà chúng ta phải trả cho những sai lầm của mình mới chỉ ít nhiều cảnh báo về một số cạm bẫy thất bại, chưa nói gì nhiều về “bí quyết” thành công.

Tìm tòi con đường đó là việc của toàn Đảng, toàn dân, không thể chỉ dựa vào một vài người, một tập thể nhỏ.

Thực tế vừa qua chỉ ra rằng, trên từng bước đi lên, bên cạnh những kết quả lại phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khuyết điểm, sai sót. Trong tình hình đó, "độc quyền chân lý" là có hại. Phản biện xã hội là sự cần thiết khách quan, vừa là biểu hiện cụ thể nhất của dân chủ, vừa là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy dân chủ thực sự.

Bốn là, tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

Để thực hiện được chức năng của mình trong thể chế dân chủ, báo chí phải đưa thông tin khách quan, phản ảnh tình hình chân thực, không cắt xén. Nó không thể chỉ là tiếng nói của người cầm quyền, mà còn phải là tiếng nói của dân chúng. Những tiếng nói đó có mặt đồng thuận và không đồng thuận. Cần phản ảnh sự đồng thuận khách quan, chứ không được tạo ra bằng cách bỏ qua những biểu hiện không đồng thuận.

Không có báo chí dân chủ thì không thể có phản biện xã hội, không có giám sát xã hội, tức là không thể có dân chủ đích thực. Trước mắt, cần có quan điểm chỉ đạo rõ ràng về các vấn đề "lề trái, lề phải", "thông tin, đề tài nhạy cảm" mà nhiều người đã đề cập.

Luật Báo chí mới ra đời cần phục vụ mục tiêu thực hành dân chủ rộng rãi. Làm được như vậy sẽ tạo một bước ngoặt căn bản chống bệnh dân chủ hình thức.

  • Bùi Đức Lại
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,