Những đụng độ hiện nay là kết quả của nhiều vấn đề và căng thẳng không được giải quyết từ quá khứ. Số người thiệt mạng không ngừng tăng lên: 20 người chết trong 3 ngày, 46 người tử nạn kể từ khi phe Áo đỏ đổ về Bangkok biểu tình.
Chính phủ Thái Lan đưa ra những tuyên bố không khoan nhượng.
“Một cuộc nổi loạn xã hội đang diễn ra ở Thái Lan vượt xa hơn cái gọi là “đấu tranh chính trị”, một nguồn tin nói với AsiaNews tại Bangkok. Nguồn tin này đề cập tới cái gọi là “gốc rễ những xung đột quá khứ chưa từng được giải quyết”.
Người biểu tình tại Bangkok đốt lốp xe, chặn bước quân đội chính phủ. Ảnh: Reuters
Trong lúc này, bạo lực tiếp tục leo thang tại Bangkok, cảnh tượng không khác gì một cuộc chiến tại đô thị giữa quân đội và những người biểu tình chống chính phủ trong suốt ba ngày qua.
Sáng 15/5, bạo lực tái diễn giữa binh lính và phe Áo đỏ. Các phóng viên tại hiện trường phản ánh, có ba xác người trên đường phố và được một nhóm người kéo đi. Theo phóng viên ảnh của AFP, còn có “hai thi thể khác bị bỏ rơi trên đường”, tuy nhiên, tin tức này chưa được xác nhận.
Quân đội Thái thiết lập “vùng bắn đạn thật”, nơi binh lính được phép sử dụng súng nếu xảy ra tình trạng chiến tranh. Trung tâm Giải quyết tình trạng khẩn cấp đã “bật đèn xanh” cho binh lính “được bắn đạn thật vào đỉnh đầu”.
Chiến dịch của quân đội được đẩy lên cao kể từ chiều 13/5, nhằm thực hiện mục tiêu chấm dứt biểu tình mà chính phủ Thái đưa ra. Thủ tướng Thái Lan trước đó đã đưa ra đề xuất về việc tổ chức bầu cử sớm vào ngày 14/11 và giải tán quốc hội vào cuối tháng 9. Phe Áo đỏ tuyên bố nhất trí về nguyên tắc nhưng sau đó lại gia tăng các yêu cầu và không thành công. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phải đưa ra lời kêu gọi hòa bình: “Tôi ủng hộ mạnh mẽ chính phủ và Áo đỏ trở lại bàn đàm phán”.
Trong khi đó, số người thiệt mạng do cuộc khủng hoảng chính trị này ngày một gia tăng. Kể từ khi bùng phát vào giữa tháng 3, 46 người đã chết, 20 người trong số đó thuộc về ba ngày bạo lực vừa qua, hơn 1.400 người bị thương.
Cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin kêu gọi chính phủ nối lại hòa đàm. Nhưng Thủ tướng Thái Lan không có ý định từ bỏ, thậm chí còn tin tưởng đưa ra cam kết “trong vài ngày tới, tình hình sẽ trở lại bình thường”.
Tại hàng ngũ của phe Áo đỏ, những rạn nứt đầu tiên bắt đầu xuất hiện: một số lãnh đạo sẽ tiếp tục chiến đấu bất chấp hậu quả. Phía thứ hai, với tỉ lệ ngang bằng, đang kêu gọi chấm dứt bạo lực, trở lại với luật pháp. Kokaew Pikulthong gọi đó là “khác biệt 50/50” và nhấn mạnh: “Nếu tôi có con đường của riêng tôi, tôi sẽ dừng lại”. Một thủ lĩnh khác của Áo đỏ, Kwanchai Praipana, thì tuyên bố “chiến đấu cho tới khi chính phủ thừa nhận trách nhiệm”.
Trong lúc đó, tình hình của cựu lãnh đạo quân đội Khattiya Sawasdipol với danh xưng “Người chỉ huy Đỏ” ngày càng trở nên trầm trọng. Ủng hộ người biểu tình, ông được coi là cố vấn quân sự của Áo đỏ và thiên về quan điểm chiến đấu tới phút cuối cùng. Theo các bác sĩ, “ông có thể chết bất cứ lúc nào”.
Các nguồn tin của AsiaNews tại Thái Lan giải thích: “Đây không còn là cuộc đụng độ chính trị, mà là cuộc cách mạng xã hội thực sự”. Những xung đột, mâu thuẫn, bất công trong quá khứ “trở thành gốc rễ cho thực trạng hiện tại” bởi “không ai từng giải quyết đúng mức độ nghiêm trọng của nó”.
Theo giới phân tích, đây là sự “giao thoa văn hoá của những người từng học ở nước ngoài và những người muốn tiếp tục đấu tranh cho một sự thay đổi căn bản của xã hội”.
Một nhà phân tích đánh giá, việc thủ lĩnh Áo đỏ bị bắn là một cuộc tấn công nhằm mục tiêu vào người lãnh đạo quân sự của phe biểu tình, một người có kinh nghiệm chiến đấu, người cố vấn và giám sát việc xây dựng các hàng rào chướng ngại vật và cái chết của ông sẽ làm yếu đi sức kháng cự của Áo đỏ.
Khu vực nổi loạn của người biểu tình sẽ chỉ giới hạn tại một phần Bangkok trong khi phần còn lại của thủ đô và cả đất nước Thái Lan nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội và cảnh sát. Nếu từ tỉnh này sang tỉnh khác, mọi người đều phải qua các điểm kiểm tra. Việc này đã ngăn chặn cuộc nổi loạn của Áo đỏ lan rộng như một đám cháy.
-
Thái An (Theo asianews)