221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1279858
Bangkok: Máu đổ thay nụ cười
1
Article
null
Bangkok: Máu đổ thay nụ cười
,

Chính quyền Thái Lan có kế hoạch áp dụng lệnh giới nghiêm ở thủ đô đầy bất an sau làn sóng bạo lực cuối tuần làm 25 người chết. Phe Áo đỏ tuyên bố không đầu hàng, tiếp tục chống lại quân đội trên các đường phố.

Từ ngày mai (17/5), các trường học ở Bangkok sẽ đóng cửa.

Khi người biểu tình đốt một trạm kiểm soát giao thông của cảnh sát, đốt hàng rào lốp cao su, tạo ra cột khói mù mịt bao trùm thành phố, thì phát ngôn viên quân đội Sunsern Kaewkumnerd cho biết: “Lệnh giới nghiêm khi được tuyên bố thì cảnh sát và binh lính có thể phân biệt được người dân và kẻ khủng bố”.

Một người lính yêu cầu cộng sự ngừng bắn vào người biểu tình tại Bangkok (Ảnh AP)
Một người lính yêu cầu cộng sự ngừng bắn vào người biểu tình tại Bangkok. Ảnh: AP

Bạo lực bắt đầu bùng phát tối 13/5 khi quân đội chính phủ triển khai chiến dịch bao vây khu trại của người biểu tình, một thủ lĩnh Áo đỏ bị thương nặng.

Phát biểu trên truyền hình tối qua, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva khẳng định "sẽ không có ngừng bắn" và chiến dịch của quân đội bước sang ngày thứ tư là "con đường duy nhất" chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt hai tháng nay.

Trên tất cả, tôi khẳng định con đường tốt nhất để tránh tổn thất là ngăn chặn biểu tình”, ông Abhisit nói. “Biểu tình tạo điều kiện cho bạo lực phát sinh”, ông nhấn mạnh.

Không lâu sau phát biểu của Thủ tướng Thái Lan, khoảng 2.000 người biểu tình đã tuần hành trên một con phố lớn dẫn tới quận thương mại. Một số người ném chai cháy vào quân đội khiến binh lính phải bắn vũ khí tự động để cảnh báo và nỗ lực giải tán người biểu tình.

Một số thi thể người thiệt mạng vẫn đang nằm trên phố thuộc quận Din Daeng hôm qua, quân đội thì tiếp tục chiến đấu chống lại những người biểu tình chủ chốt của Áo đỏ. Một người đàn ông bị bắn vào ngực khi cố đốt chiếc lốp xe. Ba thi thể khác được đưa đi từ một đường giao cắt gần đó, hai người bị bắn vào đầu.

Chính phủ Thái cáo buộc một số người có vũ trang đang cố gắng thực hiện cuộc “chiến tranh nhân dân”. Theo người phát ngôn quân đội, khoảng 500 người đã ẩn mình vào hàng ngàn người biểu tình hòa bình và sử dụng vũ khí trái phép. Tiếng súng, tiếng lựu đạn vang lên ở các đường phố trung tâm. Khói đen mù mịt bốc lên từ những đống lốp xe bị đốt phủ mờ những thương hiệu toàn cầu như Starbucks, Sony, Apple và Prada.

Ngày hôm qua, có hai tiếng nổ lớn ở bên ngoài tòa nhà của British Airways và HSBC do tấn công bằng lựu đạn. Sân vận động Lumpini - trung tâm thi đấu thể thao của Thái Lan cũng thành bãi chiến trường.

Đại sứ quán Anh cách đó không xa đã đóng cửa, chỉ còn lại một vài nhân viên. Đại sứ quán Mỹ cũng trong tình trạng tương tự.

Người ta đang tìm cách lý giải tại sao phe Áo đỏ - chủ yếu là người nghèo đến từ các vùng nông thôn - lại ủng hộ mạnh mẽ cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin đến như vậy. “Chính phủ không công bằng”, Nong Satthahit, 35 tuổi, một người biểu tình nói. “Giá gạo lên xuống thất thường nhưng chúng tôi không bao giờ trở nên khá hơn”.

