221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1276768
"Chất da cam đem tới án tử hình cho tôi"
1
Article
null
'Chất da cam đem tới án tử hình cho tôi'
,

Chất da cam mà quân đội Mỹ thả xuống Việt Nam đã gây ra những hậu quả khủng khiếp. Phóng viên Claire Colley của báo Guardian, Anh ghi lại những gì xảy ra với bà Đặng Hồng Nhựt, người đã tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 29 tuổi và bị nhiễm nặng chất da cam. Bà làm việc với Hội các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và chiến dịch vận động bồi thường cho các nạn nhân.

Tôi sinh năm 1936 ở quận Chợ Gạo, gần châu thổ sông Mekong. Khi tôi còn nhỏ, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Tôi còn nhớ, một lần, khi tôi mới 6 tuổi, lính Pháp đến nhà chúng tôi và buộc mọi người phải ra khỏi nhà. Họ nghĩ rằng có một cái gì đó về chính trị đang diễn ra và muốn đốt cháy ngôi nhà. Bà tôi đứng trên đất của mình và dũng cảm từ chối. Đó là sự kiện dẫn tôi đi vào con đường chính trị. Sau đó, khi còn rất trẻ, tôi đã nhận biết được cái gì đúng, cái gì sai.

Ảnh: Guardian

Tôi kết hôn năm 1959 và sinh một bé trai. Năm 1965, tôi sống ở Sài Gòn và làm nghề may quần áo. Thành phố vẫn yên bình dù Mỹ đã xâm chiếm và xung đột đã nổ ra tại các vùng xung quanh Sài Gòn. Lúc đó, đang có một cuộc nổi dậy rất lớn của nông dân và phong trào Phật giáo chống quân Mỹ xâm lược. Tôi cảm nhận được sự bình đẳng và gia nhập cuộc kháng chiến của "đội quân tóc dài".

Trong cuộc chiến, tôi không cầm vũ khí mà vai trò của chúng tôi là gây quỹ, biểu tình chống xâm lược cũng như giúp các nam thanh niên tránh tòng quân cưỡng bức. Chồng tôi cũng tham gia cuộc kháng chiến và tôi bị nhiễm chất da cam khi tới khu vực quanh Củ Chi để thăm chồng. Tôi nhìn thấy những chiếc máy bay đang tiến lại và chui vào hầm trú ẩn. Sau khi máy bay đi, khắp nơi có một lớp bụi trắng. Tôi không biết có gì bất thường trong suốt một thời gian dài. Tôi bị ngứa, ghẻ, tiêu chảy nhưng không biết tại sao.

Năm 1966, tôi bị chính quyền bắt giam. Tôi sống trong nhà giam suốt 6 năm 9 tháng.

Tôi liên tục bị đánh, ngày cũng như đêm, bọn cai ngục muốn lấy thông tin về cuộc kháng chiến. Tôi không đủ lời để mô tả những gì đã phải hứng chịu. Có rất nhiều lần tôi bị gí điện. Chúng quấn dây điện ở chỗ kín và dưới ngón tay tôi. Chúng treo ngược tôi và dùng trò tra tấn nhúng nước, thường xuyên tạt nước vào mặt làm bạn cảm thấy như chết đuối, thật khủng khiếp. Tôi đã chịu rất nhiều đau đớn nhưng nghĩ rằng nếu tôi tiết lộ tên của bất cứ chiến sĩ nào, họ cũng sẽ phải hứng chịu những tổn thương như mình nên tôi từ chối.

Khi bọn họ ngừng tra tấn, tôi được đưa tới toà để xét xử và tội duy nhất được gán cho tôi là viết truyền đơn. Tôi bị kết án 3 năm.

Tôi được trả tự do năm 1972 và sau đó, bị sảy thai lần thứ nhất. Lúc ấy, tôi không nghĩ đó là do tôi nhiễm chất độc da cam. Sau đó, tôi còn sảy thai hơn 3 lần và vào năm 1977, tôi lại mang bầu. Tôi luôn hy vọng có con nhưng con tôi bị sinh non, khi mới 5 tháng. Sau khi cháu chào đời, bác sĩ nói với tôi thai nhi đã chết và đưa nó đi ngay trước khi tôi có cơ hội nhìn con mình. Họ nói với tôi đứa trẻ là quái thai và họ sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi nếu tôi nhìn thấy.

Đó là lúc tôi được thông báo mình bị nhiễm chất da cam và được khuyên không nên cố sinh thêm con nào nữa. Điều đó khiến tôi vô cùng suy sụp: Thời bình đã tới sau nhiều năm chiến tranh và tôi rất muốn có một con nữa. Không thể sinh thêm con khiến tôi rất đau khổ.

Năm 2004, tôi và những bà mẹ khác được mời tới gặp những đứa trẻ đã chết của chúng tôi. Các con được bảo lưu ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ như những mẫu nghiên cứu trong lọ. Chúng tôi được đưa tới một căn phòng, và trong những chiếc lọ thủy tinh là con chúng tôi. Tôi không thể nói hết sự đau đớn khi nhìn thấy con mình. Một số người đã ngất xỉu. Tất cả lũ trẻ đều méo mó, một số có hai mặt, một số là sinh đôi trên cùng một cơ thể, một số có chi bị méo mó và có những bé ruột lòi ra ngoài cơ thể. Thật kinh hoàng.

Năm 2002, tôi bị chẩn đoán là ung thư ruột. Một năm sau, tôi phát hiện có một khối u trong họng. Tôi sợ hãi, thấy mình sắp chết.

Trong mọi cuộc chiến, luôn có thảm kịch nhưng hậu quả nên diễn ra ngay tức thời thay vì dùng hóa chất làm ảnh hưởng tới cả thế hệ sau. Việc sử dụng chất da cam là một tội ác không thể tha thứ. Nó quét sạch thế hệ tương lai và tiêu diệt vô số gia đình. Trẻ em được sinh ra với những khuyết tật. Chồng tôi, cũng bị nhiễm chất da cam, đã qua đời năm 1999 vì ung thư.

Tôi thường lo lắng về tương lai và cảm thấy án tử hình đã lơ lửng trên đầu dù nó chưa diễn ra.

Trong tim tôi có một sự giận dữ cháy bỏng. Chính phủ Mỹ đã bồi thường cho các binh sĩ của mình, những người bị ảnh hưởng bởi chất da cam. Tuy nhiên, các nạn nhân Việt Nam lại chẳng nhận được gì.

Nhà sản xuất chất da cam, Dow Chemical và Monsanto, không bao giờ nhận một chút trách nhiệm nào cho những tổn thương mà họ gây ra. Họ đều phải có nghĩa vụ nhận trách nhiệm và bồi thường cho chúng tôi, cho những tác động hủy diệt của chất da cam. Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho tới khi giành được công lý.

  • Hạ Hân (Theo Guardian)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,