Thaksin Shinawatra khi còn lãnh đạo Thái Lan đã cung cấp cho nông dân những khoản vay lãi suất thấp cùng chế độ chăm sóc y tế rộng khắp. Ông này bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006.

Hai tuần trước, người ta đã hy vọng mong manh về một thỏa thuận hòa bình. Thủ tướng Thái Lan cam kết giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử vào cuối năm nếu Áo đỏ nhổ trại, trở về nhà. Tuy nhiên, mọi nỗ lực hòa đàm biến mất khi vào đêm thứ năm, thủ lĩnh của người biểu tình Khattiya Sawasdipol bị bắn vào đầu.

Khattiya được coi là cố vấn quân sự của Áo đỏ, giờ đang giành giật cuộc sống với tử thần. Viên đạn xuyên vào não, cơ hội sống sót quá ít ỏi.

Vụ việc này dường như đã kích động những người theo ông. Khi chính phủ phủ nhận liên quan thì trong hàng ngũ Áo đỏ, nhiều người đã tính tới việc quay lại với lựu đạn M-79.

Theo giới phân tích, ngay ở hiện tại, giữa quân đội và cảnh sát Thái Lan cũng có những bất đồng.

Thaksin, từng là chỉ huy cảnh sát, người trở thành tỉ phú viễn thông vẫn có uy tín nhất định trong lực lượng này. Điều đó khiến Thủ tướng đương nhiệm Abhisit có quá ít chọn lựa khi buộc phải sử dụng quân đội để gia tăng uy lực tiếng nói. Song tới thời điểm hiện tại, quân đội vẫn chưa hoàn thành mục tiêu chấm dứt biểu tình.

Và, chính những người lính cũng không hề sẵn sàng “săn đuổi” những người dân thường tại trung tâm thành phố Bangkok khi hầu hết quân nhân trẻ đều có cùng nền tảng xã hội với người dân nông thôn - những người cấu thành nên Áo đỏ, những người đem lại cho chính họ các món ăn Thái đậm chất cay nồng và nhiều khúc hát dân gian.

Lek, 22 tuổi, người mang dáng vẻ mệt mỏi tại hàng rào gần đại sứ quán Anh tâm sự, anh chưa từng sử dụng tới vũ khí tự động đầy sức mạnh có trong tay mình. “Người Thái không nên giết người Thái”, anh nói. “Tôi nghĩ chúng tôi chỉ đang làm nhiệm vụ của mình, giống như người lái taxi thực hiện công việc của họ vậy”.

Những người lái taxi của Bangkok, phần lớn đến từ đồng bằng Isaan ở phía đông bắc, lại “đồng cảm” với Áo đỏ. Hôm qua, hàng chục chiếc xe màu sắc sặc sỡ đã chặn điểm giao nhau trên một trục đường quốc lộ nhằm ngăn chặn tiếp viện của quân đội tới trung tâm Bangkok.

Đêm qua, quân đội tuyên bố, binh lính sẽ siết chặt vành đai quanh địa điểm chính của người biểu tình và sẽ tiến hành những hoạt động cứng rắn hơn mà không cảnh báo trước.

Một số lãnh đạo biểu tình được thông báo là đã từ bỏ và ra đi, nhưng những người khác vẫn ở lại. “Chúng ta phải chiến đấu”, Jatuporn Prompan, một thủ lĩnh Áo đỏ nói. “Tình hình đã ngày càng tiến gần hơn một cuộc nội chiến từng phút từng giây”.

Diễn biến mới nhất cho thấy, nhân viên Chữ thập đỏ đã được điều động để sơ tán phụ nữ và trẻ em khỏi khu vực biểu tình đầy hỗn loạn ở Bangkok.

  • Thái An (Theo Timeonline)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,